25/11/2024

Tư nhân làm nông nghiệp công nghệ cao

Sau bốn năm đầu tư, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm (xã An Thái, Phú Giáo, Bình Dương) đã phát triển nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tư nhân làm nông nghiệp công nghệ cao

Sau bốn năm đầu tư, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm (xã An Thái, Phú Giáo, Bình Dương) đã phát triển nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chuyên gia Philippines hướng dẫn công nhân đóng gói chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc tại Công ty Unifarm - Ảnh: T.Mạnh 

Vừa băng qua khỏi rừng cao su, đập vào mắt chúng tôi là khu nhà kính lấp lánh dưới ánh mặt trời của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm. Một rừng chuối xanh mướt thẳng tắp, với những buồng chuối được bọc kín trong bao nilông hiện ra giữa cánh đồng rộng mênh mông.

Làm nông nghiệp với chuyên gia nước ngoài

Giữa trưa, hệ thống tưới bắt đầu hoạt động. Từ các ống nhựa trải dọc theo những luống chuối, nước từ các lỗ nhỏ dọc ống phun ra bốn phía hắt lên trên thấm ướt đẫm thân chuối và vùng đất xung quanh gốc. Một công nhân tại đây cho biết hệ thống tưới tiêu ở khu nông nghiệp này đều được tự động hóa, nhưng mỗi loại cây trồng có một kiểu tưới khác nhau. Dưa lưới trồng trong nhà kính thì nước và phân bón được chuyển vào cây bằng hình thức tưới nhỏ giọt của Israel, cây có múi tưới dạng phun mưa, còn chuối thì tưới bằng hệ thống tưới ngược từ dưới đất lên. “Đây là công nghệ tưới của Đài Loan” – công nhân này cho biết.

Theo ông Phạm Quốc Liêm, tổng giám đốc Unifarm, không chỉ lắp các hệ thống tưới và bón phân tự động, mỗi loại cây trồng đều có các chuyên gia hàng đầu từ các nước được mời về triển khai và giám sát mọi công đoạn.

Chẳng hạn với loại chuối già xuất khẩu sang Hàn Quốc, công ty mời hai chuyên gia người Philippines (nước trồng chuối lớn trên thế giới) về làm ngay từ đầu và phụ trách đào tạo, chuyển giao công nghệ cho công nhân người Việt.

Ngày 19-12, lứa chuối đầu tiên của công ty đã được thu hoạch để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hai chuyên gia Philippines tất bật hết đi từ bể rửa lại đến chỗ sấy khô và đóng gói để hướng dẫn công nhân làm theo đúng chuẩn.

Cạnh đó, các vị khách hàng Hàn Quốc cũng đang kiểm tra các khâu trước khi đóng gói để đưa vào container lạnh và vận chuyển bằng tàu biển về Hàn Quốc.

Tại khu nhà kính rộng 1ha chuyên trồng dưa lưới, toàn bộ hệ thống nhà kính, thiết bị, hệ thống tưới đều nhập từ Israel, do một chuyên gia nước này vận hành.

“Chuyên gia này ở Isreael có trên 30ha trồng rau xuất khẩu sang châu Âu, có thừa kinh nghiệm thực tế, được chúng tôi mời về để đảm bảo mọi công đoạn đều làm đúng quy trình ngay từ đầu. Nhờ vậy, dưa lưới tại đây giữ được ba trái, thay vì một trái như những nơi khác nhưng trọng lượng và chất lượng vẫn đảm bảo” – ông Liêm nói.

Với hệ thống công nghệ cao cũng như sự kiểm soát của chuyên gia nên khu vực trồng dưa lưới đã đạt chứng nhận Global GAP. “Hiện chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 200 tấn dưa lưới mỗi năm. Trong năm 2014 chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dưa trong nhà lưới để đáp ứng nhu cầu của thị trường” – ông Liêm nói.

Nhập công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc

Trước năm 2008, UBND tỉnh Bình Dương đã có ý định thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển ra các vùng lân cận với mục tiêu đạt hiệu quả cao trên diện tích nhỏ, do đất đai ngày càng bị thu hẹp. Sau khi tham khảo các mô hình của thế giới, UBND tỉnh Bình Dương quyết định kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Và trong số nhiều ứng cử viên đăng ký, Công ty U&I (công ty mẹ của Unifarm) đã được chọn làm chủ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái, huyện Phú Giáo khi khu nông nghiệp này được UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập năm 2009. Sau khi nhận được giấy phép, Unifarm đã nhanh chóng nhập khẩu thiết bị, mời chuyên gia nước ngoài về làm việc và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010.

Với quy mô gần 412ha chia ra nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu, khu sản xuất…, đến thời điểm hiện nay Unifarm đã lấp đầy được 36% diện tích, khoảng 140ha trong 380ha đất canh tác. Trong năm nay sẽ mở rộng, chỉ riêng chuối đã thêm 100ha. Không tiết lộ doanh thu của công ty nhưng theo ông Liêm, từng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu này đều cho kết quả rất cao. Hiện công ty đang phát triển thêm một số loại cây nữa như cam, bưởi, quýt, chanh…

Theo ông Liêm, ngoài những sản phẩm tươi đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu, công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để tăng giá trị cho nông sản. Sau khi các mô hình sản xuất thành công và hoàn thiện, công ty sẽ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời liên kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu bên ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết đang liên kết với đối tác nước ngoài để đầu tư, sản xuất như hợp tác với Hàn Quốc để trồng chuối rồi xuất khẩu sang chính thị trường này.

Công ty cũng đang làm việc với một đối tác đến từ Nhật để nghiên cứu các loại rau màu như đậu côve, cà tím bằng giống và công nghệ của Nhật để tìm ra loại cây trồng phù hợp cho việc đầu tư và xuất khẩu trở lại Nhật Bản.

“Dự kiến chúng tôi sẽ cùng đối tác Nhật Bản đầu tư một nhà máy làm giống cây trồng theo công nghệ Nhật tại VN. Như vậy, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ chuỗi từ hạt giống, sản xuất, chế biến tại khu vực này” – ông Liêm nói.

Về đầu ra, theo ông Phạm Quốc Liêm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch của VN tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu rất lớn. Chẳng hạn với cây chuối, loại trái cây có nhu cầu cao nhất trong tất cả các loại trái cây, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Tại Philippines, quốc gia có diện tích trồng chuối lớn nhất thế giới, cây chuối đang có dấu hiệu thoái hóa nên khách hàng đang tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác, trong đó có VN.

TRẦN MẠNH