26/11/2024

Hàng ngoại tấn công thị trường nội

Trong khi các doanh nghiệp tập trung mọi nỗ lực để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ thì hàng Thái, Nhật, Hàn Quốc… đã và đang âm thầm tràn vào thị trường nội địa.

 

Hàng ngoại tấn công thị trường nội

Trong khi các doanh nghiệp tập trung mọi nỗ lực để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ thì hàng Thái, Nhật, Hàn Quốc… đã và đang âm thầm tràn vào thị trường nội địa.

 

Hàng ngoại tấn công thị trường nội
Hàng Nhật tại Aeon Mall ở TP.HCM – Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Nhập 350 tỉ đồng bắp Thái

Chỉ trong tháng 1.2014, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 425 triệu USD từ Thái Lan trong khi xuất khẩu vào thị trường này chỉ bằng một nửa, khoảng 250 triệu USD. Như vậy, chỉ trong vòng tháng 1, Việt Nam đã phải nhập siêu 175 triệu USD từ thị trường Thái Lan. Trong đó, thủy sản, rau quả, bắp, dầu mỡ động thực vật, bánh kẹo, thức ăn gia súc, phân bón các loại, cao su, gỗ, giấy các loại, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giày… được nhập với số lượng lớn.

Chỉ riêng với mặt hàng bắp, Việt Nam đã nhập từ Thái Lan tới 16 triệu USD (gần 350 tỉ đồng) trong tháng 1. Chưa hết, chúng ta cũng nhập đến 315 tỉ đồng giấy các loại từ thị trường này, 252 tỉ đồng vải các loại, 221 tỉ đồng sợi dệt và hơn 46 tỉ đồng rau quả.

 

 
 

Năm 2013, có 6 thị trường mà Việt Nam nhập siêu trên 1 tỉ USD thì có tới 5 thị trường thuộc châu Á và 2 trong số này thuộc Đông Nam Á. Dẫn đầu nhập siêu là Trung Quốc với 23,69 tỉ USD, tiếp theo là Hàn Quốc 14,07 tỉ USD, Đài Loan 7,21 tỉ USD, Thái Lan 3,45 tỉ USD và Singapore 3,09 tỉ USD.

 

 

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, thế nhưng hàng thời trang Thái đang tràn ngập thị trường nội địa. Thử ghé một vài cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi có thể thấy, hàng Thái đã và đang “âm thầm” thay thế hàng Trung Quốc. Một chủ hàng cho biết, các đầu mối ở TP.HCM và rất nhiều chủ cửa hàng thường trực tiếp sang tận Thái gom hàng về bán lẻ hoặc phân phối. “Hàng Thái đẹp, chất lượng tốt mà giá cả cũng cạnh tranh nên bán rất chạy. Đặc biệt mấy năm gần đây, tâm lý sợ hàng Trung Quốc của khách hàng đã mở ra cơ hội lớn cho hàng thời trang Thái, Đài Loan, Hàn Quốc…”, người này nói.

Ở một kênh khác, hàng Thái đang tràn vào thị trường nội địa thông qua các doanh nghiệp (DN) bán lẻ. Đơn cử như sự xuất hiện siêu thị trang trí nội thất của Thái Lan là Index Living Mall ở Q.4 (TP.HCM) khiến các trung tâm bán đồ nội thất trong nước điêu đứng bởi giá cả thường rẻ hơn khoảng 20 – 30% nhưng chất lượng và nhất là mẫu mã thiết kế được đánh giá cao hơn hàng nội một bậc.

Thông tin tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group chuẩn bị khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store tại Việt Nam không chỉ khiến các nhà bán lẻ nội địa mà cả các nhà sản xuất trong nước cũng lo ngay ngáy. Bởi chắc chắn hàng loạt hàng hóa, sản phẩm của Thái cũng sẽ theo chân hệ thống siêu thị này tràn vào thị trường nội địa. Các DN bán lẻ Thái  thường lên chiến lược bán ít nhất 70% hàng hóa nước này trong hệ thống siêu thị của mình. Trước đó, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC – Thái Lan) ngay sau khi mua chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Tập đoàn Phú Thái đã tiến hành “thay máu” là đổi tên thành B’s Mart và chiến lược nhập 70% hàng hóa từ Thái Lan.

Hàng giá rẻ Nhật Bản

Không chỉ hàng Thái Lan mà các loại hàng tiêu dùng, ẩm thực, thực phẩm của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan cũng theo chân các nhà bán lẻ của mình tấn công mạnh mẽ vào thị trường nội địa. Có ít nhất 20% sản phẩm nhập khẩu trong siêu thị Aeon Mall (Nhật) được khai trương tại  TP.HCM là hàng Nhật. Thu hút  người tiêu dùng nội địa nhất là chuỗi các cửa hàng đồng giá Daiso và khu thức ăn chế biến sẵn của Nhật trong Aeon Mall.

