11/01/2025

Nguy cơ leo thang hạt nhân ở Đông Bắc Á

Trung Quốc thúc giục Nhật Bản hoàn trả kho plutonium cho Mỹ, sau khi Tokyo úp mở khả năng đón vũ khí hạt nhân từ Washington trong trường hợp khẩn cấp.

 

Nguy cơ leo thang hạt nhân ở Đông Bắc Á

Trung Quốc thúc giục Nhật Bản hoàn trả kho plutonium cho Mỹ, sau khi Tokyo úp mở khả năng đón vũ khí hạt nhân từ Washington trong trường hợp khẩn cấp.

 

 Nguy cơ leo thang hạt nhân ở Đông Bắc Á
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tại cảng Yokosuka, Nhật Bản – Ảnh: U.S Navy

 

Bán đảo Triều Tiên không phải là khu vực duy nhất tại Đông Bắc Á đang bị bóng mây hạt nhân ám ảnh. Trong lúc căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông vẫn ở mức cao, Trung Quốc đã gián tiếp chỉ trích Nhật Bản đang có ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân, dù trước nay chính quyền Tokyo luôn bảo lưu quan điểm không sở hữu và sử dụng loại vũ khí này.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 17.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước thông tin Nhật Bản đang trì hoãn việc hoàn trả cho Mỹ kho plutonium cấp độ chế tạo vũ khí từ thời Chiến tranh lạnh. “Trung Quốc tin rằng Nhật Bản, bên đã ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, sẽ tuân thủ nghiêm ngặt cam kết của mình đối với an toàn hạt nhân và giải trừ vũ khí nguy hiểm”, Reuters dẫn lời bà Hoa.

Trước đó, hãng Kyodo News đưa tin Washington đã gây áp lực buộc Tokyo trả 331 kg plutonium có thể dùng để sản xuất đến 50 quả bom nguyên tử. Theo một quan chức Nhật Bản, số nguyên liệu trên, một phần do Anh sản xuất, đã được chuyển giao cho Tokyo vào thập niên 1960 với mục đích nghiên cứu. Được biết, Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản hoàn trả kể từ khi hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010. Ngoài chuyện lo lắng số plutonium trên có thể rơi vào tay thế lực khủng bố, giới quan sát cho rằng lý do thực sự khiến Mỹ phải đòi lại số nguyên liệu hạt nhân này là lo ngại Nhật Bản có thể phát triển vũ khí hạt nhân. 

Chương trình hạt nhân Nhật

Theo Kyodo News, Tokyo đã liên tục cự tuyệt với lý do cần số plutonium để nghiên cứu các lò phản ứng nhanh tại thành phố Tokaimura, tỉnh Ibaraki. Đây là cơ sở duy nhất trên nước Nhật được trang bị công nghệ này. Sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng Tokyo cũng buộc phải đồng ý và dự kiến hai bên sẽ đạt được thỏa thuận liên quan tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần 3 ở Hà Lan vào tháng 3.

“Washington hy vọng có thể giảm bớt số lượng nguyên liệu hạt nhân trong tay của chính quyền Tokyo vào thời điểm quốc gia Đông Á có khuynh hướng đẩy mạnh năng lực hạt nhân”, theo tờ China Daily dẫn lời ông Hạ Lập Bình, Trưởng khoa Khoa học chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Đồng Tế tại Thượng Hải.

Ông Hạ nhận định Tokyo có thể đang gom nguyên liệu hạt nhân trong những năm qua để chuẩn bị cho các chương trình hạt nhân. Theo Kyodo News dẫn lời giới phân tích, Nhật Bản đang nắm trong tay khoảng 44 tấn plutonium. Dù không sánh bằng với số plutonium của Mỹ về mặt chất lượng, số nguyên liệu đó đủ để sản xuất 1.000 quả bom nguyên tử, theo ông Hạ. “Theo một số chuyên gia Nhật Bản, thậm chí nước này còn đủ sức chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng 1 tháng”, ông Hạ nói.

Trong lịch sử, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay từng hứng đòn tấn công hạt nhân, với sự kiện Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào Thế chiến thứ hai. Chính sách của Nhật Bản là không sản xuất, sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phát biểu trước Ngân sách Hạ viện vào tuần trước, Ngoại trưởng Fumio Kishida gợi ý Tokyo có thể đón vũ khí hạt nhân từ Mỹ trong trường hợp khẩn cấp, khi sự an toàn của người dân Nhật Bản bị đe dọa, theo Kyodo News.

Ông Kishida nhấn mạnh chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe duy trì quan điểm của các chính phủ tiền nhiệm. Theo kết quả một cuộc điều tra vào năm 2010, Nhật – Mỹ đã ký kết các hiệp định bí mật thời Chiến tranh lạnh, trong đó có thỏa thuận cho phép các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ cập cảng ở Nhật.

Thụy Miên