11/01/2025

Tàu ngàn mã lực vươn ra khơi xa

Xuân này, con tàu gỗ hơn ngàn mã lực lớn nhất miền Trung lại vươn ra biển khơi cùng chàng thuyền trưởng 29 tuổi. Một con tàu sắt khác cũng đang được chàng thuyền trưởng trẻ tuổi này hùn vốn đóng để tiếp tục ra khơi xa…

Tàu ngàn mã lực vươn ra khơi xa

Xuân này, con tàu gỗ hơn ngàn mã lực lớn nhất miền Trung lại vươn ra biển khơi cùng chàng thuyền trưởng 29 tuổi. Một con tàu sắt khác cũng đang được chàng thuyền trưởng trẻ tuổi này hùn vốn đóng để tiếp tục ra khơi xa…

Lê Văn Sang – thuyền trưởng của tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung với công suất gần 1.200CV – Ảnh: Đ.Cường 

Thoạt nhìn Lê Văn Sang (P.Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) khó ai nghĩ chàng trai 29 tuổi này đang “cầm cương” con tàu hậu cần nghề cá có công suất gần 1.200 mã lực lớn nhất miền Trung. Khi gặp Sang, người ta có thể nhầm anh với một sinh viên hoặc một nhân viên công sở bởi thân hình khá mảnh dẻ, giọng nói nhè nhẹ của người Huế chứ không phải kiểu ăn sóng nói gió của dân miền biển…

Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, Sang cũng tất bật chạy đôn đáo mà như anh đùa là năm ngựa nên phải chạy nhảy mới đúng bài. Sang vừa chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu năm, vừa ấp ủ một niềm vui lớn lao. Sang hớn hở nói: “Mình đang đóng tàu sắt ở Cam Ranh. Con tàu sẽ đi xuyên trăng trên biển”.

Từ say sóng thành thuyền trưởng

 

Cần khuyến khích những người như Sang

Đó là nhận định của ông Trần Văn Lĩnh – quyền chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng – về thuyền trưởng Lê Văn Sang. Theo ông Lĩnh, tàu cá công suất vượt trội, vươn khơi xa của Sang đã tạo bước ngoặt cho hậu cần nghề cá của Đà Nẵng. “Ngư dân không chỉ kiếm sống trên biển, mà họ chính là cột mốc sống thể hiện chủ quyền lãnh thổ nước ta trên biển, là tai mắt của chính quyền trong vấn đề bảo vệ chủ quyền. Nên những người như Sang cần được khuyến khích, động viên hơn nữa” – ông Lĩnh cho hay.

 

Nhà Sang có năm anh em thì chỉ có em trai thứ theo nghiệp biển của cha, còn mỗi người đều chọn cho mình một nghề nghiệp trên phố. Sang cũng vậy, theo học hệ cao đẳng ở TP.HCM, ra trường năm 2008 thì về Đà Nẵng và đi làm ở công ty tổ chức sự kiện.

“Lúc đó mình chưa nghĩ biển là nghiệp đâu. Đơn giản là lúc nhỏ đi tàu cá với ba ra khơi chừng 60 hải lý, mới mua được 1/5 lượng hải sản thì mình say sóng ói ra mật xanh mật vàng, ba tức tốc bẻ bánh lái cho tàu vào bờ. Chuyến đó tàu cá lỗ nặng. Say sóng thì không thể lấy nghiệp biển là của mình được” – Sang cười khi nói về những ngày trước.

Nhưng cơ duyên nghề biển đến với Sang lại quá ngẫu nhiên. Ngày 1-5-2010, Sang được nghỉ làm nhân Ngày quốc tế lao động và anh lại xin ba đi biển để giải khuây. Trên con tàu 320CV, Sang lênh đênh ba ngày trên biển cùng ba. Điều khiến Sang vui nhất là anh không hề bị say sóng, nhưng cũng chính chuyến đi đó Sang thấy cảnh ba vất vả làm lụng, quần quật khiêng từng cây nước đá, gồng mình với giỏ hải sản. “Bước ngoặt cho mình đến với biển, với những con tàu chính từ ngày đó” – Sang chia sẻ.

Tay ngang vào nghề cá, Sang làm lại từ đầu. Năm 2011, anh học lớp máy trưởng hạng 4, tiếp năm 2012 anh học xong bằng thuyền trưởng hạng 4 để lái tàu có công suất từ 400CV trở lên. Lúc này hậu cần nghề cá của miền Trung còn chưa phát triển. Tàu cá của gia đình chỉ 320CV, công suất thấp nên chỉ mua được ít hải sản, tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt cho tàu bạn cũng thấp. Có khi tàu bạn đánh được nhiều cá nhưng tàu của nhà Sang chỉ mua được một ít là đã đầy khoang.

Sang ấp ủ và chuẩn bị tiềm lực suốt hai năm để đóng con tàu hậu cần nghề cá với công suất 1.160CV. Để có con tàu ngàn mã lực này, Sang quyết định mang sổ đỏ nhà đi cầm cố ngân hàng được hơn 1 tỉ đồng mới có vốn đóng tàu. Có tiền, Sang thuê doanh nghiệp ở Bình Định làm thiết kế, còn mình ngược ra Huế, Quảng Bình mua gỗ, rồi vô TP.HCM đặt mua máy chạy. “Đó là giai đoạn quá mệt nhọc nhưng cả gia đình đều rất hứng khởi chờ con tàu trong mơ của mình” – Sang vui vẻ nói.

