11/01/2025

Người tiêu dùng giàu có tăng nhanh

Người tiêu dùng trung lưu và giàu của VN đang tăng nhanh, thị phần hàng tiêu dùng cho đối tượng này tăng trưởng tốt, nhưng các doanh nghiệp nội gần như chưa khai thác gì nhiều từ các cơ hội này.

 

Người tiêu dùng giàu có tăng nhanh

Người tiêu dùng trung lưu và giàu của VN đang tăng nhanh, thị phần hàng tiêu dùng cho đối tượng này tăng trưởng tốt, nhưng các doanh nghiệp nội gần như chưa khai thác gì nhiều từ các cơ hội này. 

 

 Người tiêu dùng giàu có tăng nhanh
 Các sản phẩm nội chưa có mặt ở phân khúc hàng tiêu dùng cao cấp và cũng chưa có chỗ đứng ở khâu gia công các sản phẩm này – Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Một khảo sát mới nhất của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG – Mỹ) công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy VN hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và giàu có mạnh nhất Đông Nam Á, dự kiến lên 33 triệu người vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hiện nay, bằng 2/3 Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người Việt cũng tăng từ 1.400 USD lên 3.400 USD/năm. BCG cũng đánh giá người VN tỏ ra lạc quan hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và một số quốc gia đang nổi lên. “Có đến 90% người tiêu dùng VN nghĩ rằng con cháu họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong khi tỷ lệ này tại các nước nói trên chỉ xấp xỉ 70%”, BCG nhận định.

Thị trường tiềm năng

Cuối tuần qua, lúc hơn 10 giờ sáng, chúng tôi gặp chị Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc một doanh nghiệp trên đường Lê Văn Sĩ (Q.3, TP.HCM), đang chọn mua giày tại cửa hàng Nine West trong Trung tâm thương mại Vincom (Q.1, TP.HCM). Trên tay là hai giỏ xách hiệu A., chị Hạnh đang thử thêm hai đôi giày tại cửa hàng này. “Khuyến mãi giảm giá các sản phẩm mới đến 50% trong hai ngày này tại các cửa hàng thời trang đã khiến tôi không cưỡng lại cơn nghiện mua sắm của mình, cho dù trước tết đã tậu một mớ rồi”, chị Hạnh cười nói.

 

 
 

Các nhà làm gia công Trung Quốc cạnh tranh ghê gớm lắm. Họ lập cả phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, tự động tìm hiểu xu hướng thời trang, tự động làm ra mẫu mới để chào gia công cho các thương hiệu lớn chứ không chỉ có ngồi yên chờ đơn hàng gia công đến mà thôi

 

Anh Hiếu, chủ cửa hàng giày V.

 

 

 Một đôi giày Nine West chị Hạnh đang thử có giá khoảng từ 3,5 – 3,7 triệu đồng, được giảm khoảng 50%, còn phải trả từ 1,75 triệu đồng/đôi. Giá túi xách và giày trung bình một sản phẩm Charles & Keith nằm cạnh đó từ 1 – 2 triệu đồng và từ 2 – 3 triệu đồng với sản phẩm Pedro. Nhiều người nghĩ rằng đó là mức giá rất cao không phải ai cũng có thể mua được, nhất là giới trẻ vốn chưa kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng thực tế tại các trung tâm mua sắm thời trang như Vincom, Parkson, Diamond…, khách mua áo quần, giày, túi xách thời trang như: Mango, Charles & Keith, Aldo, Pedro, Nine West… đa số là giới trẻ.

Bà Trần Thị Minh Hà, phụ tránh marketing cho hai nhãn hàng Charles & Keith và Pedro của Công ty Maison, cho biết lúc chưa bước chân vào làm việc tại Maison, bà không hình dung nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang như giày dép, túi xách và các phụ kiện cao cấp này lại cao như vậy. “Tôi nghĩ các dòng sản phẩm này chỉ dành cho số ít khách lớn tuổi, có thu nhập cao, nhưng thực tế khách hàng tìm đến mua giày, túi xách của Charles & Keith tầm 25 – 35 tuổi chiếm khoảng 50%. Đặc biệt, trong số đó, không ít người đã có thẻ VIP của công ty”, bà Hà nói. Để trở thành thành viên VIP của nhãn hàng này, khách hàng ít nhất phải có 1 phiếu mua sắm từ 6,5 triệu đồng.

