Trước vành móng… vợ
“Ra đường hỏi bà già, về nhà hỏi con nít”. Con nít thì có sao kể vậy. Nhiều trường hợp lục đục vợ chồng phát sinh từ đó.
Trước vành móng… vợ
“Ra đường hỏi bà già, về nhà hỏi con nít”. Con nít thì có sao kể vậy. Nhiều trường hợp lục đục vợ chồng phát sinh từ đó.
|
Không tha… “kỷ niệm”
Châu đi họp phụ nữ xã vừa về thì Chíp (7 tuổi) sà vào lòng hỏi kỷ niệm là gì, sang ngang là sao hở mẹ? Chị nựng con, nói bữa nay hỏi lung tung quá ta. Chíp nói con nghe dì Xinh nói với ba. Nghe tên “Xinh”, chị nghi ngờ ngay.
Xinh, 28 tuổi, có nhan sắc như tên của cô nhưng vẫn chậm chồng vì cái tính mà đa số phụ nữ trong làng gọi là “lẳng lơ”. Nói chuyện với đàn ông con trai, cặp mắt Xinh lúc nào cũng đong đưa, miệng cười, môi ướt, hay có những cử chỉ “nóng” đột ngột như nắn nút áo, rờ ngực, vuốt má, tát yêu… Các chàng ưng lắm nhưng đem Xinh về nhà làm vợ thì ai cũng ngại.
Từ những lời kể bập bẹ của Chíp, Châu chắp nối các chi tiết rời rạc thành một chuyện “động trời”: Trung, chồng chị, đang đọc báo thì Xinh lẻn vào nhà, đi rón rén rồi bất ngờ bịt mắt anh. Anh quờ hai tay ra sau, trúng cái gì hổng biết mà Xinh la lên, nói anh Trung ăn gian à nghen. Anh xin lỗi, nói rờ để biết là ai chớ không cố ý. Xinh cười khúc khích, nói mà thôi, không sao. Đằng nào tuần tới em cũng sang ngang rồi. Tuốt trên huyện lận. Vừa rồi coi như kỷ niệm cuối, có gì đâu. Rồi Xinh để thiệp trên bàn, nắn nắn nút áo Trung, vuốt má anh cái, nói anh Trung với chị Châu nhớ tới dự đám cưới em nghen.
Trong bữa cơm, thấy vợ khang khác, Trung thăm dò, nói Xinh vừa đưa thiệp mời. Châu nói ngoài thiệp, nó còn “đưa” cho anh gì nữa không? Anh nói không. Chị nói anh đừng lấy thúng úp voi. Con Chíp kể chuyện anh với con Xinh giỡn mặt cho tui nghe rồi. Nó sang ngang nhưng cái tính… tình tang dễ gì bỏ được. Gõ gõ cái lược lên bàn, Châu nói anh mà còn “kỷ niệm” nó lần nữa, tui quyết không tha.
Chồng của mẹ hư rồi
Cũng là lời con trẻ, nhưng chuyện của Lâm lại là một “giai điệu” khác. Nghe Lâm kể lể, than thở vì bị Hằng (bà xã) nạo te tua mấy bữa nay, đám bạn ai cũng nói đáng đời, cho chừa cái thói hay nói những lời của… gió.
Quả không oan tí nào. Đi đón con Rim (8 tuổi) ở lớp học thêm, lần nào Lâm cũng cà rà lá hoa ong bướm với cô giáo Oanh (góa chồng) rồi mới chịu về. Mấy lần đầu Rim không để ý. Nhưng những lời có cánh của ba nói với cô giáo cứ lặp đi lặp lại làm con bé nhớ như in dù không hiểu gì. Và nó đã thủ thỉ với mẹ.
Rim nói… chồng của mẹ hư rồi. Đón con, ba không chở về liền, bắt con ngồi chơi một mình. Ba “hỗn” lắm, dám kêu cô con bằng em. Nào là màu áo em bữa nay quá đẹp. Áo em xanh anh mến lá sân trường. Nào là kiểu tóc này rất hợp với khuôn mặt em. Bữa nào đi karaoke cho đời bớt tái tê, cô giáo của anh nhé.
Hằng giận sôi gan nhưng bình tĩnh hỏi con: “Cô nói gì hông?”. Rim lắc đầu, nói cô chỉ lườm ba rồi liếc con. Sẵn trớn, Rim “khai” tuốt: Hôm qua ba đưa bì thư tiền học thêm cho cô. Cô nói sao nhiều vậy anh? Ba nói anh biếu thêm cho Oanh, muốn mua gì mua. Nhưng cô không lấy, cô nhét tiền vào túi quần ba. Hằng kêu lên: “Hèn gì xấp tiền trong tủ mất hết gần triệu”.
Trước vành móng… vợ, Lâm giải thích số tiền “dôi dư” là… ứng trước học phí cho Rim. Còn khen cô đẹp cô xinh, mời cô đi hát chỉ là xã giao. Với lại “muốn con hay chữ phải yêu mến thầy”. Hằng hét lên: “Nhưng đây là cô, trời ạ!”. Bị “tòa” tuyên truất quyền đón con, Lâm đổ liều, nói cùng lắm là anh vo ve chứ chích choác gì được mà em làm dữ vậy?
Đi nhậu giải sầu, bạn khuyên Lâm: Mỗi lần ba hoa ông nhớ tránh xa tầm… tai trẻ nhỏ. Nó mà nghe thì sớm muộn gì mẹ nó cũng nhảy dựng lên.
Trần Cao Duyên