23/01/2025

Dịch sởi trở lại do ngại tiêm chủng?

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính từ tháng 1-2014 đến nay bệnh sởi đã ghi nhận được tại Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và TP.HCM, với số mắc là 203 ca, trong đó có hai ca tử vong tại Yên Bái và Hà Nội.

Dịch sởi trở lại do ngại tiêm chủng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-2, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển cho rằng lý do dịch sởi xuất hiện trở lại là do tỉ lệ tiêm ngừa bệnh sởi mũi 2 đạt thấp ở nhiều tỉnh thành.

 

 

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, tính từ tháng 1-2014 đến nay bệnh sởi đã ghi nhận được tại Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và TP.HCM, với số mắc (đã có xét nghiệm khẳng định là bệnh nhân sởi) là 203 ca, trong đó có hai ca tử vong tại Yên Bái và Hà Nội.

Tỉ lệ tiêm ngừa văcxin sởi đạt thấp

“Bệnh xảy ra ở những trẻ hoặc chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm nhưng mới chỉ tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ những bà mẹ chưa được tiêm văcxin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi mà có tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì sẽ xảy ra dịch. Theo tôi, thời gian tới dịch sởi có thể tiếp tục xảy ra ở quy mô nhỏ ở các tỉnh” – ông Hiển nhận định.

GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế, nhìn nhận: tỉ lệ tiêm ngừa văcxin sởi (đặc biệt là mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi) đạt thấp ở nhiều địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch sởi quay lại, nhất là ở Hà Nội sau ba năm mới có bệnh nhân sởi. “Nhìn tỉ lệ của Hà Nội cho thấy có đến 40% bệnh nhân chưa tiêm phòng sởi, chưa có miễn dịch mà môi trường có mầm bệnh thì việc mắc bệnh là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, ở những trẻ đã tiêm ngừa thì hiệu quả bảo vệ của văcxin sẽ giảm sau 3-4 năm, nên rất có thể mắc bệnh sởi ở giai đoạn trẻ 4-5 tuổi mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Vì vậy mới cần tiêm mũi nhắc lại khi trẻ vào tiểu học” – GS Bảng đánh giá.

Theo báo cáo của Chương trình tiêm chủng mở rộng, từ tháng 4-2013 bệnh sởi đã xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, và tăng mạnh từ tháng 1-2014 đến nay một phần bởi tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ hai mũi văcxin không cao như khu vực đồng bằng và thành phố khác do có nhiều khó khăn về địa dư và văn hóa. Bên cạnh đó, tại khu vực thành thị và đồng bằng thời gian qua người dân quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên nhiều cha mẹ ngại không đưa con đi tiêm chủng các văcxin phòng bệnh, bao gồm cả văcxin sởi. Tỉ lệ tiêm sởi mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi đạt thấp ở nhiều tỉnh. Trong khi theo ông Hiển, tiêm ngừa văcxin mũi 1 mới đảm bảo bảo vệ phòng bệnh cho 80-85% số trẻ, nếu tiêm đầy đủ hai mũi tiêm ngừa sởi vào thời điểm trẻ 9 và 18 tháng tuổi sẽ nâng tỉ lệ trẻ được bảo vệ lên 95%.

 

Tiêm đủ văcxin vẫn bị sởi

Ngày 7-2, tại khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có 20 bệnh nhân đang nằm điều trị bệnh sởi, trong đó khoảng 1/3 là bệnh nhân ở TP.HCM.

Chị T.T.K. – mẹ của bé P.G.K (5 tuổi, H.Bình Chánh) – cho biết mồng 1 tết bé K. sốt cao, ho dữ dội. Bốn ngày sau toàn thân bé nổi ban dày đặc, ho và không hạ sốt. “Tôi đã đem con đi tiêm đủ mũi văcxin phòng sởi nhưng không hiểu vì sao bé vẫn bị bệnh” – chị K. lo lắng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh – trưởng khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết: “Chúng tôi cũng ghi nhận một số trường hợp có tiêm văcxin phòng sởi nhưng vẫn bị sởi. Đối với những trường hợp này, có thể do nhiều nguyên nhân là chất lượng văcxin, quy trình tiêm không đảm bảo, hoặc cơ địa người được tiêm có những kháng thể lạ nên không dung nạp thuốc. Tuy nhiên, điều đáng ngại là khi bác sĩ thăm khám, một số phụ huynh cho biết không dám cho con tiêm văcxin sau vụ việc hàng loạt trẻ sau khi tiêm văcxin Quinvaxem bị phản ứng nặng”.

Do lo ngại tai biến sau tiêm nên khảo sát bệnh nhân sởi đến điều trị tại các bệnh viện vừa qua, hầu hết cha mẹ các cháu đều cho biết các cháu chưa được tiêm ngừa, nhóm bệnh nhân người lớn thì không rõ về tiền sử tiêm ngừa. Theo ông Nguyễn Trần Hiển, tính chung trên bệnh nhân sởi điều trị tại bệnh viện thì có đến 80% các cháu chưa được tiêm. Số còn lại được tiêm thì hiệu quả bảo vệ của văcxin lại đạt thấp và trẻ vẫn mắc bệnh.

