16/01/2025

Mỹ liên tiếp phản ứng ADIZ và “đường 9 đoạn” của Trung Quốc

Trong một động thái khá lạ thường, các quan chức và nghị sĩ Mỹ liên tục lên tiếng về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong khu vực.

Mỹ liên tiếp phản ứng ADIZ và “đường 9 đoạn” của Trung Quốc

Trong một động thái khá lạ thường, các quan chức và nghị sĩ Mỹ liên tục lên tiếng về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong khu vực.

Tập trận trên biển của tàu sân bay USS George Washington của Mỹ – Ảnh: Reuters 

Người phụ trách cao nhất chính sách về Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel đã lên tiếng chỉ trích “đường chín đoạn” của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong phiên điều trần tại quốc hội hôm 5-2, ông Russel nói “ngày càng quan ngại” về cách thức hành xử của Trung Quốc tại khu vực. Ông chỉ trích việc leo thang “tăng dần” nhằm chiếm vùng biển “bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng”.

Phải chơi theo luật quốc tế

 

“Bất cứ tuyên bố quyền hàng hải nào mà không căn cứ vào các điểm đất, đảo, đá (cụ thể) thì đều không đúng với luật quốc tế”

Ông Daniel Russel

 

Trung Quốc đã đơn phương đưa ra “đường chín đoạn”, theo cách thể hiện trên bản đồ thì chiếm gần như toàn bộ diện tích 3,5 triệu km2 trên biển Đông, mà không hề đưa ra giải thích căn cứ nào. Theo ông Russel, Trung Quốc nên làm rõ “đường chín đoạn” đó là dựa trên các điểm đất, đảo, đá cụ thể nào. Nếu không làm rõ được thì Trung Quốc phải “điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền của mình cho đúng với luật quốc tế về biển”.

Mỹ vẫn luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng trong buổi điều trần, ông Russel cho biết các tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc tạo ra sự “không rõ ràng, thiếu an ninh và bất ổn” đối với các nước láng giềng. Cũng trong bài phát biểu, ông Russel bày tỏ sự ủng hộ việc Philippines đưa vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì đó là nỗ lực tìm giải pháp một cách “hòa bình, không dọa nạt”.

Nhà ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích việc Trung Quốc gia tăng hành động kiểm soát tại vùng biển đang tranh chấp và nêu ra một số sự việc mà ông coi là “gây thêm căng thẳng”. “Các hành động này bao gồm hạn chế quyền tiếp cận đối với bãi Scarborough và việc đưa ra thêm luật về đánh bắt cá ở các vùng tranh chấp trên biển Đông (mới đây)”. Ông Russel nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là các hành vi này gây thêm căng thẳng ở khu vực và đẩy thêm lo ngại về các mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc”.

Trong bài phát biểu, ông Russel cũng nêu quan ngại về hành động của Trung Quốc tại biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) – hành động mà nhà ngoại giao Mỹ gọi là “bước đi sai đường” và cảnh báo Trung Quốc không được lập các ADIZ ở những nơi khác. “Chúng tôi không thừa nhận và không chấp nhận tuyên bố ADIZ của Trung Quốc. Phía Mỹ không có ý định thay đổi cách vận hành ở khu vực. Chúng tôi nói rõ với phía Trung Quốc là họ không nên triển khai ADIZ và không nên có hành động tương tự ở các khu vực khác”.

Áp lực với chính quyền

Trước đó một ngày, trong cuộc điều trần về các mối đe dọa trên thế giới tại ủy ban tình báo Hạ viện, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng chỉ trích Trung Quốc là “hung hăng” trong việc khẳng định sự bành trướng của mình tại khu vực.

Theo CBS News, ông Clapper nhận định Trung Quốc đã tỏ ra hết sức quan ngại về chính sách “tái cân bằng” của Mỹ về châu Á. Ông cũng cảnh báo quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc diễn ra trong tất cả các lĩnh vực và một ngày không xa nước này sẽ vươn ra chứng tỏ quyền lực của mình trên toàn cầu. “Người Trung Quốc đang rất mạnh bạo trong việc khẳng định cái mà họ tin là danh phận lịch sử của họ trong khu vực” – ông Clapper đánh giá.

Theo người đứng đầu ngành tình báo Mỹ, các bất đồng xung quanh biển đảo và nguồn năng lượng, nhất là ở biển Đông, có thể trở thành nguồn xung đột.

Trong khi đó, người đứng đầu phe Dân chủ tại ủy ban tình báo Hạ viện, nghị sĩ C. A. “Dutch” Ruppersberger, chỉ trích nặng nề hơn khi gọi việc Trung Quốc áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông là sự sỉ nhục đối với luật pháp quốc tế.

Còn nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Chabot, chủ tịch Tiểu ban châu Á ở Hạ viện, theo AFP, thì chỉ trích chính quyền Obama đã gửi tín hiệu “không rõ ràng” khiến Trung Quốc mạnh bạo hơn. “Đã đến lúc chính quyền cần đi xa hơn những tuyên bố và tìm

cách trấn an khu vực rằng Mỹ sẽ hiện diện ở đó và tương lai của Mỹ ở châu Á là mạnh mẽ, chắc chắn và tuyệt đối” – nghị sĩ Chabot nhấn mạnh.

THANH TUẤN