10/01/2025

Gấp rút giảm diện tích trồng lúa

Mấy ngày qua, ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch nhưng người nông dân như ngồi trên lửa vì giá lúa sau mỗi đêm thức dậy lại tụt mất vài trăm đồng mỗi ký.

Gấp rút giảm diện tích trồng lúa

Ngày 15-3 tại trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo các bộ ngành – Ảnh: Tấn Đức 

Mấy ngày qua, ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch nhưng người nông dân như ngồi trên lửa vì giá lúa sau mỗi đêm thức dậy lại tụt mất vài trăm đồng mỗi ký. Thực trạng này đã khiến hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo do Thủ tướng chủ trì “nóng” từ trong phòng họp ra tới hành lang, với sự tham gia đông đủ của lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các địa phương trong vùng.

“Nóng” chuyện giá lúa

 

“Bảo hộ trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, các nước họ cũng đều thế cả. Các bộ ngành không được coi đây là bao cấp, mà phải xem đó như là chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất”

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

 

Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho hay ông vừa đi thị sát một số tỉnh ĐBSCL thấy giá lúa IR50404 hiện tại chỉ còn khoảng 4.000-4.100 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Theo ông Phát, vụ đông xuân này ĐBSCL sẽ đạt sản lượng khoảng 8,5 triệu tấn lúa, tương ứng 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa cần xuất khẩu hoặc tiêu thụ sang vùng khác.

Do các loại vật tư nông nghiệp đều tăng nên theo tính toán, giá thành trung bình khoảng 3.769 đồng/kg, tăng 247 đồng/kg so với vụ đông xuân trước.

Ông Lê Văn Thi – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, địa phương có sản lượng lúa cao nhất vùng – cũng mang đến những thông tin không mấy lạc quan: kế hoạch năm 2014 tỉnh Kiên Giang xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn gạo, tuy nhiên đến thời điểm này mới xuất được 100.000 tấn. Trong khi đó lượng lúa đã thu hoạch ước khoảng 2,4 triệu tấn.

“Muốn giữ giá lúa phải tổ chức thu mua tạm trữ, nhưng vừa rồi tôi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, nghe anh em “rên” quá vì chi phí kho bãi sẽ khiến giá thành tăng lên, nguy cơ thua lỗ càng cao. Phải có chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp mới yên tâm” – ông Thi kiến nghị.

Gương mặt đầy âu lo, ông Nguyễn Thanh Hùng – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – bày tỏ: “Không riêng gì lúa thường mà lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh mấy ngày qua cũng đã giảm từ 600-800 đồng/kg, nhưng cũng rất khó tiêu thụ. Sản xuất mà không bán được gây tâm lý hoang mang trong dân”.

Nói về tình hình tiêu thụ lúa, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trong hai tháng đầu năm 2014, do sản lượng thu hoạch chưa cao nên đầu ra khá tốt, giá lúa thường dao động ở mức 5.200-5.800 đồng/kg, nên dù giá thành tăng nông dân vẫn có lãi từ 1.500-2.000 đồng/kg.

Tuy nhiên bước sang tháng 3, giá lúa liên tục giảm. Hiện tại giá lúa thường đã giảm khiến thu nhập của nông dân bị giảm mạnh.

“Giá thành tăng trong khi giá bán giảm khiến thu nhập của nhiều hộ nông dân chỉ ở mức 500.000-600.000 đồng/người/tháng. Hiếm có lĩnh vực nào mà thu nhập thấp như vậy” – một lãnh đạo ngành đã phát biểu tại hội nghị.

Nhiều giải pháp ổn định đời sống nông dân

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực VN, các doanh nghiệp xuất khẩu cần khẩn trương, quyết liệt mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường Trung Quốc cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Chính phủ xúc tiến mua tạm trữ ngay khoảng 1 triệu tấn lúa để hạn chế thiệt hại cho nông dân trước nguy cơ giá lúa có khả năng giảm sâu khi vào thu hoạch rộ. Về phía nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng cường năng lực tự bảo quản, tìm phương án trữ lúa lại chờ giá phù hợp.

Bộ NN&PTNT cũng đang gấp rút triển khai kế hoạch giảm khoảng 112.000ha đất trồng lúa trong khu vực, để đến năm 2015 diện tích canh tác lúa toàn vùng chỉ còn tối đa 4,1 triệu ha và năm 2020 còn khoảng 4 triệu ha.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác chuyển đổi trên đất lúa vùng ĐBSCL.

Trong quý 2-2014 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa…

Ông Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân hàng Nhà nước – thông báo: “Lẽ ra phải để tới đầu tuần sau mới công bố, nhưng hôm nay và ngày mai (15, 16-3) là ngày nghỉ nên tôi đã xin phép và được Thủ tướng đồng ý cho công bố luôn – từ đầu tuần tới sẽ hạ trần lãi suất cho vay xuống còn 8%/năm, riêng vốn tín dụng ưu đãi cho thu mua tạm trữ lúa gạo sẽ chỉ ở mức 7%/năm, thời hạn hỗ trợ trong bốn tháng”.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trấn an các địa phương, doanh nghiệp và nông dân khi yêu cầu triển khai ngay việc thu mua tạm trữ.

Thủ tướng khẳng định: “Bảo hộ trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, các nước họ cũng đều thế cả. Các bộ ngành không được coi đây là bao cấp, mà phải xem đó như là chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất”.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách tín dụng nhằm thu hút tối đa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vào khu vực nông thôn để gia tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động trong nông thôn. Trong đó ưu tiên số 1 cho doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất và gieo trồng các giống lúa chất lượng cao để tăng thu nhập cho nông dân.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý các ngành, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, quy trình sản xuất đến thu hoạch, và sau thu hoạch; phát triển mạnh các mô hình liên kết, các chuỗi sản xuất hay, hiệu quả…

TẤN ĐỨC – PHƯƠNG NGUYÊN