Gieo mầm “Làng thần kỳ” tại Đà Lạt
Dự án sản xuất rau quả Nhật, còn gọi là “Làng thần kỳ”, trên đất Đà Lạt đang trở thành hiện thực khi những hạt giống đầu tiên đã được gieo xuống vào cuối tháng 1-2014.
Gieo mầm “Làng thần kỳ” tại Đà Lạt
Từ phải sang: ông Hironori Tsuchiya, anh Takaya Hanaoka và kỹ sư Công ty An Phú Đà Lạt bàn kế hoạch đưa giống xà lách Mỹ từ vườn ươm ra ruộng - Ảnh: Mai Vinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hironori Tsuchiya – giám đốc đại diện Quỹ đầu tư HT Capital tại VN, nơi làm cầu nối đưa dự án về VN – cho biết:
>> Đà Lạt: tìm đất lập “làng thần kỳ”
Ông Hironori Tsuchiya – Ảnh: M.V. |
– Công ty Lacue của “Làng thần kỳ” Kawakami – Nhật Bản và Công ty An Phú Đà Lạt đã bắt đầu trồng thử nghiệm trên 5.000m2 đất với 800 hạt giống xà lách Mỹ. Công nghệ gieo trồng theo tiêu chuẩn Nhật, với sự hướng dẫn của kỹ thuật viên người Nhật, dự kiến sau 70 ngày sẽ thu hoạch.
Theo phương pháp canh tác truyền thống ở VN, thời gian thu hoạch là 42 ngày sau khi gieo hạt, nhưng ở Nhật chúng tôi kéo dài 70 ngày để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, tinh chất cao.
Do vậy, đầu tháng 4 chúng tôi sẽ thu hoạch sản phẩm đầu tiên này và tiếp tục triển khai trồng xà lách Mỹ đại trà tại Đà Lạt.
* Vì sao Quỹ đầu tư HT Capital lại đưa dự án này về VN, thưa ông?
– Chúng tôi nghiên cứu khá lâu và nhận thấy rằng VN là nước nông nghiệp, nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp ở VN vẫn chưa phát triển theo đúng tiềm năng, đặc biệt là chất lượng các sản phẩm nông nghiệp rau quả của VN chưa cao. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm cầu nối đưa các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp vào VN. Các hãng xe hơi, đi
ện tử lớn của Nhật đã có ở VN, thì không lý nào các thương hiệu uy tín về nông nghiệp của Nhật không có chỗ đứng tại VN.
* Hiện đã có nhiều loại rau quả ở nước ngoài nhập vào VN, trong đó có cả Nhật. Cuộc cạnh tranh hẳn sẽ rất quyết liệt?
– Đúng là có nhiều công ty nước ngoài đã xuất khẩu sản phẩm rau quả vào VN, nhưng đây là cách làm mới của chúng tôi (trồng và cung cấp sản phẩm ngay tại VN). Mới đây, có thông tin Chính phủ Nhật cho phép xuất khẩu xà lách sang VN nhưng do khí hậu ở Nhật chỉ có thể thu hoạch sản phẩm này trong bốn tháng, tám tháng còn lại (mùa đông) thì lấy đâu ra mà xuất khẩu?
Khí hậu Đà Lạt cho phép chúng tôi cung cấp rau quả quanh năm, với phương châm trồng rau “tươi – an toàn – yên tâm”, chúng tôi tin chắc sẽ cạnh tranh được.
* Triển vọng của dự án trong tương lai sẽ như thế nào, thưa ông?
– Chúng tôi dự định cung cấp rau quả theo công nghệ mới không chỉ ở thị trường VN, Nhật Bản mà còn mở rộng cung ứng cho cả các nước trong khu vực châu Á. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cho người dân, mà còn nâng cao uy tín của Đà Lạt nói riêng và VN nói chung với thế giới.
Khi VN tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điểm mạnh về sản phẩm nông nghiệp cần được phát huy.
Vì vậy ngoài xà lách Mỹ, chúng tôi đang khảo sát đất, nghiên cứu công nghệ để có thể đưa đầu tư gieo trồng 4-5 loại rau quả khác của Nhật trên đất Đà Lạt. Dự án của chúng tôi hiện đã được nhiều giới chức ở Nhật quan tâm, theo dõi.