“Văcxin sởi là văcxin sống nên nếu nhiệt độ bảo quản không đạt, virút chết thì hiệu quả của việc tiêm văcxin cũng không đạt. Theo tôi, nên xem xét kỹ hơn trên nhóm trẻ đã được chủng ngừa về hiệu quả của văcxin, lý do vì sao tiêm chủng không phòng bệnh được, việc bảo quản văcxin, chất lượng văcxin có đạt hay không…” – GS Nguyễn Đình Bảng đề xuất.

TP.HCM: bệnh nhân sởi nhập viện tăng

Tại TP.HCM, ghi nhận của Tuổi Trẻ ở một số bệnh viện cho thấy số trẻ bị mắc sởi bắt đầu tăng mạnh những tháng cuối năm 2013 và kéo dài đến nay. Tuy số ca mắc sởi hiện nay tại TP.HCM chưa bằng đợt dịch sởi cách đây sáu năm nhưng đã có nhiều trẻ nhập viện vì bệnh sởi với biến chứng nặng phải thở oxy.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong hai năm 2011 và 2012 bệnh viện chỉ tiếp nhận 14 ca mắc sởi. Mười tháng đầu năm 2013 cũng chỉ có hai bệnh nhân sởi nhập viện điều trị, nhưng hai tháng cuối năm 2013 số ca mắc sởi tăng mạnh với 48 bệnh nhân phải nhập viện. Từ đầu năm 2014 đến ngày 7-2, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú 72 ca (59 bệnh nhân ở TP.HCM) mắc bệnh sởi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, cả năm 2012 và 2013 chỉ có 23 ca mắc sởi, nhưng từ đầu năm 2014 đến ngày 6-2 đã tiếp nhận tới 49 ca.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết từ đầu năm 2014 trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 4-6 bệnh nhi mắc sởi. Ngày 7-2, tại khoa có gần 20 trẻ phải nằm điều trị. Trong số trẻ bị sởi nhập viện từ đầu năm 2014 đến nay có sáu bệnh nhân bị sởi có biến chứng nặng viêm phổi, phải hỗ trợ hô hấp. Hầu hết bệnh nhân đều không tiêm hoặc không tiêm đủ mũi văcxin phòng sởi. Cùng kỳ năm ngoái, khoa nhiễm không ghi nhận ca sởi nào.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, khoảng 90% bệnh nhân bị sởi là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Những quận, huyện ở TP.HCM có ca mắc sởi nhiều (10 ca trở lên) là các quận 6, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Không loại trừ sẽ có các đợt bột phát dịch tiếp theo khi thời tiết chuyển qua mùa đông xuân 2013-2014. Trong tháng 1-2014, bệnh sởi vẫn còn lưu hành có ca bệnh ở tại nhà trẻ, trường mầm non.

 

 

Kiểm soát chặt bệnh sởi

Trước tình hình bệnh sởi tăng nhanh, cuối tháng 1-2014 Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã có văn bản gửi 24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện đề nghị tăng cường kiểm soát bệnh sởi. Cụ thể, phải triển khai ngay việc tăng cường tiêm văcxin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi chưa tiêm ngừa sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi theo lịch tiêm chủng; tích cực giám sát phát hiện bệnh sởi tại các phòng khám tư và phòng mạch bác sĩ ngoài giờ về bệnh nhi trên địa bàn để sớm xác định ổ dịch bột phát; phối hợp với phòng giáo dục quận huyện thông báo đến các trường mầm non, nhóm trẻ công lập và tư thục rà soát lại tình trạng tiêm văcxin phòng bệnh sởi của trẻ và thầy cô giáo…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo trong thời điểm sởi đang có dấu hiệu bùng phát, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đủ mũi văcxin phòng bệnh sởi. Biểu hiện ban đầu của sởi là sốt cao, ho rất nhiều, sổ mũi. Sau đó bệnh nhân sẽ bị phát ban ở vùng trán, lưng, ho và sốt kéo dài 8-10 ngày. Với những trẻ đi tiêu phân có máu và sốt co giật thì nên đưa đến bệnh viện ngay.

 

 

 

Sẽ xem xét có hay không cho Đà Lạt ngừng tiêm Quinvaxem

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 7-2 về báo cáo của Sở Y tế Lâm Đồng, trong đó có hỏi ý kiến Bộ Y tế về việc Trung tâm Y tế Đà Lạt đề nghị ngừng tiêm văcxin Quinvaxem do lo ngại tai biến sau tiêm, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết hội đồng khoa học về xử lý tai biến sau tiêm văcxin của Bộ Y tế sẽ xem xét đề nghị này dựa trên các chứng cứ khoa học về việc tai biến sau tiêm xảy ra ở Đà Lạt có liên quan đến văcxin Quinvaxem hay không, nguy cơ của việc ngừng tiêm văcxin…

Trước Đà Lạt, chưa có địa phương nào đề xuất việc ngừng tiêm Quinvaxem dù các tai biến sau tiêm Quinvaxem xảy ra ở nhiều địa phương và 40% ca tử vong do tai biến sau tiêm Quinvaxem là không rõ nguyên nhân.

 

 

LAN ANH – LÊ THANH HÀ – MINH MẪN