26/11/2024

Gửi tiết kiệm VND lợi nhất

Sẽ phối hợp hài hoà chính sách tiền tệ và tài khoá để nguồn vốn thật sự đi vào sản xuất, giải quyết hàng tồn kho… góp phần đạt mức tăng trưởng 5,8%.

Gửi tiết kiệm VND lợi nhất

Sẽ phối hợp hài hoà chính sách tiền tệ và tài khoá để nguồn vốn thật sự đi vào sản xuất, giải quyết hàng tồn kho… góp phần đạt mức tăng trưởng 5,8%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình – Ảnh: Lê Hồng Thái 

Đó là một trong nhiều gói giải pháp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thực hiện năm 2014 khi chia sẻ với Tuổi Trẻ.

 

Ông Bình nói:

– Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 5,8%, cao hơn năm 2013 là có cơ sở khi kinh tế trong nước và thế giới ấm dần lên.

Để góp phần đạt được mục tiêu này, NHNN đã xác định tập trung tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Cụ thể, ngay từ đầu năm NH đã tập trung mua trái phiếu chính phủ. Đây cũng là cách đầu tư, gọi là đầu tư gián tiếp của hệ thống NH. Vì NH có mua trái phiếu chính phủ thì Chính phủ mới có tiền để đưa vào các dự án đầu tư công trọng điểm có hiệu quả, chứ không phải là đầu tư tràn lan như trước đây.

 

“Qua đây, để khẳng định một điều các vụ án vừa rồi là những việc tất yếu, là cái giá chúng ta phải trả cho một giai đoạn kể cả việc quản trị của các NH lẫn quản lý của cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Nay chúng ta phải xử lý thật nghiêm để làm bài học cho các giai đoạn sắp tới”

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

 

Khi các dự án đầu tư công được đầu tư và được vận hành thì đó cũng là đầu tư cho nền kinh tế. Chẳng hạn, anh đi xây dựng một cây cầu phải có ximăng, sắt thép…, lúc đó tồn kho trong ximăng, sắt thép, nợ nần được giải quyết, doanh nghiệp lại có điều kiện vay tiền NH để sản xuất và tín dụng NH mới ra được. Đấy là cái cốt lõi trong điều hành giữa hai chính sách.

Với công cụ mức thâm hụt ngân sách được nâng lên 5,3%, Chính phủ có điều kiện phát hành thêm lượng trái phiếu chính phủ khá lớn. Chúng tôi hi vọng hai bên phối hợp nhịp nhàng là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế có thể phát triển tốt hơn trong năm 2014.

* Ngay trong tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp so với năm ngoái, điều này có nghĩa vốn ra sản xuất vẫn đang dè dặt. Liệu có tiếp tục xảy ra tình trạng dồn cục tăng trưởng tín dụng vào cuối năm, thưa thống đốc?

– Tín dụng tăng mạnh vào những tháng cuối năm là hiện tượng khách quan của nền kinh tế. Năm nào cũng như vậy, tăng trưởng tín dụng thường tăng mạnh vào quý 4, rồi quý 3, quý 2 và quý 1. Do vậy, ta tập trung phát hành trái phiếu vào quý 1 và 2 để đẩy mạnh đầu tư công, góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế. Đó là cách làm năm nay.

Như vậy, trong quý 1 và quý 2 lượng tiền của NH khi chưa đầu tư vào tín dụng được có thể dành một phần đáng kể để đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Với thâm hụt ngân sách lên 5,3%, tương ứng với một lượng trái phiếu chính phủ phát hành ra gần 400.000 tỉ đồng.

Để nền kinh tế tăng trưởng thì đầu tư phải ổn định. Đầu tư trong nước chủ yếu từ hai nguồn là đầu tư công và tín dụng NH. Đầu năm, tín dụng NH không đẩy mạnh lên được thì đầu tư công phải được đẩy mạnh lên.

Đến cuối năm, đầu tư tín dụng mạnh lên thì đầu tư công giảm xuống để mức đầu tư chung của toàn xã hội được đầu tư đều. Mục tiêu tối quan trọng của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phải lấy mục tiêu này làm gốc.

