18/01/2025

Bitcoin Tiền ảo giá trị ‘khủng’

Thị trường trong nước đang xôn xao khi đã có doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chính thức chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin – đồng tiền ảo phát sinh từ hệ thống điện tử nhưng có giá trị rất cao. Hiện giá mua vào một đồng Bitcoin tại Việt Nam là 15 triệu đồng, giá bán ra là 17 triệu đồng.

 

Bitcoin Tiền ảo giá trị ‘khủng’

Thị trường trong nước đang xôn xao khi đã có doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chính thức chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin - đồng tiền ảo phát sinh từ hệ thống điện tử nhưng có giá trị rất cao. Hiện giá mua vào một đồng Bitcoin tại Việt Nam là 15 triệu đồng, giá bán ra là 17 triệu đồng.

 

 
Những người đầu tư Bitcoin đang rút tiền (thật) tại một máy ATM đặc biệt ở Canada – Ảnh: Reuters

 

Tiền ảo mua đồ thật

Ông Bùi Huy Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Đồng, là đơn vị quản trị diễn đàn Làm cha mẹ, cho biết từ ngày 9.1 công ty đã chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin trong các giao dịch quảng cáo. Công ty đã có tài khoản và để giao dịch, người trả cũng phải có tài khoản Bitcoin. “Tôi đã dùng thử và thấy giao dịch rất đơn giản. Người nhận chỉ cần gửi cho người trả một đoạn mã, người gửi dùng điện thoại hay máy tính nhập đoạn mã ấy vào, cập nhật thêm số tiền, vài phút sau Bitcoin đã đến ví người nhận” – ông Kiên nói.

 

 
 

Năm 2013, câu chuyện tiền ảo Bitcoin được xếp vào 1 trong 10 sự kiện kinh tế và 1 trong 4 sự kiện công nghệ nổi bật nhất tại nước Mỹ.

Đức trở thành quốc gia đầu tiên thừa nhận Bitcoin có chức năng của tiền. Thậm chí Canada còn lắp đặt cây ATM giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới, cho phép khách dùng tiền thật để mua Bitcoin hoặc ngược lại. Tuy vậy, đa phần chính phủ trên thế giới không công nhận tiền ảo này, thậm chí cấm sử dụng như Trung Quốc hay Thái Lan.

 

 

Theo ông Kiên, ông cũng chỉ mới biết đến đồng Bitcoin. Lúc đầu hơi “ác cảm” với đồng tiền này nhưng sau khi tìm hiểu ông thấy đồng tiền ảo này rất thật vì có tương tác, có trao đổi, có giao dịch. Quan trọng hơn, đây là một phương thức thanh toán mới được sử dụng phổ biến trong môi trường mạng, được chấp nhận tại nhiều nơi trên thế giới.

“Đồng tiền này rất thuận tiện trong giao dịch điện tử”, ông nói. Cái lợi thứ nhất, theo ông Kiên là thời gian thanh toán nhanh chóng. Thứ hai, phí giao dịch bằng 0 cho giao dịch có giá trị thấp, và rất nhỏ cho các giao dịch giá trị cao. Thứ ba, việc chuyển tiền giữa người mua người bán được thực hiện trực tiếp, không cần thông qua trung gian là ngân hàng. Tuy vậy, đến nay ông cho biết vẫn chưa có khách hàng nào trả bằng Bitcoin.

Do được nhiều người, nhiều tổ chức chấp nhận nên giá của đồng Bitcoin rất cao. Chỉ trong năm 2013, giá Bitcoin đã tăng 98 lần và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người. Hiện giá mua vào một đồng Bitcoin tại Việt Nam là 15 triệu đồng, giá bán ra là 17 triệu đồng. Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh giải thích, khác với giá vàng mang tính thế giới, giá Bitcoin ở mỗi quốc gia khác nhau bởi sàn giao dịch của nó không thống nhất.

Nhanh tỉ phú, dễ trắng tay

Tại Việt Nam, có một số đồng tiền ảo trong các games như Zing Xu trong cổng Zing của VinaGame. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của VinaGame, về bản chất, Zing Xu và Bitcoin là 2 đồng tiền khác nhau. Đồng Zing Xu ở VinaGame giống hệ thống thanh toán thay thế tiền tệ, chẳng hạn có nhiều nơi chấp nhận mua thẻ điện thoại nạp tiền, còn bản chất của Bitcoin là tiền tệ thực sự.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, dù phổ biến trên thế giới, nhưng hệ thống tài chính và luật Việt Nam chưa có quy định, không thừa nhận, nếu có bất trắc thì khó kiện tụng. “Tôi nghĩ ít có NHNN nào đồng ý với chức năng thanh toán của đồng tiền ảo tương đương như đồng tiền của nước mình”, ông nói.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM – giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin ẩn chứa rủi ro rất lớn do chưa có quốc gia nào chính thức công nhận đồng tiền này. Nếu như Chính phủ các nước đưa ra lệnh cấm sử dụng thì giá Bitcoin sẽ tuột dốc và thậm chí không còn giá trị nào. Chức năng của tiền tệ là có giá trị thanh toán (mua bán hàng hóa) và là thước đo giá trị nhưng hiện chưa ai biết được giá trị thật của Bitcoin là bao nhiêu nên việc đẩy giá quá cao chỉ là chiêu trò của giới đầu cơ.

Ông Khánh cũng cảnh báo về tính an toàn cũng như rủi ro của đồng Bitcoin. Hiện nay chưa ai làm được thì Bitcoin có giá trị cao, nhưng một ngày nào đó, nếu bị hack và các tay hacker này “nhân bản” thì đồng tiền này giảm giá trị nhiều, thậm chí không còn giá trị. Hơn nữa, giá Bitcoin trong một ngày có thể rớt hay tăng mấy chục phần trăm. Vì vậy, “có thể hôm nay là tỉ phú, nhưng ngày mai lại trắng tay”. 

