Nhiều cơ hội cho thí sinh
Trước những lo lắng của học sinh và phụ huynh về đề thi trong khi kỳ thi tuyển sinh của các trường thi chung và riêng, tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định kỳ thi riêng do các trường tổ chức nên những quy định môn thi và đề thi sẽ được các trường xây dựng trong đề án và công bố cụ thể khi có quyết định chính thức.
Nhiều cơ hội cho thí sinh
Rất nhiều thông tin mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được Bộ GD-ĐT công bố trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ tổ chức sáng hôm qua (12.1) tại TP.HCM.
|
Buổi tư vấn diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM và được Đài truyền hình VN (VTV9) truyền hình trực tiếp.
Đề thi môn xã hội theo hướng mở, tự nhiên vận dụng kiến thức thực tế
Trước những lo lắng của học sinh và phụ huynh về đề thi trong khi kỳ thi tuyển sinh của các trường thi chung và riêng, tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định kỳ thi riêng do các trường tổ chức nên những quy định môn thi và đề thi sẽ được các trường xây dựng trong đề án và công bố cụ thể khi có quyết định chính thức. Còn ở kỳ thi chung của Bộ, cấu trúc đề thi sẽ không khác nhiều so với năm 2013, vẫn sẽ bám sát chương trình phổ thông, không đánh đố và lắt léo. Trong đó, đề thi sẽ có những câu hỏi dễ kiểm tra kiến thức cơ bản bên cạnh những câu hỏi khó để phân loại thí sinh.
|
Tiến sĩ Nghĩa lưu ý thêm: Đề thi các môn khoa học xã hội sẽ được ra theo xu hướng mở nên để làm tốt thí sinh cần có sự sáng tạo trong khi làm bài. Với các môn khoa học tự nhiên, đề thi sẽ kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức thực tế vào bài thi. Bộ cũng sẽ có những giải pháp để giảm bớt sự đoán mò của thí sinh trong các bài thi theo phương thức trắc nghiệm. Chẳng hạn, thay vì cho đáp án là kết quả chính xác, đề sẽ có những đáp án gần đúng. Với cách ra đề này, để đạt điểm cao trước hết thí sinh cần nắm chắc kiến thức nền tảng và cơ bản trong chương trình phổ thông trước khi mở rộng thêm kiến thức bên ngoài.
Ngoài các đợt chung, còn 2 đợt cho trường thi riêng
Tiến sĩ Nghĩa nhận định, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh vì bên cạnh kỳ thi chung thí sinh còn có cơ hội đăng ký vào các trường tổ chức thi riêng. Các trường tuyển sinh riêng sẽ có quyền chủ động hoàn toàn trong việc xác định từng môn thi và cách thức thi. Các trường này cũng có thể chọn thời gian thi khác hoặc cùng lúc với đợt thi chung của Bộ, nhưng chỉ tối đa 2 đợt thi. “Tuy nhiên các em lưu ý, nếu chọn vào các trường tổ chức thi riêng thí sinh sẽ không được sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường khác. Danh sách các trường tổ chức tuyển sinh chung và riêng này sẽ được Bộ ban hành cụ thể trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, trên trang thông tin điện tử của Bộ và của các trường, cũng như các kênh thông tin đại chúng.
PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), nói thêm: “Việc đổi mới tuyển sinh chuyển từ quá trình đào tạo nặng kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học. Việc đổi mới này phải theo lộ trình, bắt đầu từ năm nay. Để không gây xáo trộn tới việc học và thi của thí sinh, Bộ tiếp tục giữ nguyên việc tổ chức kỳ thi 3 chung cho những trường chưa có phương án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, dù thi chung hay riêng thì đều phải dựa vào 2 cơ sở quan trọng: đề thi nằm trong kiến thức phổ thông và các ngành thi phải nằm trong danh sách ngành các trường đang đào tạo”.