Tỉ giá sẽ ổn định

* Cuối năm 2013, thống đốc từng nói sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay xuống 1-2% nữa. Điều này sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong năm nay?

– Về mặt bằng lãi suất huy động thì vẫn giữ như hiện nay. Còn về lãi suất cho vay, nếu có điều kiện sẽ cố gắng giảm thêm 1-2% nữa. Tại sao tôi lại nói như thế? Vì nếu về mặt chỉ tiêu của năm 2014, lạm phát sẽ xoay quanh mức khoảng 7%. Lãi suất huy động để trần sáu tháng là 7%/năm rồi thì không thể giảm được nữa. Còn lãi suất cho vay thì NHNN không can thiệp được vì đó là quyền quyết định của NH thương mại.

Thế nhưng với cách điều hành như hiện nay, tiền cung ứng sẽ được phát hành qua trái phiếu chính phủ, qua mua bán nợ nên lượng tiền trong lưu thông có phần tăng lên.

Như thế, thanh khoản của các NH sẽ tốt, đây là điều kiện để các NH thương mại giảm tiếp lãi suất cho vay 1-2% so với hiện nay. Theo tôi, mức cho vay ngắn hạn làm sao không quá 9%/năm, còn trung và dài hạn khoảng 11%/năm là hợp lý.

* Lãi suất giảm, nhưng vốn vẫn chưa chảy nhiều vào sản xuất một phần do sức mua của thị trường thấp, đồng thời cục nợ xấu vẫn là lý lịch đen của doanh nghiệp nên không NH nào dám cho vay. Việc này sẽ được giải quyết như thế nào trong năm 2014, thưa thống đốc?

– Nợ xấu phải xác định dưới hai góc độ lớn. Thứ nhất là nợ xấu tạm thời hay còn được hiểu nợ xấu được thể hiện qua tồn kho hàng hóa. Thứ hai là nợ xấu do chính anh làm ăn bê bết, làm ăn không bài bản, tiêu xài tiền vay NH vô lối, dùng tiền sai mục đích. Như thế, ông làm ăn bê bết thì NH không thể đưa tiền cho ông ấy nữa.

 

Sẽ làm người dân chán giữ vàng

* Không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng trước đây, thế nhưng những người giữ vàng đang quan tâm là việc khai thác vốn vàng trong dân sắp tới sẽ như thế nào?

-Tôi nói luôn là tất cả những gì NHNN đang làm không phải chỉ để bình ổn thị trường vàng mà đang góp phần huy động nguồn vốn đó. Trước đây NHNN mất 10 đồng cho việc người dân tham gia giữ vàng, nay chỉ mất 1 đồng. Như thế bước thứ nhất là làm người dân chán vàng. Đó là thắng lợi rồi.

Và làm thế nào để người ta bán vàng đi? Có nhiều hình thức. Có thể huy động vàng. Nhưng lúc này huy động vàng có nghĩa là anh đi vay vàng của dân. Sau đó lại bán ra tiền đồng để đầu tư ra nền kinh tế. Việc bán vàng có thể gây ra rủi ro cho Nhà nước và quan trọng là gây ra tâm lý tích trữ vàng trong dân khi gửi vàng được nhận lãi. Dân lại đổ xô đi mua vàng. Chính vì vậy việc huy động vàng là không có trong lúc này.

Còn tất cả hình thức khác như nhiều người đề xuất là phát hành chứng chỉ vàng thì cũng chỉ là biến tướng của hình thức trên. Nhưng việc này sẽ được tính trong thời gian tới chứ không phải bây giờ. Bởi bây giờ tâm lý thích vàng vẫn còn chứ chưa hết dù người ta đã nguội đi rồi.

 

Còn doanh nghiệp (DN) bị nợ xấu là do tồn kho, không bán được hàng do thị trường khó khăn tạm thời thì nợ xấu sẽ được bán lại cho Công ty Mua bán nợ xấu (VAMC). NHNN sẽ trực tiếp cơ cấu lại khoản nợ đó cho DN.

