23/01/2025

ĐGH Phanxicô: Nền tảng cuộc đối thoại Do Thái giáo – Kitô giáo là thần học

“Tôi rất biết ơn anh chị em vì những đóng góp xuất sắc của anh chị em cho cuộc đối thoại và tình huynh đệ giữa người Do Thái và người Công giáo, và tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục con đường này”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với năm mươi lăm thành viên của đoàn đại biểu Uỷ ban Do Thái của Hoa Kỳ, được ngài tiếp kiến sáng thứ Năm 13-2 tại Roma.

ĐGH Phanxicô: Nền tảng cuộc đối thoại Do Thái giáo – Kitô giáo là thần học
 
WHĐ (14.02.2014) – “Tôi rất biết ơn anh chị em vì những đóng góp xuất sắc của anh chị em cho cuộc đối thoại và tình huynh đệ giữa người Do Thái và người Công giáo, và tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục con đường này”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với năm mươi lăm thành viên của đoàn đại biểu Uỷ ban Do Thái của Hoa Kỳ, được ngài tiếp kiến sáng thứ Năm 13-2 tại Roma. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại những mối quan hệ tốt đẹp của tổ chức này với các vị tiền nhiệm của ngài, cũng như với Toà Thánh và nhiều đại diện của thế giới Công giáo.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Năm tới chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II, mà ngày nay đã trở thành điểm tham chiếu vững chắc cho Giáo hội về các mối quan hệ với ‘những người anh cả’ của chúng ta. Nhờ văn kiện này, những suy tư của chúng ta về di sản thiêng liêng đã liên kết chúng ta và là nền tảng cho cuộc đối thoại của chúng ta đã phát triển với sức sống mới. Nền tảng này là thần học, và không chỉ đơn giản là thể hiện mong muốn của chúng ta muốn tôn trọng và quý mến nhau. Vì vậy, điều quan trọng là cuộc đối thoại của chúng ta phải luôn ghi đậm ý thức về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.”

“Ngoài đối thoại, việc tìm ra những cách thức mà người Do Thái và Kitô hữu có thể hợp tác trong việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn cũng là quan trọng. Về vấn đề này, xin anh chị em đặc biệt lưu tâm đến những nỗ lực chung của chúng ta nhằm phục vụ người nghèo, người bị bị gạt ra bên lề và những người đau khổ. Công cuộc phục vụ này có nền tảng trong việc bảo vệ người nghèo, người góa bụa, trẻ mồ côi, và các ngoại kiều như đã viết trong Kinh Thánh. Đây là một bổn phận được Thiên Chúa trao phó, bổn phận ấy phản ánh Thánh ý Chúa và sự công chính của Người và là một nghĩa vụ tôn giáo thực sự.”

Cuối cùng, để những nỗ lực chung không trở nên vô ích, “điều quan trọng là chúng ta phải dấn thân truyền lại cho các thế hệ mới di sản kiến thức chung của chúng ta, lòng quý trọng và tình hữu nghị mà, nhờ sự dấn thân của các hiệp hội như của anh chị em, đã phát triển trong những năm qua. Vì thế tôi hy vọng việc nghiên cứu các mối quan hệ với Do Thái giáo tiếp tục phát triển trong các chủng viện và tại các trung tâm đào tạo giáo dân Công giáo; và tương tự, tôi mong rằng cộng đồng Do Thái và các Rabbi trẻ cũng càng ngày càng mong muốn hiểu biết hơn về Kitô giáo”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Anh chị em thân mến, trong vài tháng nữa tôi sẽ vui mừng đi thăm Jerusalem, là nơi mà – như Thánh vịnh nói – mọi người chúng ta đều được sinh ra và một ngày kia tất cả các dân tộc sẽ quy tụ. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, để cuộc hành hương này mang lại hoa trái của tình hiệp thông, hy vọng và bình an. Shalom!”

(Theo VIS)