15/01/2025

Tổng thống Mỹ thu gọn quyền hạn của NSA

Không có những cải tổ mạnh mẽ đối với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) như mong muốn của nhiều người, thay vào đó Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ dừng ở mức giảm bớt quyền hạn của NSA.

Tổng thống Mỹ thu gọn quyền hạn của NSA

Không có những cải tổ mạnh mẽ đối với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) như mong muốn của nhiều người, thay vào đó Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ dừng ở mức giảm bớt quyền hạn của NSA.

Một người mang mắt kính với dòng chữ “Hãy dừng do thám” biểu tình ở Washington ngày 17-1 – Ảnh: AFP  

Qua bài phát biểu của ông Obama hôm 18-1 (giờ VN) tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington, cựu nhà báo chuyên về mảng tư pháp Carrie Johnson của Washington Post nhận định chỉ có những thay đổi nhỏ trong chính sách đối với NSA. Theo đó, ông Obama cấm NSA nghe lén các cuộc điện thoại của những lãnh đạo các nước trên thế giới cũng như phải thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của người Mỹ.

Ông Obama cho biết các chương trình do thám vẫn tiếp tục được tiến hành nhưng NSA sẽ phải giới hạn việc thu thập dữ liệu của hàng triệu công dân Mỹ, không được quyền lưu trữ các dữ liệu thu thập được nhằm tôn trọng tự do dân sự. Ông cũng kêu gọi người dân Mỹ hãy tin vào ông cũng như Chính phủ Mỹ; ông cam kết sẽ không xâm phạm các dữ liệu cá nhân mà NSA thu thập được.

Rút ngắn thời gian lưu trữ thông tin

Ông Obama ra lệnh cho công tố viên trưởng Eric Holder và NSA thảo ra các biện pháp khác nhau để chỉ lưu trữ dữ liệu trong vòng 60 ngày và phải báo cáo lại kế hoạch chi tiết cho ông trước ngày 28-3-2014. Có khả năng sẽ có sự can dự của bên thứ ba vào việc thu thập và lưu trữ dữ liệu của NSA và NSA phải được phép của tòa án trước khi tiếp cận dữ liệu khi có lý do chính đáng, chẳng hạn tiếp cận dữ liệu để điều tra về một cuộc khủng bố.

“Tôi đã yêu cầu giới hạn thời gian chúng tôi có thể lưu giữ các thông tin cá nhân cũng như giới hạn việc sử dụng các thông tin này. Cốt yếu là để người dân Mỹ và trên toàn thế giới hiểu rằng Washington không do thám dân thường, những người không đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ” – AFP dẫn lời ông Obama.

 

Tổng thống Obama kêu gọi Chính phủ Đức nên tiếp tục tổ chức các cuộc hội đàm với Mỹ để thiết lập một cơ sở mới cho sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo hai nước. “Tôi sẽ không cố tìm hiểu về động cơ và hành động của Edward Snowden, nhưng những chi tiết về các chương trình của NSA bị tiết lộ đang tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại các hoạt động tình báo của Mỹ trong nhiều năm tới” – ông Obama cảnh báo.

 

Tổng thống Mỹ cho biết việc tiếp tục thu thập các loại siêu dữ liệu là cần thiết, giúp ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố cả trong và ngoài nước. Ông khẳng định sẽ không xin lỗi vì người Mỹ đã hoạt động tình báo rất hiệu quả và không vi phạm pháp luật. “Những cải cách tôi đưa ra hôm nay sẽ khiến người dân Mỹ tự tin hơn rằng quyền lợi của mình được bảo vệ, ngay cả khi các cơ quan tình báo và cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ vẫn duy trì các hoạt động cần thiết để giữ an toàn cho chúng ta” – ông Obama khẳng định.

Tuyên bố của ông Obama được cho là để xoa dịu sự giận dữ của người dân Mỹ và người nước ngoài về các hoạt động do thám của NSA, kể từ sau vụ cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ thông tin về các hoạt động giám sát của NSA khoảng bảy tháng trước.

Đảm bảo mối quan hệ đồng minh

Reuters dẫn lời Tổng thống Obama khẳng định nước Mỹ cũng sẽ không giám sát cuộc gọi của giới lãnh đạo các nước đồng minh, trừ phi vì một mục đích an ninh quốc gia thật sự của Mỹ. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu lực lượng an ninh và tình báo quốc gia Mỹ tăng cường phối hợp với các lực lượng nước ngoài nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Năm 2013, tiết lộ từ tài liệu của Snowden lấy được cho biết Mỹ đã nghe lén cuộc gọi của lãnh đạo các nước đồng minh thân cận của mình, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel. Phản ứng trước tuyên bố cải cách NSA của ông Obama, báo Đức Der Spiegel dẫn lời người phát ngôn của bà Merkel nhấn mạnh Mỹ phải tôn trọng quyền công dân nước ngoài, trong đó bao gồm cả công dân Đức.

Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về tuyên bố cải cách NSA của ông Obama. Reuters dẫn lời giám đốc điều hành Tổ chức Ân xá quốc tế Steven W. Hawkins nhấn mạnh: “Những cải cách về chương trình do thám của Tổng thống Obama sẽ chỉ được nhớ đến như giai điệu âm nhạc trong phim Titanic, trừ khi chính quyền của ông có những cải cách sâu sắc hơn”. Bruce Riedel, giám đốc dự án tình báo ở Viện Brookings, cho rằng ông Obama đã không nói rõ nước nào đủ tiêu chuẩn là đồng minh thân cận của Mỹ, điều này có thể gây ra những tranh cãi tiếp theo.

Fox News dẫn lời thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Dean Heller từ bang Nevada cho biết vẫn còn những câu hỏi về chính sách trọng yếu trong chương trình cải tổ NSA mà ông Obama chưa giải thích được. Ông đề xuất cần thảo luận thêm để tìm ra giải pháp bảo vệ quyền riêng tư của người Mỹ.

MỸ LOAN