Về phía NH, họ sẽ không phải tính khoản nợ xấu vào tổng nợ xấu của NH nữa. Do đó làm tình hình tài chính của bản thân NH tốt hơn. Mặt khác, sau khi bán nợ cho VAMC, NHNN sẽ tái cấp vốn cho NH thêm một lượng tiền mới để cho vay.

Còn đối với DN, khi khoản nợ đó bán cho NHNN thì NHNN sẽ quyết định cơ cấu lại khoản nợ đó theo bản chất của khoản vay theo hướng hợp lý. Vì trước đây nhiều khoản vay ngắn hạn được đầu tư dài hạn.

Khi thị trường khó khăn, DN không bán được hàng để trả nợ. Như thế DN được hưởng mấy thứ gồm: không còn nợ xấu, có thời hạn trả nợ hợp lý hơn, NHNN sẽ đưa ngay khoản vay đó về mặt bằng lãi suất hiện nay, DN được tiếp cận vay mới. Đấy là một trong những biện pháp xử lý đối với những DN khó khăn.

* Hiện có bao nhiêu phần trăm khoản nợ đã mua sẽ được NHNN tái cơ cấu theo như ông nói ở trên?

– Con số cụ thể thì tôi không nắm được ngay, nhưng về cơ bản tất cả khoản nợ mà VAMC đã mua sẽ được NHNN tái cơ cấu. Nợ xấu không phải mua về để đấy. Đó là cách xử lý đối với những người làm ăn chân chính nhưng không may gặp phải tình hình thị trường không thuận lợi.

Để xử lý việc cho vay đối với DN, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt chương trình kết nối NHNN – NH – DN với chính quyền địa phương. Vừa rồi, chương trình làm rất tốt ở TP.HCM, triển khai đến tận cấp quận. Bây giờ các bên đều ngồi lại với nhau. DN không còn kêu là có dự án tốt mà không được vay nữa.

Đứng dưới góc độ kinh tế thị trường, tôi phải nói rất thật là các NH cũng nhạy cảm lắm. Họ thừa biết được cái gì tốt, còn cái gì xấu. NH mà không cho vay ra thì cũng chết vì họ huy động vốn của dân với lãi suất 6-7%/năm. Do vậy, bản thân họ cũng phải hết lòng với DN.

Kết nối là để NH vững tin hơn khi cho vay. NH thấy rằng không phải chỉ có mình mình mà có cả các bên đều chứng kiến. Bản thân NH cũng sợ hình sự lắm vì đã có nhiều anh đi tù rồi.

* Liên quan đến tỉ giá, từ cuối năm 2013 nhiều chuyên gia cho rằng nên phá giá chút ít VND để khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên, có những ý kiến ngược lại. Quan điểm của NHNN trong vấn đề này như thế nào?

– Nhìn lại từ năm 2011 đến nay, mình giữ tỉ giá cơ bản ổn định thì nhập siêu giảm mạnh, thậm chí không những nhập siêu giảm mà còn xuất siêu, xuất khẩu tăng mạnh. Qua thực tiễn đó cho thấy không phải phá giá đồng tiền là khuyến khích xuất khẩu.

Phá giá đồng tiền để có lợi cho anh xuất khẩu thì anh lại làm hại cho nhập khẩu, chưa kể làm bất ổn đến các yếu tố kinh tế vĩ mô khác. Nhưng không phải vì thế mà cố giữ tỉ giá, phải để nó phản ánh đúng quan hệ cung cầu, về đúng giá trị thực. Điều đó thể hiện trong năm 2012 và 2013, NHNN chủ động phá giá 1% là để có tính khuyến khích xuất khẩu. Phần còn lại để thị trường tự điều tiết.

Năm nay, NHNN khẳng định tỉ giá sẽ tiếp tục ổn định. Bởi lý do thứ nhất là cán cân thanh toán, cán cân vãng lai của VN tiếp tục thặng dư. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào VN trong năm nay dự báo rất tốt khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục coi VN là môi trường đầu tư hấp dẫn.

