Sống chung với viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng khá thường gặp trong đời sống. Tùy theo vùng miền, tỉ lệ người bị viêm mũi dị ứng có thể khác biệt chút ít, nhưng nhìn chung dao động quanh con số 20% – một tỉ lệ khá cao!
Sống chung với viêm mũi dị ứng
Khi tiếp xúc với khói bụi, cần đeo khẩu trang để tránh các bệnh hô hấp – Ảnh: T.T.D.
Đây là một trong những bệnh gây tốn kém nếu xét về mức độ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, về thời gian lẫn tiền bạc tiêu tốn cho điều trị, do vậy viêm mũi dị ứng đang được thế giới quan tâm.
Phân biệt với các loại viêm mũi khác
Dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại những chất lạ xâm nhập, thường là qua đường hô hấp. Những chất lạ này được gọi chung là kháng nguyên, khi bị kháng nguyên xâm nhập thì cơ thể tạo ra các chất để chống lại gọi là kháng thể. Quá trình “chiến đấu” giữa kháng thể và kháng nguyên sẽ sinh ra các hóa chất trung gian là histamin và serotonin, các hóa chất này chính là nguồn gốc của các rối loạn mà ta thấy ở các bệnh dị ứng. Ở mũi chúng gây ra một loạt phản xạ như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi… để bảo vệ đường hô hấp trên. Khi những phản xạ này bị rối loạn ở mức độ cao hơn bình thường, cơ thể bị đẩy vào tình trạng bệnh lý gọi là viêm mũi dị ứng.
Phân biệt với viêm mũi cấp Người bệnh viêm mũi cấp (do nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn) sẽ bị ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi như viêm mũi dị ứng nhưng cường độ thường ít hơn. Bên cạnh đó sẽ có các triệu chứng ít gặp trong viêm mũi dị ứng là sốt, nhức đầu, cơ thể rất mệt mỏi, có thể kèm theo ho và đau họng. Khi xì mũi vào khăn tay nước mũi để lại vết hoen ố, còn dịch mũi trong viêm mũi dị ứng hoàn toàn không để lại dấu vết nào. |
Các kháng nguyên gây dị ứng có thể là bụi bặm, nấm mốc, phấn hoa, lông súc vật…; thực phẩm như sữa, lòng trắng trứng, hải sản, mắm, dứa, dâu tây, thịt bò…; các hóa chất như sơn, nước hoa, cao su, thậm chí là các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm… hoặc có thể là sự thay đổi về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm…
Về cơ bản, viêm mũi dị ứng được phân làm hai loại:
– Viêm mũi dị ứng theo mùa: bệnh xuất hiện đột ngột vào đầu mùa lạnh, mùa mưa hoặc đầu mùa nóng. Ở các nước Âu – Mỹ vào mùa hoa nở, phấn hoa và các bào tử nấm bay nhiều trong không khí và số lượng bệnh nhân viêm mũi dị ứng tăng đột biến.
– Viêm mũi dị ứng không theo mùa: bệnh có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, không phụ thuộc thời tiết.
Thứ nữa là phân biệt với viêm mũi vận mạch: các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi từng tràng, cay mắt, sổ mũi và nghẹt mũi gần như giống hoàn toàn với viêm mũi dị ứng, và nước mũi cũng trong vắt, không để lại dấu vết khi xì vào khăn tay. Thực tế rất khó phân biệt với viêm mũi dị ứng, ngoại trừ một số khác biệt nhỏ như người bệnh thường bị kích thích nếu gặp xúc động mạnh, ra ngoài nắng hoặc gió chứ không phải vì những kháng nguyên kinh điển của viêm mũi dị ứng như bụi, nấm, phấn hoa, lông súc vật… Và khi xét nghiệm, tế bào ái toan không tăng trong máu, cũng rất ít trong nước mũi, còn ở người viêm mũi dị ứng thì tế bào này hiện diện rất nhiều.
Học cách “sống chung”
Rất khó xác định chính xác người ta bị dị ứng với bao nhiêu loại dị nguyên trong tự nhiên và trong đời sống hằng ngày, do vậy có thể nói hầu như không có khả năng điều trị cho ai đó miễn nhiễm với bệnh viêm mũi dị ứng.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể “sống chung” một cách hòa bình với nó nếu có ý thức phòng bệnh và can thiệp y khoa sớm ngay giai đoạn viêm mũi dị ứng mới xuất hiện.
– Phòng bệnh: hãy loại trừ tối đa các yếu tố gây dị ứng bằng cách giữ nhà cửa luôn thoáng mát sạch sẽ, thường xuyên giặt sạch và phơi khô mùng mền, bao gối, drap giường. Không nuôi súc vật trong nhà và nếu nuôi thì phải tắm rửa, chải lông cho chúng thường xuyên. Khi tiếp xúc với bụi, khói, hóa chất phải có khẩu trang hoặc các phương tiện bảo hộ thích hợp. Ngoài ra, phải nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao, bằng chế độ dinh dưỡng chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất…
– Chữa bệnh: vào những thời điểm viêm mũi dị ứng vừa xuất hiện, nên đến gặp bác sĩ tai – mũi – họng sớm để được tư vấn và kê toa thuốc kháng dị ứng hoặc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp với bệnh trạng. Như vậy chúng ta sẽ nhẹ nhàng vượt qua bệnh viêm mũi dị ứng cũng như tránh được những biến chứng nặng nề hơn có thể gặp.
Tiên lượng của bệnh viêm mũi dị ứng nhìn chung không có gì quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài thì việc đầu tiên là sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như làm giảm tập trung, giảm năng suất lao động. Xa hơn nữa, nếu bệnh kéo dài mà không quan tâm điều trị đàng hoàng thì dị ứng mũi có thể chuyển nặng thành dị ứng phế quản gây ra hen suyễn. Hoặc thường gặp hơn trong thực tế là dịch tiết trong viêm mũi dị ứng sẽ bị nhiễm khuẩn và gây ra viêm xoang. Lúc này việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều, mà sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
BS PHAN QUỐC BẢO (Cơ sở 2, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)