10/01/2025

“Trường tư chết là đúng rồi!”

Sau 20 năm, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chỉ đạt quy mô khiêm tốn với hơn 300.000 SV, chiếm 14,4% tổng số SV trong cả nước. 20 năm ra đời mới có được một lễ tổng kết chính danh do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14-3, lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập đã không ngần ngại bộc bạch hết nỗi khốn khổ của trường tư hiện nay.

 

“Trường tư chết là đúng rồi!”

 
 

Sau 20 năm, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chỉ đạt quy mô khiêm tốn với hơn 300.000 SV, chiếm 14,4% tổng số SV trong cả nước. 20 năm ra đời mới có được một lễ tổng kết chính danh do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14-3, lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập đã không ngần ngại bộc bạch hết nỗi khốn khổ của trường tư hiện nay.

Hội nghị kéo dài từ 8g sáng đến đầu giờ chiều, không có thời gian nghỉ trưa. Đến 12g, khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết thúc bài phát biểu thì trên bàn chủ tọa vẫn có danh sách 15 đại biểu chờ đến lượt phát biểu.

 

“Nói thẳng là hóa một lần chưa đủ, người ta hóa hai lần như thế, trường tư chết là đúng rồi!”

TS Nguyễn Đình Ngộ 
(hiệu trưởng Trường đại học Phú Xuân)

 

“Trường công lập được đầu tư từ A-Z mà vét hết thí sinh tận điểm sàn. Rồi nhiều địa phương hoan hỉ công khai tuyên bố cấm cửa SV tốt nghiệp trường tư. Nói thẳng là hóa một lần chưa đủ, người ta hóa hai lần như thế, trường tư chết là đúng rồi” – TS Nguyễn Đình Ngộ, hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, cảm thán khi là người mở đầu phần thảo luận.

Trong khi đó, bà Trần Kim Phương – chủ tịch hội đồng quản trị Trường CĐ ASEAN – cho rằng trường công với đủ lợi thế về cơ sở vật chất, về nhân lực được đầu tư toàn bằng tiền nhà nước, nhưng rốt cuộc khi tuyển sinh lại “vớt hết từ con cá mập cho đến con tôm, con tép”, đẩy các trường tư vào thế khốn khó. Bà Phương không giấu rằng trường mình chính là ngôi trường gây ồn ào thời gian qua khi bị dừng tuyển sinh. “Cái sai của trường lại bắt nguồn từ cách tính sai của một cán bộ thanh tra. Tính số lượng giảng viên thì áp tại thời điểm cuối năm trước, mà số SV lại tính đến tháng 5 năm sau nên quy rằng trường không đủ giảng viên. Bộ quyết định dừng tuyển sinh, tức là rút ống thở của trường” – bà Phương lập luận. Bà Phương cũng cho rằng cách làm chính sách của bộ hiện nay còn nhiều bất ổn: “Rất thông cảm với Bộ GD-ĐT khi hệ thống các trường ngoài công lập là một hệ thống mới. Ngay trong Bộ GD-ĐT cũng hiếm có người nào từ trường tư về. Bộ GD-ĐT có cái khuyết là người của bộ xây dựng chính sách chẳng hiểu gì về trường tư thục, không được va chạm thì làm sao có kinh nghiệm, không hiểu gì về trường tư thì làm sao có chính sách tốt cho trường tư được”.

Bà Phương bức xúc đến độ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bài phát biểu của bà thể hiện một “tâm huyết cháy bỏng”, khiến “thời tiết bên ngoài thì lạnh mà không khí trong phòng lại nóng lên”.

Trong khi đó, bà Bùi Trân Phượng – hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen – lại cho rằng các trường đòi quyền bình đẳng trước hết cần phải khẳng định danh xưng xứng đáng của một nhà trường thực thụ. “Không thể mặc nhiên nghĩ trường mới ra đời vĩnh viễn đứng sau trường lâu đời, hay trường tư phải chấp nhận đứng ở chiếu dưới so với trường công. Nếu trường tư không có tham vọng trở thành một ngôi trường đàng hoàng, có thương hiệu thì không đáng để Nhà nước và nhân dân quan tâm”- bà Phượng nhấn mạnh. Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cũng cho rằng nhiều bất cập của giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng bắt nguồn từ chính tâm lý tự coi VN là ngoại lệ, không đi theo dòng chảy chung của thế giới, vô tư thừa nhận thế giới đứng trên đầu. Trong khi, đáng lẽ phải xác định mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy chung để rút ngắn khoảng cách với thế giới.

Đứa con ngoài giá thú!