Đầu tháng 4, khi thu hoạch thử nghiệm lứa rau đầu tiên sẽ có đại diện cơ quan của Chính phủ Nhật, Đài truyền hình NHK, báo chí Nhật cùng các doanh nghiệp sang chứng kiến, thẩm định và đưa tin. Chúng tôi nghĩ cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước Việt – Nhật sẽ mở ra rất nhiều từ dự án này.
Cần nói thêm đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp, cho nên trước mắt chúng tôi mang công nghệ, chuyên gia sang nhưng về lâu dài chúng tôi sẽ đưa nông dân trẻ của VN sang học ngay tại “Làng thần kỳ” của Nhật.
Họ không chỉ học về kỹ thuật gieo trồng mà quan trọng là học về tinh thần, cốt cách văn hóa, phương pháp làm việc của người Nhật để về triển khai thực hiện dự án tại VN.
VÕ HỒNG QUỲNH thực hiện
Xà lách Mỹ trồng tại Đà Lạt Đến chiều 6-2, thông tin từ Công ty An Phú Đà Lạt, 60.000 cây giống xà lách Mỹ do đại diện Công ty sản xuất nông sản Lacue (Nhật Bản) phối hợp với Công ty An Phú Đà Lạt ươm để sản xuất xà lách Mỹ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nhằm xuất khẩu trực tiếp sang các nước châu Âu và châu Á phát triển tốt. Dự định đến ngày 15-2, các kỹ sư nông nghiệp của Nhật Bản sẽ cùng với Công ty An Phú Đà Lạt xuống giống, chính thức khởi động áp dụng công nghệ nông nghiệp của “Làng thần kỳ” Kawakami (Nhật Bản) tại Đà Lạt. Trước đó vào cuối tháng 1-2014, đại diện Công ty sản xuất nông sản Lacue đã đến Đà Lạt phối hợp với Công ty An Phú Đà Lạt ươm giống và xử lý đất. Khu đất đầu tiên được chọn để trồng xà lách Mỹ theo chuẩn Nhật Bản nằm ở Đạ Nghịt (Lạc Dương, Lâm Đồng). Trước đó, vùng đất này trồng hành tây, cải bó xôi và khoai tây. Như báo Tuổi Trẻ (29-11-2013) đã đưa tin, cuối tháng 11-2013, thông qua sự kết nối của Quỹ đầu tư HT Capital tại VN, Công ty sản xuất nông sản Lacue đã đến Đà Lạt phối hợp với Công ty An Phú Đà Lạt lập dự án sản xuất rau xà lách Mỹ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Công ty Lacue là công ty sản xuất rau của làng Kawakami (huyện Minamisaku, tỉnh Nagano) nằm ở phía tây Tokyo, Nhật Bản. Đây là ngôi làng có khí hậu, độ cao tương đồng nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ bằng 1/4 Đà Lạt. Làng được người Nhật trân trọng gọi là “Làng thần kỳ” bởi sau hơn 20 năm tập trung toàn lực cho nông nghiệp công nghệ cao áp dụng trên rau xà lách Mỹ, ngôi làng ấy trở thành giàu có hàng đầu tại Nhật với thu nhập trung bình 250.000 USD/hộ/năm dù chỉ sản xuất nông nghiệp được bốn tháng mỗi năm (từ tháng 6 đến tháng 10), mỗi năm mang về cho làng số tiền 150 triệu USD. Takaya Hanaoka, đại diện Công ty Lacue, là người thực hiện những công đoạn đầu tiên để xuống giống xà lách Mỹ theo chuẩn Nhật Bản tại Đà Lạt. Hanaoka xuất hiện giữa thung lũng Đạ Nghịt như một người nông dân thực thụ. Anh xắn tay áo thị phạm cho công nhân Công ty An Phú Đà Lạt thực hiện tất cả công đoạn từ cày đất, trải nilông, trộn đất ươm giống. Tại khu vực vườn ươm, Hanaoka là kỹ thuật viên cùng các kỹ sư đối tác bỏ từng hạt giống li ti lên vỉ ươm và lập kế hoạch đưa cây giống ra vườn, tính toán luôn cả ngày thu hoạch. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Hanaoka cười: “Tại làng Kawakami, sản xuất nông nghiệp thì tất cả là nông dân, kể cả người điều hành. Sau khi làm xong vai trò nông dân với cộng sự của mình, tôi trở lại với công việc nặng nhọc không kém là lập kế hoạch sản xuất và tìm kiếm thị trường”. MAI VINH |