24/01/2025

Trăm năm bia đá

Những bia đá ở An Giang là chứng tích lưu truyền công khó nhọc của tiền nhân trong mở mang bờ cõi, để lại cho đời sau thụ hưởng.

 

Trăm năm bia đá

Những bia đá ở An Giang là chứng tích lưu truyền công khó nhọc của tiền nhân trong mở mang bờ cõi, để lại cho đời sau thụ hưởng.

Theo dấu bia xưa    


Tượng Thoại Ngọc Hầu – Ảnh: T.D 

Ca dao có câu: “Nước sông Vĩnh Tế lờ đờ/ nhớ ông Bảo hộ cầm cờ chiêu an”. Ông Bảo hộ tức Nguyễn Văn Thoại được triều Nguyễn phong tước Thoại Ngọc Hầu, năm 1817, ông nhận trấn thủ thành Châu Đốc. Tại đây, ngoài việc giữ yên bờ cõi, ông còn thực hiện nhiều công trình để lại tên tuổi muôn đời lưu danh cho hậu thế, như: đào kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế, đắp lộ từ Châu Đốc đến núi Sam. Các sự kiện này đều được tạc trên bia ký .

Theo Địa chí An Giang, bia Thoại Sơn do Thoại Ngọc Hầu dựng năm 1822 và là một trong hai công trình di tích lịch sử và bia ký nổi tiếng ở VN dưới chế độ phong kiến, còn lưu lại đến ngày nay. Bia đá có chiều cao 3 m, ngang 1,2 m, dày 0,2 m. Mặt bia chạm 629 chữ, mô tả công trình đào kênh Thoại Hà và nói lên tình cảm của Thoại Ngọc Hầu với triều đình, với nhân dân. Bia Vĩnh Tế Sơn to cao ngang đầu người, dựng tại núi Sam tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (năm 1828), gồm 730 chữ, do Lê triều cựu thần trúng thí Tam Hà Võ Thị Thừa soạn. Bia chép việc lập làng mở ruộng, chiêu tập dân cư,  ghi rõ tấm lòng tri ân sâu xa của một bề tôi Nguyễn Văn Thoại được vua xét tới công khó.

Còn bia Châu Đốc Tân lộ kiều lương ký dựng tại núi Sam năm 1828, thuật lại (việc ông Nguyễn Văn Thoại đề xuất) quan viên xuất tiền bổng góp lại đài thọ cho 3.400 nhân công thi công đắp đường, bắc cầu từ chân núi phóng ngang qua đầm nước, đi thẳng tới dinh đồn. Lộ này làm xong, người dân có đường đi không sợ ngập lụt.

Theo tiến sĩ Ngô Quang Láng, Phó chủ tịch Hội Lịch sử An Giang, trong các văn bia trên, văn bia Thoại Sơn còn bảo quản tốt do lúc ấy văn bia đặt trên vùng đất cao nên không bị lũ lụt, mưa gió tàn phá. Riêng bia Vĩnh Tế Sơn do ảnh hưởng bởi nước lũ, chiến tranh bom đạn tàn phá đã làm nét chữ văn bia mờ phai. Rất may lúc ấy còn bản diễn dịch nội dung văn bia sang chữ quốc ngữ của tú tài Trần Thới Hanh ở Tân Châu, được ông Nguyễn Văn Hầu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ tìm được, lưu giữ cẩn trọng.

Còn bia đá Tân lộ kiều lương đã biến mất, cả bản dịch chính thức cũng không có, chỉ còn bản lược dịch. Ngoài ra, theo ông Láng, còn một bia nữa cũng mất tích là bia Vĩnh An Hà dựng ở ven sông Tiền, tại Tân Châu vào năm 1845. Đây là tấm bia bằng chữ nho, nay không rõ thất lạc ở đâu.

Công trạng người xưa

Thoại Ngọc Hầu mất vào ngày 6.6.1829, được an táng tại lăng ông ở chân núi Sam, phường Núi Sam, TP.Châu Đốc. Đến viếng lăng ông Thoại mới cảm thấy cái đức trí dũng của người xưa, trong lăng mộ có nhiều ngôi mộ vô danh là những quân lính, người dân đào kinh đã chết được chôn chung bên chủ soái, ấm lạnh cùng nhang khói. 

Bây giờ đi dọc theo kinh Vĩnh Tế, dài hơn 90 km, từ Châu Đốc đến Hà Tiên (Kiên Giang), người dân đông đúc, ruộng đồng bao la. Con kinh đã mang dòng nước ngọt, dẫn phù sa về cho đồng bằng, kéo theo người dân đến sinh sống. Buổi chiều, từ núi cao nhìn xuống dòng kinh thơ mộng nhưng nào ai biết bao nhiêu người đã vong mạng, vùi thây để có được con kinh này.

Nguyễn Văn Hầu khi viết sách về “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” đã miêu tả đào kinh Thoại Sơn trong một tháng là xong, còn kinh Vĩnh Tế phải gián đoạn nhiều lần do công việc quá cực khổ, nhân công kêu than… Ông Nguyễn Văn Hầu thuật lại chuyện người xưa đào kinh, như sau: “Để đào kinh cho thẳng, người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cặm”. Đoạn khác ông viết cái khó nhọc đào kinh: “Đất ở gần chân núi, lắm chỗ đá sỏi dày đặc, cho nên sưu dân phải đem xuổng sắt lưỡi dày rồi dùng chày vồ mà đóng mạnh cho đất sỏi văng lên. Công việc lâu ngày mòn mỏi, lại buồn ngủ vì thức đêm, nên nhiều khi ngủ gục, người ta đập lầm chày vồ vào đầu nhau đến vỡ sọ mà chết. Lại còn bị nạn thú dữ làm hại. Trong rừng thâm u, ban đêm cọp rình bắt người xé xác; rắn độc núp ẩn trong lau sậy cắn chết tươi. Thêm vào đó chết vì bệnh. Dưới chân đất khô cằn, chai cóng, trên đầu thì nắng thiêu nóng bức…”.

Khi kinh đào hoàn thành, ông Thoại Ngọc Hầu cho nhiều toán người đi dọc theo hai bờ kinh từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt dân quân tử nạn trong khi đào kinh mang về cải táng ở hai bên của lăng của ông. Trong ngày dựng bia tưởng niệm, đích thân ông đứng ra chủ lễ và đọc bài “Nghĩa Tế Trũng Văn”, tế cô hồn tử sĩ, dân quân đã bỏ mình trong công tác đào kinh.

Thanh Dũng