23/01/2025

Khẳng định cam kết với khu vực

Tổng thống Barack Obama sẽ công du bốn nước Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong tháng 4 để khẳng định quyết tâm thực hiện chiến lược “tái cân bằng”.

Khẳng định cam kết với khu vực

Tổng thống Barack Obama sẽ công du bốn nước Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong tháng 4 để khẳng định quyết tâm thực hiện chiến lược “tái cân bằng”.

Ngoại trưởng John Kerry (thứ 4 từ phải sang) đến sân bay quân sự Seongnam của Hàn Quốc ngày 13-2 – Ảnh: Reuters 

Sau vài lần lỡ hẹn với khu vực, mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm này là thuyết phục châu Á rằng Mỹ quyết thực hiện cam kết đối với khu vực. Dù chưa công bố lịch trình cụ thể, Nhà Trắng thông báo chuyến thăm của ông Obama sẽ diễn ra trong vòng một tuần vào cuối tháng 4.

Đầu tiên, ông sẽ đến Tokyo và hội kiến với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, sau đó sang Seoul gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Từ Seoul, ông sẽ bay sang Kuala Lumpur đối thoại với Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Như vậy, ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Malaysia kể từ thời ông Lyndon Johnson vào năm 1966. Điểm dừng chân cuối cùng là Manila, nơi ông Obama sẽ hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino.

Dù Trung Quốc không có trong lộ trình nhưng chắc chắn tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh sẽ là một chủ đề nóng trong cuộc hội đàm ở tất cả chặng dừng chân của tổng thống Mỹ. Dự báo tại Tokyo, ông Obama và ông Abe sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, trong đó có tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi trên biển Hoa Đông. Trước đó, Washington đã trấn an Tokyo khi cả Ngoại trưởng Kerry và trợ lý ngoại trưởng Danny Russel đều lên tiếng chỉ trích ADIZ của Bắc Kinh là bất hợp pháp.

Ở Nhật, chắc chắn ông Obama cũng sẽ vận động để thúc đẩy đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 quốc gia. Tại Seoul, ông Obama và bà Park sẽ trao đổi về nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và việc thực hiện thỏa thuận tự do thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc. Một số nhà quan sát nhận định ông Obama sẽ tìm cách kéo Tokyo và Seoul xích lại gần nhau hơn. Cùng là đồng minh thân cận với Mỹ, nhưng Nhật và Hàn Quốc rất lạnh nhạt với nhau trong những tháng qua, đặc biệt sau khi ông Abe thăm đền Yasukuni hồi tháng 12-2013.

Ở Malaysia, ông Obama và ông Najib sẽ đàm phán thúc đẩy thương mại song phương. Tại Philippines, ông Obama và ông Aquino sẽ tìm cách siết chặt quan hệ đối tác an ninh, bao gồm việc tăng số lượng binh sĩ Mỹ đóng luân phiên ở nước này. Các quan chức Manila cho biết muốn lực lượng Mỹ quay lại căn cứ hải quân Subic, tuy nhiên Washington còn đang thận trọng về đề xuất này.

Đối với giới quan sát Đông Nam Á, Manila sẽ là chặng dừng chân đáng chú ý nhất của ông Obama, bởi quan hệ Philippines và Trung Quốc đang xấu đi trầm trọng vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông thời gian qua.

 

 

Mỹ không chấp nhận Bình Nhưỡng là quốc gia hạt nhân

Hôm 13-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm Hàn Quốc và hội kiến với Tổng thống Park Geun Hye. Theo AFP, các quan chức Seoul đã thông báo cho ông Kerry về kết quả cuộc họp cấp cao Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên một ngày trước đó. Cuộc họp kết thúc mà không có một đột phá nào. Phía Bình Nhưỡng đề nghị Hàn Quốc hoãn tập trận với Mỹ nhưng Seoul từ chối. Đôi bên đồng ý tiếp tục đàm phán trong hôm nay 14-2.

Ông Kerry trong cuộc họp báo cùng ngày với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung Se nhấn mạnh: “Mỹ sẽ không chấp nhận Bình Nhưỡng là một quốc gia hạt nhân”, theo Kyodo News. Ông nhấn mạnh các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ chỉ được nối lại khi Bình Nhưỡng chứng minh thành ý của mình. Nói về cuộc họp liên Triều, ngoại trưởng Mỹ cũng tỏ rõ lập trường rằng Bình Nhưỡng không nên gắn tập trận Mỹ – Hàn với một vấn đề nhân đạo như đoàn tụ gia đình.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ ông Kerry đã kêu gọi Hàn Quốc cải thiện quan hệ với Nhật. Cũng theo nguồn tin này, khi tới Trung Quốc, ông Kerry sẽ kêu gọi Bắc Kinh gây sức ép lên Bình Nhưỡng để nối lại đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

 

 

HIẾU TRUNG