Làm gì khi con yêu sớm?
Nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang cực độ khi con cái có dấu hiệu biết yêu ngay từ bậc tiểu học.
Làm gì khi con yêu sớm?
Nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang cực độ khi con cái có dấu hiệu biết yêu ngay từ bậc tiểu học.
|
Học lớp 3 đã biết… ôm ấp
Trong một lần tâm sự, chị H.T.K (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Con gái tôi mới học lớp 3 nhưng đã biết yêu. Khi nói chuyện với mẹ bé kể rất hồn nhiên chuyện bé và bạn trai thích nhau, rồi tỏ tình như thế nào. Bé còn kể cho tôi nghe nhiều về chuyện bắt cặp của các bạn bè khác trong lớp”. Tâm trạng đầy lo lắng, chị K. kể thêm: “Không chỉ vậy, tụi nhỏ còn có những hành động yêu đương giống kiểu người lớn như cầm tay, ôm ấp và hôn má. Tôi có cảm giác tụi nhỏ đang yêu theo phong trào, và nếu không yêu sẽ bị lạc hậu so với bè bạn. Tôi chưa biết phải xử lý ra sao, tất nhiên không khuyến khích nhưng cấm cản cũng không được”.
Đúng như lo lắng của vị phụ huynh này, chúng tôi dễ dàng có được thông tin qua lời chia sẻ của chính người trong cuộc. Một học sinh lớp 8 tại TP.HCM cho biết lớp em hiện có rất nhiều học sinh đang yêu nhau. Trong đó, có những cặp đã duy trì mối quan hệ này gần một năm trời. Kể về một cặp đôi vừa kỷ niệm 6 tháng ngày quen nhau, em nói: “Hai người này ban đầu chỉ trò chuyện trên Facebook, một thời gian thấy nói chuyện hợp nên thống nhất yêu thử. Cuối cùng hai người này thích nhau thật nên bắt đầu có những cử chỉ âu yếm thân mật như nắm tay, ôm eo, khoác vai rồi hôn. Ban đầu chỉ hôn má, sau đó thì hôn môi”. Khi được hỏi về thời điểm và vị trí thực hiện các hành động trên, học sinh này kể rất hồn nhiên: “Ban đầu không biết nên bạn em hôn ngay trong trường, nhưng sau này chỉ hôn khi gặp riêng bên ngoài như đi chơi hoặc cùng đi học thêm”.
Nhận xét về chuyện tình cảm của bản thân, cậu ta cũng thú nhận: “Em bắt đầu biết thích từ khi lên lớp 4. Nhưng khi đó em nghĩ cảm xúc chỉ dừng lại ở thích đơn thuần, còn bắt đầu từ lớp 7 cảm xúc thích này có khác nhiều. Khi thích người đó, em mất rất nhiều thời gian để nghĩ ngợi và bị phân tâm chuyện học hành”.
Hướng dẫn thay vì cấm đoán
Là một phụ huynh có con trong độ tuổi học đường, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm: “Trẻ em ngày nay phát triển sớm về cảm xúc do được tiếp xúc sớm với chuyện tình cảm thông qua phim ảnh, thậm chí cả trong truyện tranh và phim hoạt hình. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá hoảng sợ mà cần bình tĩnh để có cách xử trí đúng”. Thạc sĩ Mỹ Linh khuyên: “Dù không khuyến khích nhưng phụ huynh không nên tỏ thái độ khắt khe ngăn cấm trẻ, thay vào đó hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ”.
Thạc sĩ Mỹ Linh phân tích thêm, với giai đoạn tiểu học, việc trẻ có cảm xúc thích một người bạn khác giới cũng bình thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn này việc thích này chỉ kéo dài một thời gian ngắn và không phải tình yêu. Do vậy khi nói chuyện, phụ huynh cần phân tích cho trẻ biết cảm xúc đó là bình thường, dạy trẻ phân biệt cách thể hiện cảm xúc âu yếm đúng mực. Chẳng hạn, nụ hôn khi dành cho cha mẹ là hôn má hoặc trán, còn hôn môi là tình yêu dành cho những người yêu nhau trong độ tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, với học sinh bậc THCS, phụ huynh cần cung cấp cho trẻ kiến thức về giới tính và tình dục an toàn. Đặc biệt, trẻ cần được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để không bị rơi vào khủng hoảng tình cảm. “Hãy nói với trẻ, tình cảm học trò rất đẹp nhưng thường không dẫn đến kết quả hôn nhân. Những tình cảm này có thể thay đổi qua thời gian, và đó là điều bình thường. Khi biết rõ điều này, trẻ sẽ tránh bị sốc hoặc tuyệt vọng nếu thất tình hoặc bị bỏ rơi”, thạc sĩ Mỹ Linh nhấn mạnh. “Phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ hiểu đúng về một tình cảm đẹp. Chẳng hạn, người bạn trai tốt sẽ là người không có hành vi xúc phạm hoặc sàm sỡ người bạn gái của mình. Và một tình cảm tốt là cả hai cùng sống tốt, luôn vui vẻ và cùng nhau học tập tốt. Nếu ngược lại những điều trên, người bạn trai đó không phải người tốt và không nên tiếp tục tình cảm này”, bà Linh khuyên.
Hà Ánh