18/01/2025

Petrolimex lãi… ngàn tỉ

Dù liên tục than thở giá thế giới tăng nên nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng thì sẽ lỗ, thế nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2013 của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) vẫn đạt 1.929 tỉ đồng, tăng 97% so với năm 2012.

Petrolimex lãi… ngàn tỉ

Dù liên tục than thở giá thế giới tăng nên nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng thì sẽ lỗ, thế nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2013 của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) vẫn đạt 1.929 tỉ đồng, tăng 97% so với năm 2012.

 

 Nhìn vào khoản lợi nhuận của Petrolimex và so sánh với diễn biến giá xăng dầu trong năm 2013, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cần xem lại khoản lợi nhuận định mức trong giá cơ sở dành cho doanh nghiệp xăng dầu.

Lợi nhuận tăng vọt

Theo công bố của Petrolimex, năm 2013 tập đoàn này đạt doanh thu 196.330 tỉ đồng, chỉ bằng 97,75% so với năm 2012. Thế nhưng, nếu như lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Petrolimex chỉ đạt 978,17 tỉ đồng thì năm 2013 lợi nhuận trước thuế tăng 97%, đạt 1.929 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận đến từ mảng kinh doanh xăng dầu là 768 tỉ đồng.

 

“Nếu cứ để 300 đồng/lít lợi nhuận trong mỗi lít xăng dầu thì coi như nhóm doanh nghiệp độc quyền lại được hưởng đặc quyền!”

Chuyên gia Ngô Trí Long

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết các chỉ số tài chính trên mới là con số tạm tính. Về câu hỏi lợi nhuận thực tế sau thuế là bao nhiêu, ông Trần Ngọc Năm cho biết năm 2013 ước đạt khoảng 1.533 tỉ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Petrolimex cũng tăng 98,65% so với năm trước.

Theo ông Năm, tính toán lợi nhuận của Petrolimex cần khách quan vì con số tuyệt đối có thể rất lớn, cả ngàn tỉ, nhưng thực tế năm qua Petrolimex đã bán tới khoảng 8 triệu tấn (m3) xăng dầu. Tổng vốn của Petrolimex cũng như vốn đầu tư rất cao, nên tỉ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn kinh doanh năm 2013 ước khoảng 10%. Theo ông Năm, mỗi lít xăng dầu bán ra Petrolimex chỉ lời khoảng 96 đồng.

Về lý do lợi nhuận năm 2013 tăng cao so với 2012, ông Trần Ngọc Năm – trong một lần trả lời Tuổi Trẻ – cho rằng do năm 2012 Chính phủ kiềm chế lạm phát, nhiều thời điểm Petrolimex phải bán xăng dầu dưới giá cơ sở. Năm 2013 việc vận hành theo nghị định 84 có thuận lợi hơn nên lợi nhuận có tăng, nhưng thực tế với lợi nhuận trên một lít xăng như trên và so với vốn, Petrolimex không lãi lớn.

 

Tăng nhiều, giảm ít

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức Bộ Công thương cũng công nhận năm 2013 Petrolimex gặp một số thuận lợi. Chẳng hạn, dù giá dầu thô thế giới bình quân cả năm 2013 tăng 3,98% so với bình quân năm 2012, nhưng giá nhập mua sản phẩm bình quân của tập đoàn này thực tế có giảm 3-4% so với năm 2012 tùy từng mặt hàng. Kể từ ngày 28-3-2013, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu cũng đã được điều chỉnh tăng từ 600 đồng lên 860 đồng/lít (riêng FO là 500 đồng/kg), dù có thể chưa sát với chi phí thực mà Petrolimex báo cáo nhưng cũng đã góp phần giảm được rất nhiều áp lực trong việc điều hành của tập đoàn này.

Từ chỗ lỗ mảng kinh doanh xăng dầu trong năm 2012 khoảng 125 tỉ đồng, sang năm 2013 đã có lợi nhuận trước thuế vọt lên 768 tỉ đồng còn do giá xăng dầu đã được điều chỉnh thường xuyên theo diễn biến của giá thế giới. Cụ thể, Trung tâm thông tin thương mại (Bộ Công thương) tổng kết năm 2013 có năm lần tăng giá với tổng mức tăng 3.220 đồng, giảm sáu lần tương đương 2.160 đồng. Nhờ đó doanh nghiệp có lời. Tại nhiều thời điểm, phần lợi nhuận doanh nghiệp có được là từ lợi nhuận định mức. Mặc dù trong quý 4-2013, đa số thời điểm đều phải xả quỹ bình ổn giá, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng, nhưng Petrolimex vẫn có lời từ mảng kinh doanh xăng dầu.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chỉ với mức lời 96 đồng/lít, Petrolimex đã thu về 768 tỉ đồng. Vậy nếu doanh nghiệp cứ đều đặn nhập hàng, đảm bảo hài hòa với giá cơ sở thì lợi nhuận sẽ ở mức nào? Nghị định 84 đang được sửa đổi, cần phải xem xét, tính toán lại khoản lợi nhuận này. “Hiện nay có rất nhiều quan điểm về lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu. Nhiều người cho rằng không nên cố định mức 300 đồng. Làm như vậy, doanh nghiệp hiển nhiên được một khoản, không công bằng với người tiêu dùng, đặc biệt khi thị trường này còn độc quyền nhóm” – ông Long nói.

Ông Long cho rằng khi điều hành theo giá thị trường, Nhà nước nên quy định giá trần. Mức giá trần này đảm bảo để người dân không thiệt mà doanh nghiệp vẫn sống được. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng cần lên xuống theo thị trường, chứ không phải đưa sẵn vào công thức tính giá một khoản như vậy. Khi thị trường tốt, giá thế giới thuận lợi thì doanh nghiệp hưởng lời cao. Khi thị trường biến động thì cũng phải chia sẻ với người dân và nền kinh tế.

C.V.KÌNH – BẠCH HOÀN