23/01/2025

Cuộc chạy đua chiến tranh không gian

Mỹ đang nỗ lực tìm cách bảo đảm an toàn cho các vệ tinh chiến lược của nước này trước nguy cơ chiến tranh không gian trong tương lai.

 

Cuộc chạy đua chiến tranh không gian

Mỹ đang nỗ lực tìm cách bảo đảm an toàn cho các vệ tinh chiến lược của nước này trước nguy cơ chiến tranh không gian trong tương lai.

 

Cuộc chạy đua chiến tranh không gian
Mô phỏng một vệ tinh cảnh báo của Mỹ trong không gian – Ảnh: RT

 

Theo Đài CBS, tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đầu tuần này, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết một số nước đang theo đuổi những khả năng chiến tranh không gian và Washington đang xúc tiến “những hành động thích hợp” để đối phó với mối đe dọa ấy. Trước đó không lâu, Tư lệnh Bộ Chỉ huy không gian của không quân Mỹ William Shelton nhận định các vệ tinh quân sự chiến lược của Mỹ dễ bị tấn công trong một cuộc chiến tranh không gian trong tương lai. Vì vậy, để khỏi phải chịu thất thế trong cuộc chiến như vậy, Washington nhất thiết phải xem xét lại chiến lược phát triển vệ tinh. 

Mối lo Trung Quốc

Cũng tại cuộc điều trần trên, giới chức Ủy ban Tình báo Hạ viện đã đặt vấn đề liệu Trung Quốc có thể đe dọa các hệ thống vệ tinh của Mỹ hay không. Trang tin Washington Free Beacon dẫn lời tướng Shelton cho biết Bắc Kinh hiện có một loại tên lửa có thể phá hủy các vệ tinh quân sự và dân sự của Washington. Ông cũng cảnh báo các vệ tinh Mỹ còn phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ những vũ khí không gian và mảnh vỡ đang di chuyển với tốc độ cao trên quỹ đạo.

Trong những thập niên qua, vệ tinh đã cách mạng hóa cách tác chiến hiện đại và tạo ra một bước chuyển dịch to lớn về đặc tính của các lực lượng quân sự, từ những đơn vị bộ binh hùng hậu sang những lực lượng chú trọng tốc độ và linh hoạt. Các vệ tinh quân sự được ưu tiên nhất của Mỹ chính là những vệ tinh cung cấp, duy trì thông tin liên lạc và cảnh báo tên lửa. Một hệ thống như thế hiện có giá khoảng 1 tỉ USD.

Việc Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Hằng Nga-3 để đưa xe thám hiểm tự hành Thỏ Ngọc lên mặt trăng hồi tháng 12.2013 đã thể hiện một chương trình không gian đầy tham vọng. Tân Hoa xã cho biết đây là những bước đầu tiên của Bắc Kinh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng trạm nghiên cứu trên mặt trăng vào năm 2020. Tuy nhiên, theo trang tin Breitbart, giới quan sát lo ngại khoảng cách từ trạm nghiên cứu đến một căn cứ quân sự không phải là quá xa. Việc phóng thành công Hằng Nga-3 chứng tỏ Trung Quốc có dư khả năng phóng tên lửa mang nhiều đầu đạn cùng tấn công một nhóm mục tiêu. Theo giới chức quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang chế tạo các vũ khí chống vệ tinh rất đa dạng, từ tên lửa phóng từ mặt đất tiêu diệt vệ tinh trong quỹ đạo đến thiết bị laser, thiết bị gây nhiễu điện tử, tấn công mạng…

Trong báo cáo thường niên mới nhất, Ủy ban Thẩm định an ninh và kinh tế Mỹ – Trung tiết lộ Bắc Kinh gần đây đã thử nghiệm loại tên lửa chống vệ tinh ở quỹ đạo cao. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mong muốn phát triển khả năng chống vệ tinh ở độ cao mà hiện nhiều hệ thống vệ tinh đa dạng của Mỹ bao gồm Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cùng những vệ tinh tình báo và quân sự đang hoạt động. Giới chức quốc phòng Mỹ hồi tháng 1.2013 cũng tiết lộ Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh cơ động cỡ nhỏ, bao gồm một vệ tinh được trang bị cánh tay máy, có thể bắt giữ hoặc phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo. 

Đối sách của Mỹ

Nhằm bảo vệ tốt hơn các vệ tinh chiến lược trong một cuộc xung đột tiềm tàng, Mỹ đang nghiên cứu những cách thức mới nhằm tái cấu trúc các hệ thống vệ tinh, bên cạnh nỗ lực đàm phán và răn đe đối phương không được tấn công các hệ thống này. Trọng tâm mới mà tướng Shelton đề xuất là thay các vệ tinh lớn và tốn kém bằng số lượng lớn các hệ thống nhỏ và đơn giản hơn, vốn phù hợp với các khoản ngân sách ngặt nghèo hiện tại. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng cách thức vận hành vệ tinh mới. Trong một cuộc thử nghiệm gần đây, quân đội Mỹ đã trang bị thiết bị cảm biến cảnh báo tên lửa cho các vệ tinh thương mại. Theo tướng Shelton, cuộc thử nghiệm đã đem lại kết quả rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ông Richard Fisher, một chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc cho rằng đề xuất của tướng Sheldon dựa trên hình thức phòng thủ bị động. Ngược lại, Trung Quốc đang cấp tập xây dựng năng lực tác chiến không gian mang tính tấn công và chủ động. Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia này, Mỹ phải phát triển các hệ thống không gian quân sự chủ động nhằm ngăn chặn Trung Quốc. “Mỹ cần nhiều hệ thống chống vệ tinh, có thể được phóng từ các thiết bị trên mặt đất, trên biển và trên không”, ông Fisher nhấn mạnh. Trong khi đó, tờ The Diplomat dẫn lời chuyên gia Forrest Morgan thuộc Tổ chức Nghiên cứu RAND nhận định Mỹ nên cải thiện cái mà ông gọi là “ý thức tình hình không gian”, tức khả năng theo dõi và nắm rõ những vật thể trong quỹ đạo nếu muốn giành thế thượng phong trong “chiến trường vũ trụ”.

Hiện trong cuộc chạy đua nắm quyền kiểm soát vũ trụ, Mỹ đang có trong tay “át chủ bài” là tàu không gian không người lái X-37B. Đến nay, dù đã hoạt động trong không gian được 1 năm, nhưng nhiệm vụ và chức năng của tàu này vẫn còn là bí mật. Theo trang tin Space.com, tàu X-37B có thể cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng thay thế những vệ tinh bị tiêu diệt trong trận chiến không gian. Một số chuyên gia khác thì cho rằng nó có thể được dùng để do thám các trạm không gian của đối phương, đặc biệt là Trung Quốc.

Trùng Quang