Anh Khiêm, người quản lý bán hàng tại cửa hàng giày Aldo, cho biết khách hàng vào mua từ 3 – 4 sản phẩm tại cửa hàng trong một lần là điều bình thường. Dù kinh tế chung có khó khăn, doanh thu các mặt hàng cao cấp vẫn rất tốt. Đại diện của các nhãn hàng Aldo, Charles & Keith, Mango đều cho biết doanh số năm qua tăng trưởng rất tốt. “Dù năm 2012 là năm nhuận, tết ra là hết tháng 2 rồi, thời gian bán hàng thực chất năm rồi chỉ 11 tháng, nhưng doanh số cũng tăng khoảng 20% so với năm trước”, một người quản lý bán áo quần thời trang ở Parkson cho biết.

Bà Trần Thị Minh Hà cho hay doanh số hai nhãn hàng Charles & Keith và Pedro năm qua tăng khoảng 10 – 20%. Theo bà Hà, khoảng 80% khách hàng là nhân viên văn phòng, chủ doanh nghiệp…

Thua vì thiếu năng động

VN nói chung và TP.HCM nói riêng đang là thánh địa của nhiều nhãn hàng cao cấp. Tuy nhiên phần lớn các nhãn hàng cao cấp nước ngoài lại được gia công tại Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia, không có một sản phẩm nào được làm tại VN.

Vì sao? Anh Hiếu, chủ cửa hàng giày V. trên đường Đồng Khởi, từng làm quản lý kinh doanh cho nhiều nhãn hàng thời trang Ý, Pháp vào VN từ 15 năm trước và có khá nhiều kinh nghiệm làm việc với các đối tác gia công hàng hiệu tại Trung Quốc, cho biết: “Các nhà kinh doanh mang hàng hiệu vào đây không tìm nơi gia công tại chỗ vì chưa yên tâm. Thứ nữa, các nhà làm gia công ở VN cũng hiếm khi tìm đến họ để đề nghị gia công. Trong khi các nhà làm gia công Trung Quốc cạnh tranh ghê gớm lắm. Họ lập cả phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, tự động tìm hiểu xu hướng thời trang, tự động làm ra mẫu mới để chào gia công cho các thương hiệu lớn chứ không chỉ có ngồi yên chờ đơn hàng gia công đến mà thôi”.

Một số nhân viên bán hàng tại Nine West và Aldo cho biết giày họ đa số làm gia công tại Trung Quốc. Đại diện nhãn hàng Charles & Keith cũng cho biết sản phẩm được gia công tại Malaysia, Trung Quốc và kể cả Singapore. Theo tiết lộ của bà Minh Hà, các công ty thường có đội ngũ thiết kế luôn săn lùng nghiên cứu xu hướng thời trang thế giới từ các hãng thời trang nổi tiếng Gucci, Chanel, CK… rồi làm ra những phụ kiện, giày, túi đi kèm để đón đầu thị trường. “Các công ty thời trang nội chắc chắn thua các công ty thời trang ngoại ở khâu năng động tìm tòi này”, bà Hà nói.

 

Không tìm thấy thương hiệu nội đủ chuẩn?

Chị Lê Thụy An, quản lý bộ phận khách quốc tế của một khách sạn 5 sao, cho biết: “Ở vị trí công việc của mình, thương hiệu sản phẩm rất quan trọng, tôi chú trọng những sản phẩm vừa có thương hiệu tốt vừa có thiết kế tinh tế sang trọng”. Cả chị An và nhiều người tiêu dùng khác đang là cán bộ quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia, khách sạn 5 sao, truyền thông… đều khẳng định họ không tìm thấy hàng nội cao cấp nào đủ chuẩn để mạnh dạn bỏ tiền triệu ra mua.

Nghiên cứu về thói quen tiêu dùng toàn cầu năm 2013 của Hakuhodo ở 34 thành phố chính của châu Á, châu Âu và Mỹ, cho thấy tại TP.HCM, hơn 50% phụ nữ “ưa chuộng các nhãn hàng hiệu nổi tiếng” và “xem trọng thiết kế hơn công dụng”, tỷ lệ này đứng cao nhất so với các thành phố khác trong khu vực.

 

Nguyên Nga