Nhật gìn giữ washoku
Như một mũi tên trúng nhiều đích, việc ẩm thực truyền thống Nhật Bản được thế giới công nhận không chỉ giúp nước này đẩy mạnh xuất khẩu nông thuỷ sản, thu hút du lịch, mà còn giúp các giá trị văn hoá truyền thống không bị mai một.
Nhật gìn giữ washoku
Khách thích thú thưởng thức các món sushi và sashimi truyền thống Nhật tại thủ đô Tokyo - Ảnh: T.T.D.
Cuối năm 2013, ẩm thực truyền thống Nhật Bản (hay còn gọi là washoku) đã được UNESCO quyết định đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể sau hai năm được đề xuất. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể thứ 22 của Nhật Bản được UNESCO công nhận.
Nhật báo Asahi cho biết ý tưởng về việc tìm sự công nhận toàn cầu đối với washoku được khởi xướng bởi các đầu bếp và những người sành ăn ở Kyoto. Họ lo ngại truyền thống ẩm thực của Nhật Bản sẽ bị mai một và không được truyền lại thế hệ mai sau nếu không có hành động cụ thể. Những người ủng hộ nỗ lực này cho rằng washoku với thành phần tươi ngon và có lợi cho sức khỏe nên được đưa vào danh sách các di sản văn hóa của UNESCO.
Đến nay chỉ mới có ẩm thực Pháp, Mexico cùng đồ ăn Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ là được UNESCO công nhận tương tự washoku.
Để lại cho muôn đời sau
Việc đất nước mặt trời mọc đệ đơn xin công nhận washoku diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với tỉ lệ tự túc lương thực thấp ở mức dưới 40% cũng như sự phổ biến của thói quen dùng thức ăn phương Tây.
The Japan Agri News cho biết tính đến tháng 8-2013, tỉ lệ tự túc lương thực của Nhật trong năm tài khóa 2012 vẫn duy trì ở mức 39% trong năm thứ ba liên tiếp. Chính phủ Nhật đang muốn hướng đến mục tiêu nâng tỉ lệ tự túc lương thực lên 50% vào năm tài khóa 2020. Tuy nhiên, số liệu trên cho thấy mục tiêu này đối mặt với nhiều khó khăn cho Nhật Bản, trừ khi nước này có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
“Chúng tôi thật sự hạnh phúc – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu hồi tháng 12 năm ngoái khi được tin washoku được công nhận – Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền lại truyền thống ẩm thực Nhật Bản cho thế hệ mai sau và nỗ lực hơn nữa để người nước ngoài trân trọng các lợi ích của washoku”.
Động thái của Nhật đối với washoku cũng không phải ngẫu nhiên. Báo Asahi cho biết nước này đang muốn dùng việc quảng bá washoku để lấy lại uy tín cho nông sản và hải sản Nhật Bản vốn bị ảnh hưởng bởi thảm họa sóng thần/hạt nhân ở Fukushima hồi tháng 3-2011. Thảm họa sóng thần cùng các yếu tố về thời tiết cũng khiến tỉ lệ tự túc lương thực của Nhật không thể tăng được trong những năm qua.
Theo The Japan Times, với bối cảnh có sự thay đổi trong các cấu trúc xã hội và kinh tế cũng như sự toàn cầu hóa thực phẩm, người Nhật quan ngại văn hóa ẩm thực truyền thống khó có thể được truyền lại cho các thế hệ về sau. Chính phủ Nhật kỳ vọng “di sản văn hóa phi vật thể” washoku sẽ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị của văn hóa truyền thống.
“Cảnh sát sushi”
Việc đệ đơn xin công nhận washoku chỉ là một phần trong các nỗ lực khác của Nhật Bản về việc giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống và để thế giới nhận thức chính xác hơn về ẩm thực nước này.
Trong những năm 2006-2007, Bộ Nông ngư nghiệp của Nhật Bản đã đưa ra một chương trình, trong đó một lực lượng gọi là “cảnh sát sushi” được cử ra nước ngoài để tìm hiểu xem các món ăn thuần túy của Nhật Bản đã bị lai căng như thế nào. Có chuyện nực cười như một nhà hàng Nhật ở Colorado (Mỹ) đưa sushi vào thực đơn bên cạnh món bò nướng kiểu Hàn Quốc. Đây dường như là một sự xúc phạm. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật sau đó đã bãi bỏ chương trình này do lo ngại bị tác dụng ngược.
Hai năm trước khi Chính phủ Nhật đăng ký với UNESCO để công nhận washoku là di sản văn hóa phi vật thể, họ đã thừa nhận người nước ngoài đã tác động và chế lại ẩm thực của nước này.
“Thời của cảnh sát sushi đã hết rồi” – đầu bếp Yoshihiro Murata ở Kyoto nói. Với việc washoku được UNESCO công nhận vào tháng 12-2013, nhà hàng của ông đã bắt đầu nhận đầu bếp tập sự người nước ngoài đầu tiên. Cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ cấp thị thực làm việc cho các đầu bếp nước ngoài nấu đồ ăn ngoại. Bây giờ nước này lại muốn các đầu bếp nước ngoài được đào tạo nấu món Nhật.
Lập biểu trưng mới Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản hôm 14-2 đã giới thiệu biểu trưng mới cho hàng hải sản xuất khẩu của nước này. Báo Asahi cho biết đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ thúc đẩy việc bán các sản phẩm biển của nước này ra nước ngoài. Các công ty sẽ được sử dụng biểu trưng này miễn phí kể từ tháng 4 tới sau khi hoàn tất các thủ tục sử dụng. Cơ quan Ngư nghiệp Nhật nói họ không có kế hoạch thực hiện các cuộc kiểm định hàng hóa trong quá trình phê chuẩn sử dụng biểu trưng “vì tất cả sản phẩm ngư nghiệp của Nhật đều xuất sắc”. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang nhắm tới việc tăng xuất khẩu nông sản, thủy sản và các sản phẩm lương thực khác lên 9,81 tỉ USD vào năm 2020. Các sản phẩm ngư nghiệp được coi là nhóm then chốt để hoàn thành mục tiêu, theo Asahi. Năm 2013, riêng xuất khẩu thủy sản đã tăng 30% so với năm trước, đạt 221,7 tỉ yen (2,18 tỉ USD). Chính phủ Nhật muốn nâng con số này lên 350 tỉ yen (3,44 tỉ USD) vào năm 2020. |
VIỆT PHƯƠNG