10/01/2025

Bấp bênh dựng lều trọ học bên sông

Cứ vào năm học mới, phụ huynh lại gánh lá cọ, luồng, nứa xuống dựng lều lán để con em trọ học. Mùa mưa, lũ quét, lũ ống có thể cuốn trôi lều lán bất cứ lúc nào. Mùa khô, nguy cơ cháy lều lán rất cao khi các bếp lửa rất gần với mái tranh thấp lè tè.

 

Bấp bênh dựng lều trọ học bên sông

 
 

Cứ vào năm học mới, phụ huynh lại gánh lá cọ, luồng, nứa xuống dựng lều lán để con em trọ học. Mùa mưa, lũ quét, lũ ống có thể cuốn trôi lều lán bất cứ lúc nào. Mùa khô, nguy cơ cháy lều lán rất cao khi các bếp lửa rất gần với mái tranh thấp lè tè.

Đó là tình cảnh của học sinh đang ở trong các căn lều lán tạm bợ dọc bờ sông Luồng, gần Trường THCS và THPT Quan Hóa, ở bản Dôi, xã Thiên Phủ, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Không dám ngủ vì rắn rết

 

Năm 2013, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh đã khảo sát, lập danh sách 36 điểm trường cần xây dựng khu nhà ở bán trú cho học sinh tại 11 huyện miền núi, vùng cao của tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn chỉnh đề án xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh miền núi, để UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện trong những năm tới.

 

Chiều muộn, sau khi tan trường, các em học sinh trọ học quanh Trường THCS và THPT Quan Hóa người đi lấy nước ăn, người lo bổ củi, nhóm bếp chuẩn bị cơm tối. Trong những căn lều lán thấp lè tè được lợp bằng lá kè, lá cọ, thưng bằng luồng, nứa bắt đầu có ánh lửa cháy bùng bùng, khói tỏa nghi ngút. Một thầy giáo đi cạnh tôi ái ngại, căn dặn học sinh: “Các em phải hết sức cẩn thận khi nấu ăn nhé, vì lửa mà bắt vào phên nứa, cháy bén lên lá tranh là thiêu rụi hết cả khu đấy”. Thầy giáo nói nhỏ cho đủ mình tôi nghe: “Nói dại, nếu xảy ra hỏa hoạn ở khu này thì đành bó tay thôi anh ạ, vì vào mùa khô nước sông Luồng cạn trơ đáy”.

Ở phía cuối bản Dôi, xã Thiên Phủ, nhóm học sinh Vi Văn Tình (ở bản Chiềng Hin, xã Hiền Kiệt, cách trường 18km), Vi Văn Thanh (ở bản Pó, xã Hiền Chung, cách trường 10km), Lò Văn Tùng (ở bản Chiềng, xã Hiền Kiệt) đều dân tộc Thái, học lớp 10B, đang cặm cụi bổ củi, nhóm bếp nấu cơm chiều. Em Tùng tâm sự: “Năm nay, mỗi em được Nhà nước cấp 15kg gạo/tháng và hỗ trợ tiền chi phí cho cuộc sống hằng ngày nên bữa ăn của các em tươm tất hơn. Cơm ăn no bụng, thức ăn được cải thiện. Nỗi vất vả nhất của các em bây giờ là chỗ ở tạm bợ quá. Nhiều hôm trời mưa to, rắn rết bò vào trong lều, lên giường, các em sợ, không dám ngủ. Còn vào mùa khô, nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng, phải đi rất xa để xin nước của nhà dân”.

Đang xin kinh phí

Trường THCS và THPT Quan Hóa có 419 học sinh, trong đó hơn 70% học sinh có nhu cầu ở bán trú. Học sinh ở các bản xa như bản Ho, bản Cháo (xã Hiền Kiệt); bản Lở, bản Bâu, bản Bất (xã Nam Động); bản Háng, bản Hàm, bản Lớt, bản Dồi (xã Thiên Phủ)… cách trường 15-40km. Trong khi đó, hiện nhà trường chưa có phòng nội trú nào cho học sinh, nên gần 300 em đang phải dựng lều lán cạnh trường để ở.

Do cuộc sống còn khó khăn nên từ đầu năm học 2013-2014 đến nay, trường đã có 13 học sinh (2 học sinh THCS, 11 học sinh THPT) bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, vì các khu lều lán trọ học của học sinh nằm ngoài khuôn viên của trường, ở rải rác nhiều khu dọc bờ sông Luồng nên việc quản lý học sinh sau giờ học của nhà trường hầu như bỏ ngỏ. Đêm đến, trai bản, người lạ thường đến quấy rối các em học sinh nữ, ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của các em.

Theo ông Lê Văn Thanh – hiệu phó phụ trách Trường THCS và THPT Quan Hóa, nhà trường đã có văn bản báo cáo UBND huyện Quan Hóa, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa xin đầu tư xây dựng khu bán trú cho học sinh. Nếu nguồn kinh phí hạn hẹp, nhà trường xin được xây dựng khoảng 10 phòng để ưu tiên cho học sinh nữ vào ở, đảm bảo an toàn cho các em.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14- 3, ông Phạm Anh Toàn – trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa – cho biết: “Huyện hiện có bốn điểm trường có học sinh phải dựng lều lán trọ học, cuộc sống, sinh hoạt của các em đang gặp nhiều khó khăn, đó là các trường: THCS và THPT Quan Hóa, THCS Trung Thành, THCS Phú Sơn và THCS Hồi Xuân. Trong đó, tại Trường THCS và THPT Quan Hóa có số học sinh phải làm lều lán trọ học nhiều nhất, cần sớm phải xây dựng khu nhà ở bán trú cho các em. Tuy nhiên, là một huyện nghèo nên chưa có kinh phí để xây dựng nhà bán trú cho học sinh. UBND huyện cũng đã có công văn báo cáo Ban Dân tộc tỉnh, Sở GD-ĐT Thanh Hóa sớm có dự án xây dựng nhà bán trú cho học sinh”.

HÀ ĐỒNG

 

 

Xây nhà nội trú cho học sinh vùng cao

Cách đây 10 năm, Tuổi Trẻ đã có loạt bài phản ánh về tình trạng học sinh các huyện vùng cao Mường Lát và Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa phải dựng lều lán bằng tranh tre, nứa lá để trọ học quanh trường. Những năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh và các nhà hảo tâm, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được “Làng học sinh Mường Lát” gồm 30 ngôi nhà sàn, đủ chỗ ở cho hơn 300 học sinh Trường THPT Mường Lát, xây dựng khu nội trú 20 phòng ở cho học sinh Trường THPT Quan Sơn.

Học sinh Trường THCS và THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) sinh hoạt trong căn lều tạm bợ - Ảnh: Hà Đồng