12/10/2024

Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

VATICAN – ĐTC Phanxicô phê bình lập trường của những tín hữu nói mình tin Chúa Kitô nhưng phải phủ nhận Giáo Hội. Trong bài giảng Thánh lễ sáng 30-1-2014 tại Nguyện đường Nhà khách Thánh Marta ở nội thành Vatican, ĐTC đã diễn giải Bài đọc I nói về vua Davit, người thân thưa với Chúa như con nói chuyện với cha, một người có cảm thức mạnh mẽ mình thuộc về Dân Chúa.

Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội
 
VATICAN – ĐTC Phanxicô phê bình lập trường của những tín hữu nói mình tin Chúa Kitô nhưng phải phủ nhận Giáo Hội.

Trong bài giảng Thánh lễ sáng 30-1-2014 tại Nguyện đường Nhà khách Thánh Marta ở nội thành Vatican, ĐTC đã diễn giải Bài đọc I nói về vua Davit, người thân thưa với Chúa như con nói chuyện với cha, một người có cảm thức mạnh mẽ mình thuộc về Dân Chúa. Từ đó, ĐTC giải thích ý nghĩa việc thuộc về Giáo Hội, sự đồng cảm của chúng ta với Giáo Hội và trong Giáo Hội. Ngài nói:

“Kitô hữu không phải là người đã chịu phép rửa tội rồi đi theo con đường riêng của mình. Thành quả đầu tiên của Bí tích Rửa Tội là làm cho chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Dân Chúa. Không thể hiểu được một Kitô hữu mà không thuộc về Giáo Hội. Vì thế, Đức Phaolô VI vị Đại Giáo hoàng Phaolô VI đã nói rằng có một sự tách biệt vô lý, đó là yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội; nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được. Chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng trong Giáo Hội và chúng ta thực thi sự thánh thiện trong Giáo Hội, con đường của chúng ta ở trong Giáo Hội, chẳng vậy thì đó chỉ là một sự tưởng tượng, một sự phân cách vô nghĩa lý.”

ĐTC nhấn mạnh tới 3 cột trụ của sự thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội, đó là: khiêm nhường, trung thành và cầu nguyện cho Giáo Hội. Ngài giải thích:

“Một người không khiêm nhường, thì không thể đồng cảm với Giáo Hội. Đó là điều chúng ta thấy nơi vua Đavit. Người nói: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là ai, nhà con là gì đâu?” Với ý thức rằng lịch sử cứu độ không bắt đầu với tôi và sẽ không chấm dứt khi tôi chết đi. Cũng vậy, lịch sử Giáo Hội bắt đầu trước chúng ta, và sẽ tiếp tục sau chúng ta. Khiêm nhường là ý thức rằng chúng ta là một phần nhỏ của một đại dân tộc, đang tiến bước trên con đường của Chúa.”

Cột trụ thứ hai là trung thành, gắn liền với lòng vâng phục. “Trung thành với Giáo Hội, với giáo huấn của Giáo Hội, trung thành với đạo lý của Hội Thánh và bảo tồn giáo lý ấy. Đức Phaolô VI nhắc nhở rằng chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng như một hồng ân và chúng ta phải thông truyền sứ điệp ấy như một hồng ân, một món quà, chứ không phải như một cái gì của chúng ta. Trung thành trong sự thông truyền đạo lý của Hội Thánh. Tin Mừng không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa Giêsu, và chúng ta không được trở thành chủ nhân ông của Tin Mừng, chủ nhân của đạo lý đã nhận lãnh để sử dụng theo ý riêng của chúng ta.”

Sau cùng, cột trụ thứ ba là cầu nguyện cho Giáo Hội. ĐTC nói: “Trong thánh lễ hằng ngày, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Hội Thánh ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một việc phục vụ đặc biệt.”

Và ĐTC kết luận: “Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội.” (SD 30-1-2014)