Đặc biệt là nguồn kiều hối, như năm 2013 kinh tế thế giới khó khăn như thế nhưng kiều hối về VN vẫn đạt 11 tỉ USD. Năm nay các nước bắt đầu nhận lại lao động của VN… Dự báo kiều hối tiếp tục là một năm thắng lợi.

Tất nhiên, thông thường các yếu tố trên có thể tốt, nhưng có hai yếu tố có thể đảo ngược tình hình. Đó là tín dụng NH và đầu tư công. Về đầu tư công tăng lên trong năm nay chủ yếu vào cơ sở hạ tầng, cầu cống, đường sá nên không gây áp lực lớn cho nhu cầu ngoại tệ để phải nhập khẩu.

Yếu tố thứ hai là tăng trưởng tín dụng năm nay đặt ra chỉ 12-14% nên áp lực nhập khẩu từ nguồn vốn tín dụng NH cũng không nhiều và kiểm soát được.

Còn tâm lý tích trữ ngoại tệ của người dân đã giảm đáng kể. Người dân đã bắt đầu tin vào đồng VND. Trong chính sách của NHNN vẫn duy trì chính sách đảm bảo vị thế độc tôn của đồng VND, nghĩa là làm sao để trên thị trường người ta thấy đồng VND là hấp dẫn nhất.

Chẳng hạn như năm 2013, ai gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ sẽ không có lợi bằng gửi tiết kiệm bằng đồng nội tệ. Từ đầu năm, gửi tiết kiệm sáu tháng thì lãi suất tiền gửi VND khoảng 6-7%.

Cả năm vừa rồi, đồng VND mất giá xấp xỉ 1,2%. Như vậy, người gửi còn có lợi khoảng 4,8-5,8%. Trong khi đó, lãi suất huy động ngoại tệ chỉ có 1,25%. Như vậy, nếu gửi đồng VND thì lợi nhuận gấp đôi đồng USD.

NH tốt cũng sáp nhập

* Về tái cơ cấu NH, dư luận cũng đặt ra rằng thời gian qua việc sáp nhập giữa các NH chủ yếu diễn ra giữa các NH yếu, điều này chỉ thay đổi về mặt hình thức chứ chưa làm các NH sau sáp nhập lành mạnh hơn. Quan điểm của thống đốc như thế nào?

– Ta phải xem trước đây không phải chỉ chín NH đã tái cơ cấu mà gần như toàn hệ thống mất thanh khoản. Nay có NH nào mất thanh khoản đâu. Trước đây cạnh tranh vô lối, các NH hoạt động khác nào cái chợ.

Nay không còn tình trạng này nữa, các NH hoạt động ổn định dần, không vi phạm trần lãi suất. Như thế cho thấy tái cơ cấu là có kết quả thật sự.

Còn về chín NH đã tái cơ cấu, bản thân nó đã tốt hơn hẳn. Chẳng hạn, ba NH sáp nhập trở thành NH SCB, trước đây rất khó khăn trong thanh khoản, nay đã hoạt động trở lại bình thường và thanh khoản khá tốt.

Còn NHNN sẽ làm gì với hệ thống của mình? Theo kế hoạch, năm nay sẽ tiếp tục chương trình tái cấu trúc NH, tiếp tục hợp nhất, sáp nhập và thậm chí không chỉ hợp nhất, sáp nhập những NH yếu kém nữa mà có cả những NH tốt. Vì hiện nay tiêu chuẩn NH yếu kém đã được nâng lên, những anh khá trước đây giờ theo tiêu chí mới không còn khá nữa nên phải sáp nhập, hợp nhất với nhau. Còn các NH tốt sẽ sáp nhập để mạnh hơn nữa.

* Thời gian gần đây dư luận đặt ra rất nhiều băn khoăn khi nhiều vụ “đại án” như vụ bầu Kiên, Huyền Như, hay vụ việc tại Agribank…đều có dính tới các NH hoặc cán bộ ngành NH. Như trên ông có nói là cán bộ NH đi tù nhiều lắm, phải chăng khâu quản trị, giám sát lĩnh vực nhạy cảm này một thời gian đã bị buông lỏng?