Trong phát biểu của đại diện hơn 20 trường ngoài công lập, đa số đều đề cập sự “phân biệt đối xử” nặng nề giữa trường công và trường tư. GS Trần Hồng Quân – chủ tịch Hiệp hội Trường ĐH, CĐ ngoài công lập – cho rằng SV công lập thì được Nhà nước xét cấp học bổng, được hỗ trợ 60-70% chi phí đào tạo, chỉ đóng một mức học phí rất thấp so với chi phí đó. Còn các SV trường tư, cũng là một công dân có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi như các SV công lập nhưng không được Nhà nước đãi ngộ, mặt khác họ còn phải gánh phần thuế do nhà trường phải nộp cho Nhà nước. Theo GS Quân, tỉ lệ SV ngoài công lập đến từ nông thôn (với nguồn thu nhập hạn hẹp) lại nhiều hơn ở các trường công lập. Thành ra lâu nay Nhà nước hỗ trợ SV con nhà khá giả ở trường công mà không mấy khi hỗ trợ SV nghèo khó ở trường tư. Như vậy mục tiêu rất tốt của Nhà nước là hỗ trợ SV nghèo đã vô tình không được thực hiện.

“Nguồn thu duy nhất của trường tư là học phí. Tại sao không miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập, đầu tư vốn cho trường vay không tính lãi… Vì nếu trường tư không được hưởng những ưu đãi này thì người gánh chịu các khoản chi phí cuối cùng lại chính là SV” – đại diện Trường ĐH Đông Á đặt vấn đề. PGS.TS Trần Hữu Nghị – hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng – cũng chung quan điểm khi chia sẻ dù là hiệu trưởng một trường dân lập nhưng ở tình thế hiện nay, nếu có con đang độ tuổi thi ĐH, ông cũng không đời nào cho con vào học trường tư với học phí đắt đỏ và quá nhiều bất công so với SV trường công lập. Đại diện Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng thậm chí còn cho rằng 20 năm qua có vẻ Bộ GD-ĐT coi trường tư là “đứa con ngoài giá thú”: “Con khóc thì mẹ mới cho bú, thật sự hệ thống ngoài công lập đang khóc”.

Thấu hiểu tâm trạng này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Khổ là nhiều khi con đẻ, con nuôi có thể được đối xử như nhau, nhưng tâm lý con nuôi vẫn thấy tị. Tôi nghe từ sáng thấy con nuôi kêu rất dữ, đó là vì tâm lý nghĩ mình là con nuôi không bằng hay thực tế đúng là vậy? Rõ ràng, nhìn kỹ sẽ thấy có nhiều điểm chưa công bằng”. Theo đó, những vấn đề lớn về thuế liên quan đến luật có thể mất nhiều thời gian để thay đổi, nhưng những vấn đề dưới luật cần thiết điều chỉnh để lấy lại công bằng thì nhất thiết làm ngay. “Một năm ngân sách chi cho giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng rất lớn. Vậy phải rà lại chính sách liên quan đến SV. SV trường tư hay trường công đều là SV của mình. Nếu có bất bình đẳng phải điều chỉnh ngay”- ông Đam chỉ đạo.

NGỌC HÀ

 

 

Mâu thuẫn nội bộ hay sai lầm về chính sách?

Trong số những hạn chế của trường ngoài công lập, bộ đánh giá mâu thuẫn nội bộ kéo dài ở một số trường đã ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của nhà trường, dẫn đến nhiều trường bị dừng tuyển sinh, 15 trường ĐH dân lập chưa thực hiện được việc chuyển đổi cơ chế hoạt động từ dân lập sang tư thục theo quy định của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, nhiều trường lại cho rằng mâu thuẫn nội bộ nhiều khi được thúc đẩy bởi chính cơ chế không rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước dành cho trường ngoài công lập. TS Dương Tấn Diệp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM, chỉ ra sai lầm của quyết định 63 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục chính là quan niệm về vốn sở hữu chung. Đó là việc xem vốn sở hữu chung như cổ phần để chia cổ tức và cử người đại diện cho vốn sở hữu chung tham gia đại hội cổ đông với tư cách như một cổ đông. Cách xem vốn sở hữu chung là cổ phần để chia cổ tức chỉ có duy nhất ở VN. Cho cổ tức tự động nhập vào vốn, làm tăng vốn sở hữu liên tục là sai nguyên tắc. Sai lầm này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là vốn sở hữu chung dần dần lấn át vốn cổ đông, đến lúc vốn cổ đông bị teo nhỏ lại. Có khi chỉ sau vài năm vốn sở hữu chung tăng tốc mạnh mẽ, cổ đông không còn gì, cổ tức tiến dần đến số 0, cổ đông không còn ham muốn đầu tư nữa. Trong khi đó, người đại diện vốn sở hữu chung tham gia cổ đông ngày càng có quyền quyết định lớn hơn. “Vận mệnh của trường rơi vào tay một người đại diện duy nhất thì càng dễ gây bất ổn” – ông Diệp phân tích.