Rất nhiều sản phẩm của Nhật theo “kênh” Aeon Mall nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến nhờ các chiêu thức tiếp cận bài bản và chuyên nghiệp. Chẳng hạn như tã giấy Merries đã thực hiện chiến dịch phát miễn phí hàng ngàn mẫu tã trẻ em nhân ngày chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam. Tổng giám đốc Công ty Aeon Việt Nam Yasuo Nishitohge từng cho Thanh Niên biết, Tập đoàn Aeon có kế hoạch mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 1,5 tỉ USD. Aeon Mall đầu tiên tại TP.HCM được đánh giá là trung tâm mua sắm duy nhất trong nước có khu vực rộng lớn chuyên kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật.

Tương tự, hệ thống các chuỗi cửa hàng Hàn Quốc và đặc biệt hệ thống Lotte Mart đến từ Hàn Quốc cũng là kênh đưa hàng nước này đến với người tiêu dùng Việt Nam rất nhanh và hiệu quả. Năm 2013, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc trên 14 tỉ USD, đứng thứ hai sau Trung Quốc.

Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng con đường duy nhất dành cho các nhà sản xuất Việt là bằng mọi giá phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới sản xuất phân phối đồng bộ hóa và thật sự chuyên nghiệp, may ra, hàng Việt mới “có cửa” với người Việt.

 

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food: Kích thích DN trong nước đổi mới

Việc sản phẩm của các nước xuất hiện ngày càng nhiều thông qua các trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam sẽ là một sự kích thích cho các DN trong nước. Nếu không có sự đầu tư, nghiên cứu để tìm tòi và cung cấp sản phẩm mới phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thì dần dần thị phần sẽ bị thu hẹp. Bởi vì tâm lý của khách hàng Việt Nam cũng thích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới lạ. Bản thân mỗi DN phải biết được mình có lợi thế cạnh tranh nào để phát huy. Ví dụ đối với những hàng hóa thực phẩm tiêu dùng thiết yếu thì các sản phẩm quen thuộc với khẩu vị của người Việt Nam vẫn được ưa chuộng.

Bà Đặng Quỳnh Đoan – Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Hàng ngoại tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều khiến sự cạnh tranh của các DN trong nước càng khốc liệt hơn. Đó là chưa kể ở các trung tâm thương mại của nước ngoài, một số vị trí, mặt bằng bán lẻ cũng được ưu tiên cho sản phẩm chính quốc của họ. Đồng thời xu hướng khách hàng đến mua sắm ở các trung tâm thương mại lớn càng tăng dần cũng là điều DN sản xuất phải quan tâm. Nhưng hiện các sản phẩm thời trang của Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn còn có giá cao hơn hàng thời trang trong nước nên các DN nội vẫn có thể tìm được lợi thế cho mình ở một phân khúc khách hàng nhất định. Tuy nhiên về lâu dài chúng tôi cũng phải hướng đến việc bứt phá, xây dựng thương hiệu mạnh để bắt kịp nhu cầu tiêu dùng của khách hàng để giữ được chỗ đứng trên thị trường.

TS Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương (nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước): Ba vấn đề quan trọng với nhà sản xuất nội

Hàng ngoại nhập theo chân các trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ vào Việt Nam là điều tất yếu, không thể ngăn cản, bởi hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn nữa, hàng hóa ngoại nhập có chất lượng mà giá cả, dịch vụ đều tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng trong nước. Như vậy, để tránh hàng hóa trong nước bị tổn thương, các nhà sản xuất Việt Nam phải suy nghĩ tìm cách cạnh tranh. Tôi cho rằng có ba vấn đề quan trọng, thứ nhất phải tìm phân khúc thị trường phù hợp để phát triển sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam. Chúng ta là nhà sản xuất trong nước, vì thế có lợi thế hơn nước ngoài vì hiểu tâm lý, tập quán, văn hóa… của người tiêu dùng nội địa. Những vấn đề khác, chúng ta không đua lại với họ được nhưng các thế mạnh này, tôi tin chắc chúng ta có thể cạnh tranh. Thứ hai, nhà sản xuất, phân phối Việt Nam cũng cần học tập kinh nghiệm tổ chức phân phối, quảng cáo, xúc tiến, bảo hành, khuyến mãi… của nước ngoài để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Thứ ba, xu thế hàng ngoại nhập vào Việt Nam sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong những năm tới, cho nên, việc quan trọng nhất là DN trong nước phải nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa cũng như mẫu mã, thiết kế đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam.

Mai Phương – N.T.Tâm (ghi)

 

Nguyên Nga – N.Trần Tâm