– Phải khẳng định với nhau mấy việc. Thứ nhất là các vụ án vừa rồi ta xử là các vụ án đã xảy ra trước đây chứ không phải mới. Đơn cử như vụ Huyền Như xảy ra trước tháng 8-2011. Hay vụ Agribank xảy ra từ năm 2008 trở về trước và bây giờ mình mới đem ra xử và kiên quyết làm…

Điều đó cho thấy quản trị của các NH thương mại đã bị buông lỏng, dễ dãi. Hai là quản lý nhà nước, giám sát, thanh tra, kể cả các công cụ về chính sách của NHNN, còn nhiều bất cập trong thời gian trước đây.

Chẳng hạn vụ Huyền Như, bản thân NH và cán bộ NH có đạo đức kém thì quá rõ. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng quản lý kém là bởi vì anh quy định trần lãi suất là 14% thì tại sao lại để tràn lan lên đến 18-20% mà anh không xử lý được? Đó là trách nhiệm cả hai vế.

Trong thời gian chúng ra buông lỏng quản trị và quản lý thì sẽ xảy ra thôi. Đó là cái giá mà chúng ta phải trả.

Trên thực tế, các vụ án đó do NHNN phát hiện nhờ siết lại thanh tra, giám sát, quản lý thị trường và chính sách của mình đúng. Chẳng hạn lãi suất hạ không phải chỉ là do anh làm tốt thanh tra, giám sát đâu, cái quan trọng là chính sách của mình phải đúng mới làm lãi suất hạ được.

Qua đây, để khẳng định một điều: các vụ án vừa rồi là những việc tất yếu, là cái giá chúng ta phải trả cho một giai đoạn, kể cả việc quản trị của các NH lẫn quản lý của cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Nay chúng ta phải xử lý thật nghiêm để làm bài học cho các giai đoạn sắp tới.

Trảm ngay sở hữu chéo lũng đoạn thị trường

* Thưa thống đốc, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bê bối và gây lũng đoạn trong hệ thống NH như vừa qua là do tình trạng sở hữu chéo tại nhiều NH, việc này sẽ được NHNN chấn chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

– Tôi cho rằng bản thân sở hữu chéo cũng là hiện tượng khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Đơn cử NH A không có ý định sở hữu một đồng cổ phiếu nào của NH B nhưng NH A cho khách hàng A vay tiền và ông khách hàng A lại thế chấp bằng cổ phiếu của NH B.

Về mặt quyền tài sản thì người ta được làm chuyện đó vì cổ phiếu là tài sản. Thế nhưng người khách hàng A kia không trả được nợ nên NH A buộc phải lấy tài sản thế chấp là cổ phiếu NH B.

Cho nên bỗng dưng NH A lại sở hữu cổ phiếu NH B. Tương tự, bên NH B cũng có khách hàng B thế chấp cổ phiếu của NH A. Cuối cùng hai ông không muốn sở hữu, dính dáng gì đến nhau thì tự dưng hai NH lại sở hữu cổ phiếu của nhau.

Để kiểm soát sở hữu chéo, ta quy định một cá nhân không sở hữu quá 5% cổ phần của một NH… Thế nhưng một cá nhân muốn nắm giữ vượt tỉ lệ cổ phần này nên đã nhờ một người khác đứng hộ tên.

Do vậy, không cơ quan nào phát hiện được. Chỉ khi có chuyện mới lòi ra. Thực tế sở hữu chéo ở VN đã đến đỉnh điểm như tôi từng nói. Một cổ đông hay một nhóm cổ đông thôn tính cả một NH, không những thôn tính NH đó mà còn thôn tính cả NH khác.

Để chống sở hữu chéo thì theo tôi, trước tiên phải tập trung vào hai việc. Thứ nhất: chống sở hữu chéo dẫn đến sử dụng các công cụ tài chính làm đòn bẩy để lũng đoạn hoạt động NH. Thứ hai là sở hữu chéo tạo ra các sân sau, phục vụ một nhóm lợi ích. Cái đó là phải chống ngay.

XUÂN TOÀN – LÊ THANH