16/01/2025

Nguy cơ xung đột hiển hiện ở châu Á

Nhiều chính khách và học giả trên thế giới tỏ ra bất an trước viễn cảnh an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2014.

 

Nguy cơ xung đột hiển hiện ở châu Á

Nhiều chính khách và học giả trên thế giới tỏ ra bất an trước viễn cảnh an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2014.


Từ trái qua: Các chuyên gia Chu Thành Hổ (Trung Quốc), 
Daljit Singh (Singapore), Tomohito Shinoda (Nhật Bản) và Bonnie Glaser (Mỹ) - Ảnh: Thục Minh 

Những diễn biến an ninh đáng quan ngại xảy ra dồn dập trong khu vực vào những tháng cuối năm 2013 khiến năm 2014 bị nhuốm nỗi âu lo ngay từ những ngày đầu. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong thông điệp đầu năm, đã tỏ ra bất an rõ rệt. “Ở Đông Bắc Á, bất đồng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc về những vấn đề lịch sử và chủ quyền ở một số hòn đảo đã trở nên căng thẳng hơn và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là một mối lo nghiêm trọng”, ông nói.

Các nhà ngoại giao, kinh tế và học giả tham dự Diễn đàn viễn cảnh khu vực năm 2014 tại Singapore hôm 9.1 cũng không thể lạc quan trước tình hình an ninh khu vực. Trong phạm vi quốc gia, biểu tình quy mô lớn ở Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Bangladesh, thậm chí bạo động tại Singapore, đang đặt ra những thách thức chính trị và kinh tế cho riêng từng thể chế. Nhưng phủ bóng đen trên toàn vùng là nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc.

Ba viễn cảnh xung đột quân sự Mỹ – Trung

Tại diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore tổ chức, chuyên gia về Trung Quốc và châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington (Mỹ) Bonnie Glaser đã nêu ra 3 khả năng xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Trung.

Thứ nhất, căng thẳng ngày càng lên cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là nguy cơ xảy ra xung đột quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Washington cho là thuộc quyền kiểm soát hành chính của Tokyo, có thể dẫn tới việc can thiệp quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ đồng minh theo hiệp ước tương trợ quốc phòng với Nhật Bản.

Khả năng thứ hai mà bà Glaser cho là nguy hiểm nhất là xung đột quanh eo biển Đài Loan. Xung đột có thể bắt đầu bằng việc Đài Bắc đòi độc lập khỏi Bắc Kinh và Washington ủng hộ hành động này. “Xung đột có thể chỉ diễn ra trên biển, nhưng cũng có thể lan nhanh khắp Hoa lục và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Thậm chí, trong tình huống xấu nhất, vũ khí hạt nhân có thể được triển khai”, chuyên gia Glaser cảnh báo.

Bên cạnh đó, nguy cơ bất ổn cao độ, thậm chí sụp đổ chính quyền CHDCND Triều Tiên cũng sẽ là “thuốc thử” quan hệ Mỹ – Trung. Theo bà Glaser, “nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến vào Triều Tiên để bảo vệ các phương tiện sản xuất vũ khí giết người hàng loạt và hỗ trợ nhân đạo cho thường dân nước này, Bình Nhưỡng sẽ kích hoạt Hiệp ước tương trợ an ninh Trung Quốc – Triều Tiên năm 1961 để tìm kiếm hỗ trợ của Bắc Kinh”, dẫn đến xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đại diện đến từ Trung Quốc là thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cũng nhìn nhận quan hệ Bắc Kinh – Washington đang đứng trước những thách thức như bà Glaser chỉ ra, trong khi quan hệ Bắc Kinh – Tokyo ở trong tình trạng “khủng hoảng”. Ông Chu chỉ trích Washington có những hành động gây “bất tín” với Bắc Kinh như bán vũ khí cho Đài Loan, hay câu kết với các đồng minh làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Trung Quốc trong khu vực. Ông cũng biện luận rằng đó là lý do Bắc Kinh đang “đánh động” để tìm ra “một dạng thức mới trong quan hệ song phương Trung – Mỹ”, nhằm “duy trì tính ổn định và xây dựng của mối quan hệ này”. Tuy vậy, ông Chu cũng lên tiếng đe dọa rằng Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động và phương thức hành xử nào của Mỹ.

Tương quan Mỹ – Nhật – Trung

Tại diễn đàn, Giáo sư Tomohito Shinoda từ Đại học Quốc tế Nhật Bản cũng vẽ ra viễn cảnh an ninh khu vực biến thiên theo tương quan sức mạnh của 3 siêu cường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc trở nên lấn lướt trong khi sức mạnh Mỹ có phần yếu đi mà Nhật Bản vẫn duy trì được sức mạnh của mình, thì Washington sẽ liên minh với Tokyo và đối đầu với Bắc Kinh, đẩy khu vực trở về cục diện chiến tranh lạnh. Trong trường hợp Nhật Bản cũng suy yếu thì Trung Quốc sẽ trở nên “bá quyền”. Tác giả cuốn sách Chính trị Nhật Bản đương đại cũng cho rằng một Nhật Bản mạnh sẽ là “nhân tố quan trọng”, khi kết hợp với sức mạnh Mỹ sẽ tạo nên một “Cộng đồng Đông Á” ổn định và thịnh vượng. Ngược lại, nếu Tokyo yếu đi, Đông Á sẽ bất ổn dưới sự hiện diện mạnh mẽ của Washington. Bất ổn xảy ra giữa Trung Quốc với các nước khác trong khi Washington vẫn tìm quan hệ ổn định với một Bắc Kinh yếu thế hơn.

Các kịch bản của ông Shinoda có lẽ cần phải chờ thời gian kiểm chứng. Nhưng nguy cơ về một “chiến tranh lạnh” là rất lớn khi Bắc Kinh tin rằng Washington đang tìm cách kiềm tỏa mình, theo bà Glaser. Học giả từ Washington này cũng cho rằng Mỹ không chọn đối đầu với Trung Quốc mà chỉ muốn Bắc Kinh điều chỉnh một số mặt trong quan hệ quốc tế vốn bị cho là “không công bằng”. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cứ “cố tình phá vỡ thông lệ và luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho riêng mình” thì cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ khốc liệt hơn, bà Glaser cảnh báo.

Thục Minh