10/01/2025

Cách chọn thi 2 khối mà học ít môn

Gần 1.000 học sinh tỉnh Phú Yên tham dự chương trình Tư vấn mùa thi (do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Tuy Hòa chiều 13.3) đã được các chuyên gia chia sẻ cách lựa chọn ngành nghề, khối thi thích hợp.

 

Cách chọn thi 2 khối mà học ít môn

Gần 1.000 học sinh tỉnh Phú Yên tham dự chương trình Tư vấn mùa thi (do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Tuy Hòa chiều 13.3) đã được các chuyên gia chia sẻ cách lựa chọn ngành nghề, khối thi thích hợp.

Thi khối A1, chọn thêm D1

Một học sinh từ Bình Định đặt câu hỏi qua đường dây nóng: “Em không có sở thích học ngành nào cụ thể, nên rất băn khoăn khi chọn trường và ngành thi. Em dự định thi khối A1, thi được khoảng 17 – 19 điểm, vậy em nên chọn ngành nào phù hợp?”. Thạc sĩ Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Đầu tiên, em nên tham khảo điều kiện gia đình, có người thân đang làm ngành nghề, lĩnh vực gì hay không để chọn ngành. Hai là đặc thù phát triển kinh tế xã hội của địa phương nơi em sinh sống. Một lưu ý nữa là nếu lựa chọn thi khối A1, em nên chọn thi thêm khối D1 vì em có thể ôn thi cả môn Anh văn và toán cho cả hai khối thi này”.

 

 
 

Báo Thanh Niên cảm ơn Công ty Vietravel đã hỗ trợ phương tiện vận chuyển đoàn; Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, Tỉnh đoàn, VTV Phú Yên đã phối hợp tổ chức thành công chương trình.

 

 

Trái với thắc mắc của học sinh các tỉnh khác về các ngành học dễ kiếm việc làm trong tương lai, Nguyễn Ngọc Tân, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Duy Tân, lại thắc mắc: “Giữa các ngành học của các khối ngành kinh tế, xã hội, giao thông vận tải, kỹ thuật… thì ngành nào ra trường có nguy cơ thất nghiệp nhất?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tư vấn: “Học một ngành ra trường có thất nghiệp hay không phụ thuộc vào việc các em chuẩn bị tương lai cho mình như thế nào. Các trường ĐH, CĐ khi xây dựng chương trình đào tạo đều cân nhắc là ngành học đó có đáp ứng nhu cầu xã hội hay không, nhưng các trường chỉ cung cấp kiến thức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện nay, có rất nhiều ngành được xem là thời thượng, nhưng sinh viên học không tốt và không chuẩn bị những kiến thức bổ sung thì vẫn khó xin việc làm. Các em cần suy nghĩ việc chuẩn bị để khi ra trường đủ khả năng đáp ứng công việc hơn là lo lắng có việc làm hay không”.

Học gì để kinh doanh trên Facebook ?

Một học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đặt câu hỏi rất thời sự: “Học ngành nào để có thể mở cửa hàng kinh doanh trên Facebook?”. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Kinh doanh đòi hỏi nhiều thứ nên em có thể học về quản trị nhân lực, tài chính, kế toán, cũng có thể học về công nghệ thông tin, thương mại điện tử”. Thầy Châu Minh Quý, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing, tư vấn thêm: “Lĩnh vực này còn liên quan nhiều đến marketing, cụ thể là quảng bá sản phẩm. Sản phẩm cụ thể ở đây là cửa hàng trên Facebook, nên thay vì dùng phương tiện marketing truyền thống, cần sử dụng các phương thức hiện đại, vì thế có thể học ngành truyền thông makerting”.

Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra tại Ninh Thuận vào ngày 15.3.

 

Cần công bố danh sách thôn, xã KV1 trong tài liệu tuyển sinh chính thức của Bộ

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thay đổi ưu tiên tuyển sinh năm nay chủ yếu là thu hẹp theo khu vực (KV) 1. Theo đó, KV1 chỉ dành cho thí sinh ở thôn, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 447 và 539. Năm nay, Bộ có một giải pháp kỹ thuật là học sinh tại những trường nằm trong khu vực khó khăn nhưng có hộ khẩu tại khu vực khó khăn được công nhận thuộc KV1. Điều này sẽ dẫn đến việc có 2 dạng thí sinh được ưu tiên: thí sinh học các trường không ưu tiên nhưng hộ khẩu ở khu vực ưu tiên, thí sinh học và có hộ khẩu đều ở khu vực ưu tiên. Câu hỏi đặt ra là phần mềm tuyển sinh có giải quyết được điều này hay chưa? Thứ hai là danh sách các thôn, xã được xếp vào KV1 phải được công bố trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 hoặc các phụ lục gửi các sở GD-ĐT để các sở, các trường THPT, phụ huynh, thí sinh nắm được điều này.

Trong khi đó, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đưa ra một số phát sinh mà Bộ cần phải lường trước. Chẳng hạn, dữ liệu tuyển sinh của các trường sẽ khó khăn nếu dữ liệu của Bộ không đủ. Trước đây, chỉ cần mã của trường là có thể biết được KV của thí sinh, bây giờ dữ liệu phải cung cấp không chỉ trường THPT mà còn phải có xã. Bên cạnh đó, có khả năng ở một số tỉnh số lượng thí sinh thuộc KV1 tăng lên chứ không giảm.

 

Đăng Nguyên