26/11/2024

Mụn do stress

Sự căng thẳng, lo lắng, phiền muộn sẽ góp phần tăng tiết bã nhờn và hậu quả mụn xuất hiện. Bị mụn, chúng ta lại gặp áp lực phải trị nhanh chóng thì mụn càng xuất hiện nhiều hơn.

 

Mụn do stress

Sự căng thẳng, lo lắng, phiền muộn sẽ góp phần tăng tiết bã nhờn và hậu quả mụn xuất hiện. Bị mụn, chúng ta lại gặp áp lực phải trị nhanh chóng thì mụn càng xuất hiện nhiều hơn.

 

Nhiều trường hợp mụn sưng to, viêm đỏ, đôi khi gây đau và để lại hậu quả là những vết sẹo lồi lõm, lỗ chỗ, thâm nám trên khuôn mặt. Lúc này, mụn trứng cá không còn là kết quả của căng thẳng thần kinh nữa mà ngược lại là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng.

Một vòng luẩn quẩn

“Một sáng thức dậy, vuốt mặt thấy nhám xịt, soi gương mới thấy mặt nổi mụn trứng cá li ti tôi cứ nghĩ bị dị ứng. Uống thuốc dị ứng không bớt. Nghĩ do thay đổi môi trường vì thời điểm đó mới chuyển nhà nên tôi chờ một thời gian sẽ thích ứng. Một tháng sau tình trạng mụn của tôi vẫn không hết. Lúc này mặt càng dày mụn hơn, những nốt mụn mủ như hạt đậu phộng xuất hiện nhiều hơn” – chị N.X.Dương (Q.7, TP.HCM) nói về việc bị mụn của mình. Loay hoay với các cách chữa mụn như: cạy mụn, bôi thuốc, uống thuốc, đắp mặt nạ các loại… nhưng ngày càng nặng hơn khiến chị Dương càng tự ti, không muốn giao tiếp với ai. Được mọi người khuyên đi bệnh viện để tìm hiểu căn nguyên, chị Dương mới biết mình bị mụn do stress. Chị N.X.Thảo (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vào năm 1 đại học cũng là lúc làn da mịn màng chị Thảo xuất hiện những đốm mụn nhỏ thành những nốt mụn bọc lớn. Nhưng vì quá mệt mỏi với nhiều áp lực nên chị không quan tâm đến việc khuôn mặt bị nổi mụn. Đến lúc ra trường, tâm lý chị Thảo thoải mái hơn do cuộc sống đỡ vất vả nên mụn biến mất lúc nào chị cũng không để ý, nhưng da mặt lại bị lồi lõm do mụn lâu ngày.

 

“Cần điều trị song song cả stress và mụn, không chờ hết stress mới bắt đầu điều trị mụn. Bởi stress không phải điều trị một sớm một chiều sẽ hết ngay”

BS Lê Thái Vân Thanh

 

Tình trạng mụn lâu ngày khiến không ít người bị ảnh hưởng cả công việc, học hành. Như chia sẻ của bạn N.N.Đào (Q.3, TP.HCM), có mụn từ lớp 10, đến năm lớp 12 thì không thể nào chịu đựng được mặc cảm bị trêu ghẹo nên Đào quyết định nghỉ học một thời gian. Tuy được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng tình trạng của Đào cũng không khả quan. Mỗi lần bị căng thẳng là mụn lại nổi lên. Mụn cũ chưa trị xong đã xuất hiện mụn mới.

Làm gì khi bị mụn do stress?

Bác sĩ Lâm Ngọc Anh (trưởng đơn vị thẩm mỹ Bệnh viện Bưu Điện, TP.HCM) cho biết stress, nhất là khi stress kéo dài, hệ thần kinh bị tác động làm rối loạn nội tiết tố, tăng tiết mồ hôi, làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, làm da dễ bị nổi mụn hơn và làm nặng hơn tình trạng mụn đang có sẵn. Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh (phòng chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cũng cho biết stress là một trong những yếu tố phát sinh mụn hoặc làm tình trạng mụn sẵn có xấu hơn.

Biểu hiện mụn do stress đầu tiên thường gặp dưới dạng sẩn đỏ, mụn li ti trên bề mặt da, sờ vào bề mặt da có thể cảm nhận nốt sần dưới da, đôi khi có biểu hiện mụn nước trên da, có thể ngứa hoặc không ngứa tùy cơ địa mỗi người, thường tập trung vùng trán, hai góc hàm. Sau đó sẽ xuất hiện tình trạng mụn viêm, thường do ngứa gãi hoặc nặn mụn dẫn đến tình trạng viêm. “Khi bị stress, khả năng đề kháng của da giảm nên vi khuẩn ngoài môi trường tấn công, mụn viêm thường xuất hiện rải rác trên da, không xuất hiện từng đám như mụn trứng cá thông thường. Diễn tiến tiếp theo sẽ là mụn mủ và tình trạng mụn nhiễm trùng” – bác sĩ Ngọc Anh nói.

Một trong những thói quen thường thấy của các bạn gái là dùng mỹ phẩm trang điểm để che những khuyết điểm này, lớp da khô và bong tróc trên bề mặt sẽ khiến lớp phấn được đánh trên da có cảm giác như bị mốc. Đồng thời, chất thừa của mỹ phẩm đọng lại trong nang lông khó tẩy sạch do nang lông bị bít kín khiến da trở nên sạm màu, thâm xỉn và dễ sinh mụn mới.

Theo bác sĩ Ngọc Anh, để trị mụn điều đầu tiên cần làm là phải giảm stress, nếu không điều trị mụn sẽ kéo dài và không đạt được kết quả dứt điểm. Sau khi vệ sinh da mặt, giảm tình trạng stress mà mụn không giảm thì cần có sự điều trị của bác sĩ. Song, theo bác sĩ Vân Thanh, ngoài stress người bị mụn cần quan tâm đến các yếu tố thúc đẩy như môi trường bụi bẩn, ăn uống, sinh hoạt xung quanh… Cần điều trị song song cả stress và mụn, không chờ hết stress mới bắt đầu điều trị mụn. Bởi stress không phải điều trị một sớm một chiều sẽ hết ngay. Mụn ảnh hưởng lên tâm lý rất nhiều, nếu để mụn lâu ngày sẽ khiến người bệnh bị stress nhiều hơn. Bác sĩ sẽ tư vấn điều trị mụn song song với điều trị stress tùy từng mức độ.

Ngoài ra, thuốc điều trị mụn thường được kết hợp thuốc uống và thuốc thoa ngoài da. Có một số loại sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên cần phải tránh khi điều trị. Quan trọng là cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ – bác sĩ Lâm Ngọc Anh nhấn mạnh.

DIỆU NGUYỄN

 

 

Cách chăm sóc da khi bị mụn

– Rửa mặt hai lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối với sữa rửa mặt phù hợp. Sau khi đi ngoài đường về nên rửa mặt sạch.

– Không nên sờ chạm nhiều vào vùng da bị mụn, nặn mụn không đúng sẽ dẫn đến tình trạng viêm mụn mủ, dẫn đến sẹo rỗ, sẹo thâm sau lành mụn.

– Sử dụng mỹ phẩm phù hợp, vệ sinh cọ trang điểm và bông phấn. Không dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể làm tăng nặng tình trạng mụn và gây khó khăn cho việc điều trị.

– Nam giới cần thận trọng khi cạo râu, nên sử dụng các sản phẩm làm mềm da và râu trước khi cạo.

BS Lâm Ngọc Anh