26/11/2024

Trung Quốc sẽ tấn công đảo Thị Tứ

Báo chí Philippines và Trung Quốc loan tin chiến sự sẽ nổ ra tại khu vực đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa trong năm nay.

 

Truyền thông Philippines và Trung Quốc: Trung Quốc sẽ tấn công đảo Thị Tứ

Báo chí Philippines và Trung Quốc loan tin chiến sự sẽ nổ ra tại khu vực đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa trong năm nay.

 
Hạm đội Nam Hải được cho là sẽ nhận khu trục hạm lớp 052D trong năm 2014 - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo

Ngày 13.1, The Philippine Star, một trong 3 tờ báo lớn nhất Philippines, dẫn lại bài viết đăng trên báo mạng Tiền Chiêmcủa Trung Quốc nói hải quân Trung Quốc đã vạch kế hoạch chi tiết để tấn công và chiếm giữ đảo Thị Tứ. Đây là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát. The Philippine Star ghi rõ bài báo được đăng bằng tiếng Hoa hồi tuần trước và bản tiếng Anh do trang tin China Daily Mail cũng của Trung Quốc dịch lại.

Theo đó, Trung Quốc vô cùng tức giận với việc Philippines hồi đầu tháng đưa không quân và hải quân đến đồn trú luân phiên tại đảo Thị Tứ và cáo buộc đây là “hành động chiếm đóng phi pháp, ngạo mạn và là sự sỉ nhục không thể tha thứ đối với Trung Quốc”. Vì thế, Tiền Chiêm dẫn một số nguồn tin cấp cao nói: “Hải quân Trung Quốc vừa vạch ra kế hoạch tác chiến chi tiết để chiếm lại đảo và cuộc chiến sẽ chỉ giới hạn ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông – NV)”. Theo kế hoạch, đầu tiên Trung Quốc sẽ ra tối hậu thư yêu cầu Philippines rút nhân sự, cơ sở khỏi đảo Thị Tứ rồi mới triển khai Hạm đội Nam Hải xua quân tấn công. Cuộc chiến được dự báo sẽ chỉ kéo dài trong 2 giờ đồng hồ và hải quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng thiết lập cơ sở phòng thủ trên đảo nhưng sẽ không “tiến sâu vào lãnh thổ Philippines”. Theo Tiền Chiêm, quân đội Trung Quốc cũng đã chuẩn bị kế hoạch đối phó trong trường hợp Mỹ hỗ trợ đồng minh Philippines. Theo đó, nếu Mỹ điều quân thuộc Hạm đội 7 đang đóng tại Nhật Bản xuống biển Đông thì Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải sẽ hợp sức ngăn chặn ngay cửa ngõ, không cho lực lượng Mỹ tiến gần khu vực Trường Sa. 

Cũng trong ngày 13.1, China Daily Mail dẫn lời giới chuyên gia nhận định Thị Tứ từ lâu đã là mục tiêu đánh chiếm hàng đầu của Trung Quốc, là đảo lớn thứ hai của Trường Sa và có vị trí chiến lược gần như nằm ngay giữa trong bản đồ “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc nên nước này rất muốn chiếm Thị Tứ để xây dựng căn cứ không quân và hải quân, tạo cơ sở quan trọng cho ý đồ độc chiếm biển Đông. Chưa hết, theo China Daily Mail, nếu Trung Quốc giành được lợi thế chiến lược quan trọng sau khi chiếm Thị Tứ thì có thể buộc Mỹ và cả Nhật Bản tăng thêm sự hiện diện quân sự ở biển Đông. Từ đó, Bắc Kinh có thể phân tán lực lượng của Washington và Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột ở biển Hoa Đông liên quan đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

 

 
Lược đồ vị trí đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa - Ảnh: CIA World Factbook/Wikimedia

 

Giới chức Philippines và Trung Quốc chưa có phản ứng về các thông tin nói trên, vốn xuất hiện trong bối cảnh tình hình biển Đông đang căng thẳng sau khi Bắc Kinh đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt phi lý tại đây.

Ráo riết tăng cường quân sự

Những thông tin trên càng gây lo ngại khi Trung Quốc đang ra sức trang bị tàu chiến hiện đại cho Hạm đội Nam Hải. Theo thống kê sơ bộ của tờ Đô thị Phương Nam, trong năm 2013, Hạm đội Nam Hải nhận thêm 7 chiến hạm mới trong khi 2 hạm đội còn lại chỉ nhận 4 và 5 chiếc. Cụ thể, Hạm đội Nam Hải nhận 4 tàu hộ vệ lớp 054A, 2 khinh hạm lớp 056 và 1 tàu quét mìn thế hệ mới thuộc lớp 081. Theo giới quan sát, hiện chỉ có hạm đội này được trang bị tàu quét mìn lớp 081.

Chưa hết, theo trang tin News.sina.com.cn, Hạm đội Nam Hải sắp tới sẽ được ưu tiên nhận một số loại tàu chiến mới như 4 tàu khu trục lớp 052D, vốn được cho là sẽ đóng vai trò chủ lực trong đội tác chiến của hải quân Trung Quốc sau này, cũng như tàu tấn công đổ bộ chở máy bay trực thăng lớp 081. Đô thị Phương Nam dẫn lời đại tá Lý Kiệt thuộc Học viện Quân sự hải quân Trung Quốc không giấu giếm mà khoe rằng sắp tới biển Đông sẽ là nơi hải quân Trung Quốc chủ yếu triển khai tàu chiến mới để duy trì “quyền và lợi ích hải dương” của nước này.

Văn Khoa