Ngày 31-5-2012, tàu ĐNa 90444 chính thức hạ thủy trong niềm vui sướng không chỉ của Sang mà của cả Đà Nẵng, cả ngư dân miền Trung. Tàu có chiều dài 26m, rộng 6m, 27 khoang chứa với tổng thể tích 120m3, tốc độ 10-12 hải lý/giờ, có thể chứa 5.000-7.000 lít dầu, 1.200-1.500 cây đá lạnh, 20 tấn lương thực, nước uống… và có thể hoạt động trong điều kiện gió bão cấp 7-8. Chi phí đóng tàu hơn 3 tỉ đồng. Ngày 7-6-2012, tàu ĐNa 90444 hùng dũng vươn khơi tiến ra ngư trường Hoàng Sa tham gia chuyến đi biển đầu tiên.

Sang tâm sự: “Mình tham gia ngay vào tổ dịch vụ hậu cần có bốn tàu cá. Trước đây, ra biển gặp tàu Trung Quốc nhiều lúc cũng ớn lắm, họ có tàu sắt, tàu gỗ thì công suất lớn khiến tàu cá của mình cũng ngại. Nay mình có tàu hơn ngàn mã lực nên tự tin hơn rất nhiều. Lại đi theo tổ, đội sẵn sàng tương trợ nhau trên biển nên cứ thẳng ra ngư trường xa” – Sang khẳng định.

 

Thuyền trưởng Lê Văn Sang trên tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung với công suất gần 1.200 CV – Ảnh: Đoàn Cường

 

Đến tàu sắt đi xuyên trăng

Vừa mới trả xong phần nợ của con tàu khủng ngàn mã lực, Sang đã bắt tay vào làm một chiếc tàu sắt đầu tiên của khu vực.

Ngày 8-1, hai chiếc tàu sắt đầu tiên đã được khởi công đóng tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong đó một tàu do Sang cùng anh vợ là ngư dân Phan Bé (Quảng Ngãi) hùn vốn để đóng. Con tàu có công suất 830CV, vừa hành nghề lưới rút chì (lưới vây ánh sáng) vừa kiêm tàu hậu cần nghề cá do Nhà nước hỗ trợ một phần vốn (tàu có trị giá 8 tỉ đồng, Nhà nước cho vay 6 tỉ đồng trả dần trong 10 năm, Sang và anh vợ góp 2 tỉ đồng), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiết kế và đóng. Ngồi bên bờ cảng Thuận Phước, giọng Sang chợt vui hẳn: “Đây sẽ là con tàu lịch sử một khi nó được đưa vào hoạt động. Mình rất kỳ vọng vào tàu sắt này sẽ là một bước đột phá của nghề đi biển. Ngư dân mình sẽ vững vàng ở những ngư trường xa xôi, không phải e dè tàu cá của những nước khác”.

Sang chỉ vào chiếc tàu gỗ hơn 1.000 mã lực đang neo ở âu thuyền rồi nói: “Chiếc tàu này thuộc hàng khủng rồi, nhưng nếu đem so với tàu sắt thì khập khiễng lắm”. Theo Sang, tàu sắt với trang thiết bị hiện đại, dài 26m, rộng 7,5m, tải trọng 182 tấn, với 25 thuyền viên. Nếu so với các tàu của Trung Quốc thường có tải trọng 120-150 tấn thì không ngán. Sang tâm sự: “Với công suất, sức chứa như vậy, tàu sắt có thể “đi xuyên trăng” liên tục trên biển 45 ngày, tức trăng của tháng này đến trăng của tháng kế tiếp. Đó là chưa kể nếu tàu chỉ thực hiện việc hậu cần thì có thể đi suốt hai tháng trời trên biển. Bốn tháng nữa tàu sẽ hoàn thành. Có con tàu như vậy thì quá tự tin khi vượt sóng xa khơi rồi”.

 

 

Phiên chợ trên biển

Ngày 7-6-2012 đã trở thành một cột mốc cho nghề hậu cần đánh bắt của miền Trung. Cưỡi con tàu ngàn mã lực đi chuyến đầu tiên ấy, Sang mang theo 1.200 cây đá, 5m3 nước ngọt để cung ứng cho các tàu bạn. Khi ra vị trí cách Đà Nẵng hơn 100 hải lý, Sang dùng Icom thông báo cho các tàu bạn: “Tàu hậu cần đã mang đá, nước ngọt ra. Tàu bạn có nhu cầu xin thông báo lại”. Sau những cuộc điện đàm, Sang tăng ga cho tàu đến tiếp tế hàng hóa cho các tàu bạn.

“Nhiều tàu bạn ở xa quá, vậy là trước chuyến đi mình gọi qua Icom thông báo tọa độ. Sau đó các tàu bạn sẽ đến điểm hẹn như một phiên chợ. Mình bán đá lạnh, nước, nhu yếu phẩm, còn tàu bạn bán cá, hải sản. Sau đó tàu bạn tiếp tục đi biển” – Sang cho biết. Phiên chợ đầu tiên trên biển Đông đó, tàu của Sang đã mua được gần 30 tấn hải sản của các tàu từ khắp Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ngãi…

 

ĐOÀN CƯỜNG