Nhu cầu nhân lực cao nhất ở ngành kỹ thuật công nghệ
Câu hỏi đầu tiên của học sinh Nguyễn Nhã Yến khiến nhiều học sinh khác thích thú, khi em nêu ra một vấn đề hết sức thú vị: “Em muốn biết ngành nào thi dễ đậu, ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng?”.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), giải đáp: “Tương lai việc làm của các em sẽ tới sau 4 đến 5 năm nữa. Ở thời điểm này, nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi và bước vào mốc điểm quan trọng của sự hội nhập cộng đồng ASEAN sau 2015. Thị trường lao động này sẽ rất cạnh tranh và rộng mở. Trong đó, những sinh viên giỏi chuyên môn, thành thạo kỹ năng và mang trong mình quyết tâm cao độ sẽ có nhiều cơ hội để khẳng định thành công. Khi đó, không chỉ 10 triệu đồng mà thu nhập các em kiếm được có thể cao hơn rất nhiều”.
Cũng theo thạc sĩ Tuấn, từ nay đến 2020 các tỉnh phía nam sẽ cần hơn một triệu lao động nên việc làm rất nhiều và trải đều cho tất cả các nhóm ngành. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là kỹ thuật công nghệ 35%, kinh tế tài chính ngân hàng 33%, khoa học tự nhiên 7%, khoa học xã hội nhân văn và du lịch 8%, kế đến là sư phạm và quản lý giáo dục, nông – lâm – ngư nghiệp, y dược, văn hóa nghệ thuật và thể thao.
Thí sinh không có gì phải lo lắng
Năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành. Các em vào trường ĐH năm nay sẽ là những lứa sinh viên đầu tiên đương đầu với sự cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực. Để chuẩn bị hành trang kiến thức cho các em trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bộ đang triển khai thực hiện đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong đó, đổi mới thi cử được đánh giá là khâu đột phá được thực hiện ngay trong những năm đầu tiên để định hướng việc đổi mới cách dạy, cách học. Việc đổi mới tuyển sinh sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể và được chuẩn bị kỹ càng để các trường có thời gian chuẩn bị và các thí sinh quen dần với cách học và thi mới. Như vậy thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn dự thi và nhiều cơ hội trúng tuyển hơn nên không có gì phải lo lắng. Chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sẽ giúp chuyển tải chính xác, đầy đủ, kịp thời những điểm mới trong công tác tuyển sinh của các trường để các em nghiên cứu, cân nhắc sự lựa chọn của mình. GS-TSKH Bùi Văn Ga |
Chọn nghề sai, lãng phí lớn
Hằng năm có từ 30 – 40% sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, một phần do số lượng sinh viên tốt nghiệp ở một số ngành nghề dư thừa so với nhu cầu của thị trường lao động. Đó là chưa kể đến số lượng sinh viên sau một thời gian đi học nhưng không hứng thú với ngành nghề mình đã chọn. Chọn ngành gì và nghề gì trong tương lai đã và vẫn là những câu hỏi khó với học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời. Có một nghịch lý là không ít học sinh khi làm hồ sơ dự thi vào các trường không xuất phát từ năng lực, sở trường của mình mà dựa vào “tỷ lệ chọi” và điểm chuẩn của các trường dự thi. Bởi mục tiêu duy nhất của nhiều em là phải vào được một trường ĐH. Một số học sinh khác lại chọn ngành nghề dự thi theo mong muốn của cha mẹ hoặc theo bạn bè. Những con số nêu trên thể hiện sự lãng phí chất xám và tiền bạc rất lớn, nếu càng kéo dài thì càng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Nghị quyết T.Ư 8 khóa 9 về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhấn mạnh: “Coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, chuẩn bị cho thanh thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cả nước và từng địa phương”. Chính vì vậy, việc tư vấn định hướng giúp học sinh chọn được đúng ngành nghề phù hợp với khả năng, với nhu cầu xã hội là rất cần thiết. Nguyễn Quang thông
|
Hà Ánh – Đăng Nguyên