26/11/2024

Cần công khai, minh bạch

Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty sẽ phải cổ phần hóa (CPH). Các chuyên gia đánh giá đây là bước chuyển tích cực, giúp VN có hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Cần công khai, minh bạch

Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty sẽ phải cổ phần hóa (CPH). Các chuyên gia đánh giá đây là bước chuyển tích cực, giúp VN có hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Công nhân Hoàng Thị Ánh Mai trên công đoạn ráp áo xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi thuộc Tập đoàn Dệt may VN – một trong những doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa – Ảnh: Thanh Đạm 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về chủ trương CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Bùi Văn Dũng – trưởng ban đổi mới phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), người trực tiếp tham gia soạn thảo và được Bộ Kế hoạch – đầu tư giao chủ trì tiếp nhận ý kiến góp ý nhiều nghị định (như nghị định về tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nghị định về bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) – cho biết thời gian tới VN sẽ tiến hành CPH rất mạnh.

Theo ông Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã công bố từ nay đến năm 2015 sẽ CPH 500 DNNN, trong đó không chỉ CPH các công ty con mà sẽ CPH cả công ty mẹ như công ty mẹ Tập đoàn Dệt may VN, hay những tên tuổi lớn sẽ thuộc diện phải CPH đã công bố có cả Tổng công ty Hàng không VN…

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi sẽ không còn 100% vốn nhà nước

 

“Đảng, Nhà nước đã xác định CPH là trọng tâm, nên với các đối tượng Nhà nước không cần nắm giữ vốn, nếu không CPH được sẽ bán”

Ông Bùi Văn Dũng

 

Ông Bùi Văn Dũng từ chối cung cấp cụ thể nhưng khẳng định hiện danh sách các DNNN phải CPH, với thời điểm, lộ trình, tỉ lệ bán vốn… đã có sẵn.

Tuy nhiên, có nhiều cơ quan có thẩm quyền cho rằng việc công bố sớm có thể ảnh hưởng đến thị trường và bản thân cán bộ nhân viên doanh nghiệp, nên danh sách cụ thể sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp và sau khi công bố sẽ triển khai ngay.

Ông Bùi Văn Dũng nhấn mạnh rất nhiều tổng công ty, DNNN lớn, có tên tuổi sẽ nằm trong danh sách phải CPH từ nay đến năm 2015.

Theo ấn phẩm chuyên đề về CPH mới đây của công ty luật nước ngoài đầu tiên ở VN Fraser – chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư… – thì hàng loạt tên tuổi lớn sẽ CPH (đã được đề xuất) cũng được ghi nhận gồm: Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN, Tập đoàn Hóa chất, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Ximăng…

Đáng lưu ý, các tổng công ty điện lực cũng nằm trong danh sách CPH, như Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam… Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thuộc diện phải CPH như: Tổng công ty Lắp máy, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng…

Theo ông Bùi Văn Dũng, việc Thủ tướng công bố sẽ xử lý các lãnh đạo doanh nghiệp nào không chịu CPH đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ. Riêng đối với những doanh nghiệp có yếu kém, CPH nhưng không được, ông Bùi Văn Dũng cho biết hướng sẽ được bán toàn bộ vốn nhà nước. “Đảng, Nhà nước đã xác định CPH là trọng tâm, nên với các đối tượng Nhà nước không cần nắm giữ vốn, nếu không CPH được sẽ bán” – ông Dũng nói.

Coi chừng nguy cơ mất tài sản nhà nước

Theo TS Nguyễn Sơn – Viện Kinh tế và chính trị thế giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN), CPH sẽ giúp các DNNN công khai, minh bạch hơn, chi tiêu chặt chẽ hơn vì sẽ có sự giám sát của các cổ đông khác. Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu Nhà nước vẫn nắm trên 51% vốn thì ban quản trị doanh nghiệp cơ bản vẫn vậy, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn Nhà nước bổ nhiệm, cách chi tiêu vẫn vậy… và chưa thật sự thay đổi được gốc gác vấn đề hiệu quả doanh nghiệp.

“Muốn thay đổi hiệu quả một doanh nghiệp, Nhà nước cần phải trao cho phần vốn thị trường quyết vấn đề nhân sự, chiến lược… còn cổ đông nhỏ chỉ có thể tham gia “tí chút”, khó có thể thay đổi được gì” – ông Sơn nói. Khi đó, các nguồn vốn tham gia mua cổ phần nhà nước tại các DNNN, theo ông Sơn, sẽ chủ yếu nhắm vào vị thế thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, hoặc giá cổ phiếu được định thấp hơn giá trị thực – như thế lại có nguy cơ mất tài sản nhà nước.

Theo PGS.TSKH Nguyễn Quang Thái – phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, CPH chỉ là một giải pháp, vấn đề lớn là làm sao nâng cao hiệu quả, quản trị, gắn với hội nhập quốc tế…

Theo ông Thái, không nhất thiết Nhà nước phải giữ 51% vốn, hoặc nhiều lĩnh vực là 65-75% vốn mới kiểm soát được doanh nghiệp. Cần tính toán giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước nắm trên 51% vốn vì chỉ cần xây dựng cơ chế “cổ phiếu vàng” thì ngay cả khi chỉ giữ 20% vốn, Nhà nước vẫn đủ quyền phủ quyết các quyết định quan trọng của doanh nghiệp (không đúng hướng nhà nước – PV)…

“Nếu điều lệ doanh nghiệp ghi rõ trường hợp quyết các vấn đề quan trọng như thay đổi điều lệ, bán bớt cổ phần, thay đổi mục đích hoạt động doanh nghiệp… phải được sự đồng ý của tối thiểu 81% vốn thì chỉ cần 20% cũng đủ kiểm soát rồi” – ông Thái nói và cho biết nhiều nước đã thực hiện cơ chế trên và “không nước nào định ra mức phải giữ 65% vốn mới chi phối được doanh nghiệp cả”…

Ông Bùi Văn Dũng và ông Nguyễn Quang Thái đều cho rằng CPH sắp tới dù thúc đẩy nhanh cũng cần công khai, minh bạch. Theo ông Dũng, các doanh nghiệp đã niêm yết thì khi Nhà nước bán thêm vốn ra, giá cổ phần sẽ theo giá thị trường, khó có khả năng tham nhũng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp chưa niêm yết, không loại trừ khả năng “họ có thể lách luật”. Vì vậy, khi bán cổ phần cần cho đấu giá công khai và theo ông Nguyễn Quang Thái, “cần thông báo trước ít nhất 1-2 tháng”…

C.V.KÌNH