Để trẻ vui khi tết đến xuân về

Trẻ em rất háo hức ngày tết đến xuân về do được xả hơi, thăm ông bà họ hàng nội ngoại, được người lớn lì xì… Tuy nhiên, nhiều trẻ dễ nảy sinh những tật xấu dẫn đến xuất hiện các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.

 

Để trẻ vui khi tết đến xuân về

25/01/2014 05:25 (GMT + 7)
 
 

TT – Trẻ em rất háo hức ngày tết đến xuân về do được xả hơi, thăm ông bà họ hàng nội ngoại, được người lớn lì xì… Tuy nhiên, nhiều trẻ dễ nảy sinh những tật xấu dẫn đến xuất hiện các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.

Những lần đi chơi điện tử quá thời gian, thức khuya, dậy muộn, thiếu lễ phép… làm không ít phụ huynh khó chịu, đồng thời có những cách hành xử không phù hợp (giáo huấn, xúc phạm trẻ) để lại cho trẻ “một bộ sưu tập” đáng nhớ và có thể theo suốt cuộc đời.

Bị đòn đầu năm

Bé H. (7 tuổi), hàng xóm nhà tôi, sáng mồng 2 tết năm ngoái đã bị mẹ “thưởng” một trận đòn bởi khi khách đến nhà chơi em không chào hỏi, mẹ nói còn cãi lại. Hôm nọ bé H. vẫn ấm ức kể lại câu chuyện bị đánh đòn vào mồng 2 tết năm qua.

Có nhiều lý do khiến cha mẹ dễ nảy sinh tâm tính thất thường, nhất là khi con trẻ không vâng lời. Sức ép công việc bề bộn, nào là cỗ bàn, cúng bái, thăm hỏi, lễ chùa… nên cha mẹ lúc nào cũng có thể “căng như dây đàn”, cùng với việc làm ăn trong năm không thuận lợi lại dễ nảy sinh tâm lý “giận cá chém thớt”. Do đó không ít bậc cha mẹ dễ trút giận lên đầu con cái. Thậm chí một số cha mẹ còn biện hộ ngày tết cha mẹ có trách mắng, nóng giận, thậm chí đánh đập trẻ thì trẻ càng nhớ lâu, đó là bài học cho trẻ không còn tái phạm. Có trường hợp mồng 1 tết cha mẹ đưa ra cuốn nhật ký trong năm về những lần vi phạm của con để luận tội, đồng thời răn đe cho con hiểu đó là bài học kinh nghiệm.

Lập kế hoạch vui chơi trước tết

Sự bạo hành tinh thần, thể xác đối với con trẻ những ngày tết rất dễ để lại vết hằn trong tâm, gây nên các tác hại lâu dài về đời sống tinh thần so với ngày thường. Ngược lại với suy nghĩ của cha mẹ, trẻ con xem việc la mắng, đánh đập… có nghĩa là trẻ không được cha mẹ yêu thương, nhất là trong những ngày tết lại làm trẻ càng khó quên. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu ý dù hoàn cảnh nào chúng ta cũng không nên xúc phạm, đánh đập trẻ.

Thay vào đó người lớn hãy thể hiện lòng yêu thương, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất để con có cơ hội được vui chơi giải trí, thể hiện sự đồng cảm với mọi người. Cho dù năm qua công việc có thất bại rủi ro, gia đình không êm ấm nhưng chúng ta nên tạo không khí gia đình vui vẻ, biết đâu những khó khăn, thất bại, rủi ro được thay thế cho những thành công, may mắn trong năm mới, thậm chí mâu thuẫn trong gia đình lại được giải quyết êm xuôi.

Đồng thời cha mẹ cần tạo điều kiện cho con cái bộc lộ những cảm xúc chân thành, tạo điều kiện để trẻ mạnh dạn trình bày nguyện vọng của bản thân với cha mẹ, khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm trong năm mới. Do vậy những ngày trước tết, cha mẹ nên lập một kế hoạch để con thực hiện, nhất là hoạt động của gia đình hướng về cội nguồn tổ tiên, hướng dẫn con cái cách ứng xử trong ngày tết sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phụ huynh hạn chế con trẻ đối với trò chơi trực tuyến, nghiêm khắc để trẻ không tham gia các tệ nạn xã hội. Một cái tết sum vầy, gia đình êm ấm, hòa thuận đòi hỏi cha mẹ hãy làm chủ tính khí của mình; sẵn sàng chia sẻ, ân cần, hướng cho trẻ những hoạt động mang lại sức khỏe tốt và một tinh thần thoải mái vui tươi.

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

Trẻ con luôn háo hức với những chuyến du xuân - Ảnh: T.T.D