10/01/2025

Crimea tuyên bố độc lập

Cộng hoà tự trị Crimea tiến gần hơn về phía Nga khi quốc hội khu vực này tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine trước thềm cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tuần.

Crimea tuyên bố độc lập

Cộng hoà tự trị Crimea tiến gần hơn về phía Nga khi quốc hội khu vực này tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine trước thềm cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tuần.

Poster kêu gọi đi bỏ phiếu ngày 16-3 tại Simferopol –  Ảnh: Reuters 

Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời đại diện của văn phòng báo chí Quốc hội Crimea cho biết 78 trên tổng số 100 đại biểu đã tán thành việc tuyên bố độc lập trong cuộc bỏ phiếu ngày 11-3. Bản tuyên bố, đăng trên trang mạng của quốc hội, khẳng định hành động này là phù hợp với luật pháp quốc tế và dẫn ví dụ từ phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2010 trao quyền cho Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia.

Crimea cho biết sẽ sớm nắm quyền sở hữu các công ty nhà nước của Ukraine tại bán đảo, như công ty khai thác dầu khí ở biển Đen, nhà máy quang điện, công ty đường sắt và một số khu nghỉ mát.

Chạy đua đến… ngày chủ nhật

Tuyên bố trên là động thái mới nhất của Crimea để củng cố cơ sở pháp lý cho cuộc trưng cầu dự kiến vào chủ nhật tuần này. Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho biết tuyên bố độc lập của Quốc hội Crimea “hoàn toàn hợp pháp” và Matxcơva sẽ tôn trọng đầy đủ các kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.

Phía Nga cũng cho biết quan sát viên từ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã được mời để giám sát cuộc trưng cầu. Tuy nhiên OSCE sau đó đã bác bỏ tin này. “Để bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào về mức độ tự trị hoặc chủ quyền của Crimea được coi là hợp pháp, nó phải dựa trên Hiến pháp Ukraine và tuân thủ luật pháp quốc tế” – tổ chức này khẳng định.

Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm qua đã có mặt tại Mỹ để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama và trình bày vấn đề Crimea lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sau khi Crimea tuyên bố độc lập, Ukraine đã phản ứng nhanh chóng bằng việc thành lập lực lượng an ninh vệ quốc mới. Quốc hội Ukraine cũng ra tối hậu thư cho Crimea hủy cuộc trưng cầu ly khai hoặc Kiev sẽ tuyên bố giải tán quốc hội khu vực này. Tuần trước, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov của Ukraine cũng ký sắc lệnh yêu cầu Crimea bỏ trưng cầu nhưng bị Crimea phớt lờ.

Để chuẩn bị cho bỏ phiếu, các lực lượng thân Nga tiếp tục siết chặt kiểm soát Crimea. Các chuyến bay đến Simferopol đã bị hoãn đến hết tuần, CNN ngày 12-3 đưa tin. Các lực lượng thân Nga cũng siết chặt kiểm tra các chuyến tàu khách đi vào bán đảo. “Chúng tôi tìm những kẻ mang súng từ Ukraine, từ Maidan (quảng trường độc lập Kiev) vì lý do an ninh” – một lính gác giải thích.

Ngược lại, Chính phủ Ukraine và các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc các quan chức và truyền thông Nga bóp méo sự thật để Tổng thống Nga Vladimir Putin có cớ bảo vệ người Nga để xâm lược Ukraine. Trước đó, các cơ quan tư pháp mới của Ukraine đã ban hành trát bắt giữ của các nhà lãnh đạo thân Nga ở khu vực Crimea đã kêu gọi trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.

Mỹ vận động loại Nga khỏi G8

Các lãnh đạo Mỹ và Nga vẫn đấu khẩu rất căng trên bàn ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã điện đàm sau khi ông Kerry từ chối đến Matxcơva. Reuters dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích phía Nga không tạo điều kiện cho môi trường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó RIA Novosti đưa tin Ngoại trưởng Nga Lavrov trong cuộc hội thoại đã nhấn mạnh quyền của người dân Crimea được quyết định một tương lai phù hợp với luật quốc tế.

Hạ viện Mỹ ngày 11-3 cũng thông qua nghị quyết lên án Nga và hối thúc chính quyền Tổng thống Barack Obama và các đồng minh phương Tây áp dụng lệnh cấm thị thực, tài chính, thương mại và các biện pháp trừng phạt khác đối với “các quan chức, ngân hàng nhà nước, tổ chức thương mại và các cơ quan” của Matxcơva. Nghị quyết, với tỉ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, bao gồm đề nghị loại Nga khỏi nhóm các nước G8.

Song song với việc chuẩn bị trừng phạt Nga, các lãnh đạo châu Âu tuyên bố dành cho Ukraine khoản ưu đãi thương mại thông qua giảm thuế nhập khẩu đến 700 triệu USD mỗi năm, bên cạnh khoản vay 15 tỉ USD mà Liên minh châu Âu (EU) đã hứa trước đó. Các lãnh đạo EU sẵn sàng ký kết các điều khoản về chính trị trong thỏa thuận liên kết với Ukraine. Mỹ đã hứa cho Kiev vay 1 tỉ USD. Tuy nhiên trong tuyên bố ngày 11-3, Nga cáo buộc sự hỗ trợ tài chính của Washington cho Kiev đi ngược với chính luật pháp Mỹ, cụ thể là Luật hỗ trợ nước ngoài 1961 về việc cung cấp tài chính cho quốc gia có tổng thống bị lật đổ bởi đảo chính quân sự.

TRẦN PHƯƠNG