23/01/2025

Vốn ngoại vào chuỗi sản xuất lúa gạo

Một ngân hàng quốc tế vừa quyết định tài trợ 1.500 tỉ đồng vốn vay ưu đãi vào lĩnh vực nông nghiệp, với kỳ vọng giúp hình thành một chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo khép kín bền vững.

Vốn ngoại vào chuỗi sản xuất lúa gạo

Một ngân hàng quốc tế vừa quyết định tài trợ 1.500 tỉ đồng vốn vay ưu đãi vào lĩnh vực nông nghiệp, với kỳ vọng giúp hình thành một chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo khép kín bền vững.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng mẫu lớn do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang liên kết với nông dân ở xã Tân Công Chí, Tân Hồng (Đồng Tháp) - Ảnh: Đ.Vịnh 

Sau khi được Ngân hàng Standard Chartered (Anh) ký hợp đồng tài trợ thương mại 70 triệu USD (1.500 tỉ đồng) với lãi suất ưu đãi thấp, những ngày đầu năm các phòng ban của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) tất bật triển khai các dự án.

Đầu tư dồn dập…

 

“Trước khi Standard Chartered tài trợ vốn, họ cử nhiều đoàn, chuyên gia đầu tư, tài chính, kể cả nhóm khoa học kỹ thuật qua để thẩm định kỹ lưỡng với chuỗi sản xuất mà chúng tôi đang làm. Họ thấy tổ chức bài bản, có tính bền vững, đặc biệt thấy được việc mình làm thật nên đã… đồng hành với mình”

Ông Huỳnh Văn Thòn 
(tổng giám đốc AGPPS)

 

Tại Long An, công ty đang gấp rút xây dựng trung tâm logistics chuyên đóng gói gạo hiện đại hàng đầu ở châu Á trên diện tích 6,5ha ở TP Tân An với mức đầu tư 150 tỉ đồng. Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết tỉnh vừa quyết định giao 1.000ha đất nông trường ở Tân Hưng để AGPPS chuyển sang chuyên nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống. Không chỉ ở Long An, tại Đồng Tháp, AGPPS cũng đang xây dựng trung tâm chuyên sản xuất, cung ứng giống chất lượng cao tương tự, sau khi được tỉnh này giao cho Nông trường Động Cát với 400ha. Ngoài ra, công ty đang hợp tác với Tập đoàn Satake (Nhật) nghiên cứu lắp đặt loại máy sấy lúa, máy xát trắng và lau bóng gạo kỹ thuật cao để nâng chất lượng gạo thương phẩm của AGPPS.

Thực tế từ năm 2010 đến nay, AGPPS đã triển khai chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững (còn gọi là mô hình cánh đồng mẫu lớn) qua việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống, thuốc phòng trị bệnh, phân bón…, đồng thời hỗ trợ miễn phí nhiều khoản trong khâu thu hoạch cho nông dân. Kèm theo đó là xây dựng năm cụm nhà máy chế biến lương thực tại các vùng nguyên liệu ở An Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu.

Đến nay mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được các cơ quan chức năng đánh giá đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Dự kiến đến năm 2018, chuỗi sản xuất của AGPPS sẽ có 360.000ha và hoàn thành 12 cụm nhà máy chế biến có tổng công suất 2,4 triệu tấn/năm tại ĐBSCL.

 

Tiến tới chuỗi sản xuất khép kín

 

“Chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn, nó đã đem lại lợi ích hài hòa cho nông dân. Ngoài lợi ích kinh tế, chúng tôi muốn tạo động lực thúc đẩy hơn nữa để phát triển mô hình này, để cùng kiến tạo những giá trị mới cho hạt gạo VN trên thương trường quốc tế”

Ông Nirukt Sapru 
(tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại VN)

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Văn Thòn – tổng giám đốc AGPPS – khẳng định khi hoàn tất các dự án này công ty sẽ hình thành được một chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo khép kín. Theo đó, với nông trường ở Tân Hưng và Động Cát, công ty liên kết thành lập một đơn vị tập trung nghiên cứu sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao. Đơn vị này sẽ làm ra giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, sau đó hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chuyên cung cấp giống lúa xác nhận, sản xuất thực nghiệm giống bắp và các giống hoa màu chất lượng cao. Đồng thời xây dựng nhà máy chế biến, tồn trữ giống để cung cấp các loại giống cho toàn vùng ĐBSCL và xuất bán qua một số nước trong khu vực.

Với trung tâm logistics sẽ tập trung gạo từ năm cụm chế biến lương thực và các vùng nguyên liệu hiện hữu của công ty ở các tỉnh ĐBSCL để qua đó tổ chức chế biến, đóng gói bao bì các loại gạo, trong đó có gạo dinh dưỡng Vibigaba, các sản phẩm giá trị gia tăng khác từ gạo. Đây cũng là trung tâm giao dịch, cung ứng các loại gạo cho thị trường nội địa và xuất khẩu của vùng. “Công ty từng xuất khẩu gạo qua Nhật, thị trường vốn được coi là khó tính nhất thế giới nhưng giá bán lại khá tốt. Việc hợp tác với Satake giúp sản phẩm gạo của chúng tôi tiếp tục vào thị trường Nhật và các thị trường khác” – ông Thòn cho hay.

Theo ông Thòn, Standard Chartered còn tài trợ vốn đầu tư khoa học công nghệ, trong chế biến sâu làm thêm các sản phẩm giá trị gia tăng để tối đa hóa giá trị nông sản. Tiếp đến họ hỗ trợ vốn cho AGPPS tiếp tục thực hiện các công đoạn tận dụng phế thải rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường bền vững. Khi đó AGPPS sẽ hoàn tất một chuỗi sản xuất khép kín từ khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp… đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm đa dạng từ nông sản.

 

 

TS NGUYỄN VĂN SÁNH (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):

Sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa

Lâu nay vốn đầu tư xã hội cũng như vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp ở VN, nhất là ở ĐBSCL, rất hạn chế. Lần đầu tiên Standard Chartered – một ngân hàng quốc tế hàng đầu – tham gia vào lĩnh vực này là tín hiệu rất đáng mừng. Họ thấy chuỗi sản xuất lúa gạo theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là đúng hướng và tất yếu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro và có tính tích cực đối với xã hội nên đã mạnh dạn tài trợ vốn và hỗ trợ cho AGPPS. Hi vọng điều đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thực hiện mô hình và có thêm những tổ chức tài chính quốc tế tham gia đầu tư tương tự.

 

 

ĐỨC VỊNH