Việt Nam không có nhà cung cấp?
Câu hỏi có thể làm đau lòng nhiều người nhưng thực tế doanh nghiệp trong nước hầu như không có phần khi các tập đoàn kinh tế thế giới hằng năm xuất khẩu vài chục tỉ USD từ Việt Nam.
Việt Nam không có nhà cung cấp?
Câu hỏi có thể làm đau lòng nhiều người nhưng thực tế doanh nghiệp trong nước hầu như không có phần khi các tập đoàn kinh tế thế giới hằng năm xuất khẩu vài chục tỉ USD từ Việt Nam.
|
Chỉ có 4/52 nhà cung cấp VN
Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh chính thức sản xuất vào tháng 4.2009 và từ đó đến nay xuất khẩu hàng chục tỉ USD mỗi năm. Năm 2013, doanh số xuất khẩu của nhà máy này lên hơn 20 tỉ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời gian. Như vậy chỉ riêng một nhà máy điện thoại di động của Samsung đã có doanh số xuất khẩu cao hơn của cả ngành dệt may VN với gần 4.000 doanh nghiệp và khoảng 3 triệu lao động. Chưa hết, dự kiến từ quý 2/2014, nhà máy thứ hai của Samsung tại Thái Nguyên sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Khi đó, doanh thu xuất khẩu của tập đoàn này tăng gấp đôi so với hiện nay.
|
Tương tự, từ tháng 10.2010, nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất mạng lưới sản xuất của Tập đoàn Intel đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM cũng chính thức hoạt động. Thông tin ban đầu cho thấy mỗi năm nhà máy này sản xuất số lượng sản phẩm trị giá khoảng 2 tỉ USD và nếu hoạt động hết công suất thì trị giá sản xuất sẽ đạt 5 – 6 tỉ USD. Ngoài ra, thị trường VN còn có sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lớn khác với doanh số mỗi năm khổng lồ. Ví dụ như nhà máy Nokia đã đi vào hoạt động từ tháng 10.2013 hay khu phức hợp của Tập đoàn LG tại Hải Phòng đang được khởi động để sản xuất các sản phẩm điện tử, điện gia dụng như linh kiện điện tử cho ô tô, ti vi, máy hút bụi, máy giặt và điện thoại di động… với doanh thu ước tính sẽ đạt 1 tỉ USD từ năm 2016.
Thế nhưng, trong doanh số khổng lồ của các nhà máy đang hiện diện tại VN nói trên, hầu như không có sự góp mặt của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Trong số 52 nhà cung cấp hiện nay cho Samsung ở Bắc Ninh chỉ có 4 DN thuần túy VN. Số DN ít ỏi này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và VN. Tương tự, trong số gần cả trăm nhà cung cấp hiện nay cho nhà máy Intel chỉ có 18 DN trong nước và cung cấp những sản phẩm phụ trợ. Theo bà Trương Vân Tiên – Giám đốc Công ty cơ khí Duy Khanh, đa số các công ty nước ngoài có nhà máy tại VN như Toshiba, Rinnai, MK Seiko, Fujitsu, Furukawa… đều đặt hàng cho DN chế tạo các loại dụng cụ, đồ gá, khuôn mẫu để phục vụ cho việc sản xuất. Riêng việc cung cấp linh kiện để lắp ráp vào sản phẩm của khách hàng thì khá hiếm như Duy Khanh chỉ cung cấp cho Toshiba VN một số chủng loại trục motor.
Vẫn là vấn đề chất lượng
Các tập đoàn lớn luôn khẳng định khi đầu tư nhà máy sản xuất ở VN, họ đều muốn sử dụng các sản phẩm phụ trợ, các linh kiện và phụ kiện được sản xuất tại chỗ. Điều này giúp họ chủ động về thời gian cũng như tiết giảm được nhiều chi phí vận chuyển, nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina cho rằng hầu như chưa có DN nào thuần túy của VN đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật mà Samsung đặt ra. Nhất là trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị di động. Hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm của DN trong nước còn rất thấp nên chỉ mới dừng lại ở con số ít ỏi và chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản. Vì vậy mục tiêu Samsung đưa ra đến năm 2015 sẽ có 50% các nhà cung cấp nội địa trong số khoảng 170 nhà cung cấp sẽ khó đạt được.
|
Trong khi đó, đại diện phòng thu mua của Công ty Intel VN cho biết quy trình chọn lựa và đánh giá nhà cung cấp của đơn vị này khá nghiêm ngặt, gồm 9 bước. Trong đó Intel yêu cầu DN phải có tài chính ổn định, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, an toàn hay có thể giao dịch được qua hệ thống điện tử tự động của tập đoàn này… Ví dụ Intel yêu cầu các nhà cung cấp phải có quy trình sản xuất an toàn và chất lượng phải đồng nhất nhưng nhiều DN trong nước đã bị “trượt” mất cơ hội trở thành nhà cung cấp cho công ty này chỉ vì không đảm bảo đồng nhất chất lượng. Chẳng hạn khi đưa hàng mẫu thì phù hợp với yêu cầu nhưng sau đó chất lượng không đồng đều.
Một chuyên gia về ngành cơ khí nhận xét những yêu cầu của các nhà sản xuất trên không quá khó cho các DN trong nước (ngoại trừ một vài sản phẩm công nghệ cao) vì chỉ cung cấp những chi tiết đơn giản hay các sản phẩm phụ trợ cho quá trình sản phẩm. Tuy nhiên, bản thân DN VN vẫn còn nhiều khiếm khuyết như quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng chưa hiệu quả khiến các tập đoàn không yên tâm khi đặt hàng. Dù đội ngũ công nhân, kỹ sư có tay nghề cao nhưng quy trình quản lý không phù hợp với chuẩn quốc tế thì cũng khó cạnh tranh được với các nhà cung cấp đến từ các nước. Vì vậy bản thân các DN phải tự thay đổi mình để bắt kịp với sự phát triển của các tập đoàn sản xuất mới có thể trở thành một bộ phận trong thị trường rộng lớn này. Và về phía Chính phủ cũng cần có các động thái mạnh mẽ hơn nữa để kết nối các DN trong nước với các tập đoàn, hỗ trợ DN cải tiến kỹ thuật, tạo cơ chế đảm bảo sau cải tiến thành công thì sản phẩm của họ được tiêu thụ…
Chưa đủ năng lực Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch (VN) Võ Quang Huệ thông tin rằng 100% sản phẩm công nghiệp phụ trợ của công ty được xuất khẩu với sản lượng 2 – 3 triệu thành phẩm mỗi năm. Nguyên vật liệu để sản xuất, Bosch đều phải nhập khẩu, riêng bao bì đóng gói sản phẩm, vài năm gần đây, công ty chỉ mới tìm được nhà cung cấp trong nước. N.T.Tâm
|
Mai Phương