 

Tiền Bitcoin “thật”

 

 
Ảnh: Bloomberg

 

Theo trang tin Geek.com, tại Mỹ có một số cơ sở chuyên sản xuất các đồng xu hoặc tiền giấy Bitcoin thật có in giá trị đàng hoàng để bán cho ai muốn sưu tầm, làm kỷ niệm hoặc trao đổi với nhau. Chúng cũng có kèm theo các mã để người mua có thể dùng quy đổi vào “ví tiền ảo” của mình . Hồi tháng 12.2013, chính phủ Mỹ đã bắt đầu có động thái quản lý dịch vụ sản xuất Bitcoin “thật” khi Bộ Tài chính yêu cầu hãng Casascius phải đăng ký giấy phép hoạt động chuyển tiền hoặc chấm dứt dịch vụ trên, theo trang tin The Verge. Sau đó, Casascius quyết định ngừng sản xuất đồng Bitcoin. 

 

 

Dù xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu nhưng số người tham gia tìm kiếm và trao đổi đồng tiền Bitcoin đang gia tăng mạnh mẽ. Những trang web như vnbitcoin.com, muabitcoin.com hay trên trang web toikiemtien.com… đều có hướng dẫn cách kiếm tiền Bitcoin khá chi tiết. Trong đó, có việc giao dịch và mua lại Bitcoin từ người quản lý trang web. Nếu muốn tự mình giao dịch, có thể lên chợ BTC-E (btc-e.com) hay Blockchain.info để giao dịch với các đối tác ở nhiều nước. Thậm chí trên trang Blockchain.info có hẳn trang web bằng tiếng Việt (là 1 trong 25 nước có biểu tượng trên trang này) với những giao dịch được cập nhật liên tục. Chủ trang web toikiemtien.com cũng hướng dẫn khá kỹ cho những người ở Việt Nam muốn chuyển USD ở chợ BTC-E về tài khoản ngân hàng trong nước thông qua các dịch vụ rút tiền trung gian như PerfectMoney, Webmony WMZ , OKPAY…  Thông thường các khách hàng được hướng dẫn giao dịch mua Bitcoin qua tài khoản của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Đông Á…

M.Phương

 

 

Bitcoin là gì?

Cuối năm 2008, một nhân vật hay một nhóm người dưới cái tên Satoshi Nakamoto xuất bản một công trình nghiên cứu về một hệ thống tiền tệ điện tử không cần thông qua ngân hàng, tạo nền tảng cho sự ra đời của Bitcoin.

Nếu tiền ảo là thông tin thì nguy cơ đầu tiên là người dùng cứ dùng đi dùng lại một món tiền để mua hàng, theo kiểu cắt dán thông tin. Chỉ có thể ngăn chặn điều này bằng cách lập nên một hệ thống sổ sách ghi chép mọi giao dịch nhưng như vậy thì cần một bên thứ ba làm trung gian, chẳng khác gì một ngân hàng trung ương. Bitcoin loại bỏ bên thứ ba này bằng cách công khai sổ cái ghi chép này, ai cũng có thể lấy về xem.

Dùng hệ thống máy tính ngang hàng, những người tham gia vừa tạo ra Bitcoin vừa dùng máy tính để ghi lại hết mọi giao dịch của các đồng Bitcoin này trong một cuốn sổ cái ghi chép nói trên gọi là “block chain”. Mỗi khi có người gửi Bitcoin từ địa chỉ của mình đến một nơi khác, anh ta tạo ra một chữ ký gắn vào cuối giao dịch, tất cả đều kèm vào cái “block chain” chung. Những người tình nguyện dùng  máy mạnh để xử lý các giao dịch này và ghi vào sổ thì được thưởng Bitcoin, là cái mà các báo thường dùng từ “khai mỏ” (mining) để miêu tả.

Hiện nay cứ mỗi 10 phút thì sổ “block chain” được cập nhật một lần và máy nào hên giành được quyền cập nhật đó thì được nhận 25 Bitcoin. Đó là quá trình tạo ra Bitcoin. Các thuật toán tạo ra Bitcoin được viết sao cho ngày càng khó để việc tạo ra Bitcoin ngày càng phức tạp, đòi hỏi máy xử lý ngày càng phải mạnh hơn. Tổng số tiền Bitcoin tạo ra theo cách này tối đa là 21 triệu Bitcoin (dự đoán là vào năm 2140). Cho đến nay đã có 11 triệu Bitcoin đang lưu hành Bitcoin thực chất là một dãy con số và chữ cái như một địa chỉ (ví dụ 1DTAXPKS1 Sz7a5hL2Skp8bykw GaEL5JyrZ). Bạn sở hữu một Bitcoin có nghĩa bạn nắm trong tay một mật mã gắn với địa chỉ này, cho phép bạn truy cập vào cuốn sổ cái “block chain” để xác định trị giá của nó. Bạn trả tiền cho một người hay một nơi nào đó có nghĩa bạn báo cho “block chain” bạn sẽ chuyển giao bao nhiêu… Hiện nay đã có những phần mềm cài lên điện thoại di động cho phép dùng màn hình quét một hình mã vạch để nhập tự động địa chỉ này và tự động hóa quy trình giao dịch – gọi là ví tiền (wallet). Và vì sổ cái “block chain” được cập nhật 10 phút một lần nên giao dịch của bạn cũng thường phải chờ cả 10 phút mới được chấp nhận.

Nguyễn Vạn Phú

* Xem toàn bộ bài viết của tác giả trên www.thanhnien.com.vn

 

Sơn An