26/11/2024

Sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết năm 2014 xuất khẩu gạo của các cường quốc xuất khẩu gạo Thái Lan, Ấn Độ lẫn VN sẽ còn khó khăn. Tuy nhiên, VFA vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, cao hơn năm 2013.

Sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết năm 2014 xuất khẩu gạo của các cường quốc xuất khẩu gạo Thái Lan, Ấn Độ lẫn VN sẽ còn khó khăn. Tuy nhiên, VFA vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, cao hơn năm 2013. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phong nói: 

– Khủng hoảng thừa lương thực đã được VFA cảnh báo từ năm 2011 và đến nay thể hiện rất rõ. Điều dễ hiểu là các nước thường phải nhập khẩu gạo đều nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực nên nước nào cũng tập trung sản xuất để chủ động lương thực và giảm nhập khẩu. Philippines, Indonesia, Malaysia… trước đây nhập khẩu gạo rất lớn, nhưng gần đây giảm sản lượng nhập, thậm chí nhiều thời điểm không nhập vì chủ động được lương thực.

 

Hiện nay cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ còn tồn kho 26,5 triệu tấn, trong đó 50% là gạo thương mại. Nước đứng thứ nhì là Thái Lan cũng tồn kho tới 15 triệu tấn gạo thương mại. Dù không muốn nhưng VN buộc phải tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị trường và giá xuất khẩu với Thái Lan và Ấn Độ.

* Như vậy dựa vào cơ sở nào mà VFA đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, tức cao hơn cả năm 2013 trong khi hàng loạt khó khăn đang ở trước mắt, thưa ông?

– Năm 2013 VFA phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu đến năm lần. Ban đầu cũng đặt chỉ tiêu 7 triệu tấn nhưng cuối cùng điều chỉnh còn 6,5 triệu tấn. Kết quả là xuất được hơn 6,6 triệu tấn. Có một số điểm sáng mà chúng ta đã làm được là sản lượng gạo thơm xuất khẩu tăng rất cao so với kế hoạch, đạt gần 1 triệu tấn. Điều này cho thấy hiệu quả của chủ trương khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm của VFA và Bộ NN&PTNT là đúng. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ gạo VN cũng tăng cao. Năm 2013 xuất chính ngạch sang Trung Quốc 2,2 triệu tấn, xuất tiểu ngạch được 1,4 triệu tấn nữa.

Năm 2013 chúng ta thành công trong việc đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo trong dân dù giá không như mong muốn. Năm nay dự báo sản lượng gạo thương mại của chúng ta khoảng 8 triệu tấn, VFA sẽ nỗ lực tối đa để xuất khẩu 7 triệu tấn, còn lại xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ bằng các nguồn khác, phấn đấu cũng sẽ tiêu thụ hết.

* Cây lúa vẫn là nông sản chủ lực của VN, không chỉ xuất khẩu mà còn là an ninh lương thực. Theo ông, nông dân trồng lúa cần làm gì để giảm bớt hoặc tránh được rủi ro khi tiêu thụ dự báo sẽ khó khăn?

– Tôi cho rằng nông dân cần thay đổi suy nghĩ về sản xuất lúa, không nên quan trọng năng suất mà cần quan tâm đến chất lượng lúa gạo mình sản xuất ra. Doanh nghiệp chỉ mua lúa gạo đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đó là lúa gạo chất lượng cao. Nếu cứ sản xuất lúa IR50404 thì sẽ có lúc không bán được. Điểm cần chú ý nữa là không nên sản xuất liên tục 3 vụ/năm (thậm chí có nơi làm 4 vụ) như trước mà cần chuyển đổi mùa vụ. Vụ đông xuân, thu đông lúa gạo có chất lượng tốt nên tập trung sản xuất hai vụ này thôi. Thời điểm chúng ta sản xuất vụ thu đông cũng là thời điểm giáp hạt của nhiều nước trên thế giới, cho nên khả năng tiêu thụ được rất lớn. Theo tôi, cần bỏ hẳn vụ xuân hè (một số nơi thì vụ hè thu) vì thu hoạch thường gặp mưa dầm, chất lượng lúa gạo rất kém, không xuất khẩu được. Riêng nông dân sản xuất lúa thơm chỉ nên gieo sạ vụ đông xuân và một phần vụ thu đông.

Hiện nay đang có tình trạng thương lái xúi giục nông dân trộn gạo với nếp hoặc trộn gạo chất lượng thấp với gạo chất lượng cao để bán; nông dân cũng bị dụ phun thuốc làm hạt lúa nở to hơn, nhưng khi chế biến thì không xuất khẩu được. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm nhằm làm hại uy tín gạo VN. Tôi khuyên bà con nông dân, doanh nghiệp không nên nghe lời xúi giục kiểu này để tránh gây thiệt hại cho mình và cả ngành lương thực.

* Nếu không sản xuất lúa vụ hè thu thì nông dân làm gì, thưa ông?

– Việc này VFA và Bộ NN&PTNT cũng bàn bạc với các tỉnh rất nhiều. Có rất nhiều giải pháp chuyển sang trồng màu, trồng đậu nành, bắp. Tôi cũng băn khoăn khi mỗi năm VN nhập khẩu bắp và đậu nành tới 3 tỉ USD… Sở dĩ chúng ta “thua trên sân nhà” là vì không có vùng nguyên liệu quy mô lớn và giá thành của chúng ta quá cao so với thế giới nên nhập khẩu là đương nhiên. Nếu chính quyền các địa phương liên kết quy hoạch trồng hai loại cây này với diện tích lớn và có doanh nghiệp đầu tư từ đầu vào đến đầu ra để giảm chi phí đầu tư thì doanh nghiệp sẽ sử dụng nguyên liệu trong nước. Trồng các loại rau màu khác cũng cần quy hoạch, liên kết với doanh nghiệp mới được chứ không nên mạnh ai nấy trồng.

VÂN TRƯỜNG thực hiện

 

 

 

 

 

Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp sau tết – Ảnh: N.Tài

 

Gạo chất lượng cao không đủ để bán

Ngày 4-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Văn Thòn – tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang – cho hay doanh nghiệp của ông đã có vùng nguyên liệu 100.000ha lúa/năm, sản lượng khoảng 400.000 tấn nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo ông, thị trường gạo có nhiều phân khúc: gạo thơm, gạo cao cấp, gạo thường, gạo an toàn… Doanh nghiệp phải xác định mình phù hợp với phân khúc nào để chọn khách hàng. Nhưng vấn đề quan trọng là phải giữ uy tín bằng việc luôn thực hiện đúng yêu cầu của khách hàng thì họ sẽ ký hợp đồng đặt hàng trước cho chúng ta sản xuất, không còn lo đầu ra. Gạo thơm cho thị trường Hong Kong khác, cho thị trường Nhật khác; có thị trường yêu cầu gạo trung bình nhưng phải đồng chất, đồng chủng loại chứ không lẫn với gạo khác để họ chế biến.