16/01/2025

Bù lỗ làm méo mó nền kinh tế

Khẳng định giá điện phải theo thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Công thương ngày 10.1.

 

Bù lỗ làm méo mó nền kinh tế

Khẳng định giá điện phải theo thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Công thương ngày 10.1.

 

Bù lỗ làm méo mó nền kinh tế
 Thủ tướng yêu cầu phải công khai, minh bạch yếu tố hình thành giá điện – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

“Phải công khai hết”

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, đi liền với giá thị trường. “Chúng ta đi một bước dài, xăng dầu không bù lỗ nữa, nhưng phải công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Tôi yêu cầu anh Hoàng (Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng – PV) bằng cách nào đó để các yếu tố hình thành giá nhập, giá bán phải công khai hết. Phương tiện thông tin có hết, đưa lên truyền hình, điện thoại di động, đâu có tốn bao tiền, ai bật lên cũng biết giá xăng dầu bao nhiêu tiền, yếu tố hình thành giá như thế nào, lợi nhuận ra sao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

 
 

Tôi yêu cầu anh Hoàng bằng cách nào đó để các yếu tố hình thành giá nhập, giá bán phải công khai hết. Phương tiện thông tin có hết, đưa lên truyền hình, điện thoại di động, đâu có tốn bao tiền, ai bật lên cũng biết giá xăng dầu bao nhiêu tiền

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

 

Cũng theo Thủ tướng, giá điện phải theo thị trường, phải tính đúng, tính đủ, không bao cấp, bù lỗ làm méo mó nền kinh tế, không khuyến khích công nghệ rẻ, lạc hậu. Nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa là phải có công cụ điều tiết, chính sách cho người nghèo. Vài năm gần đây, đã thực hiện hỗ trợ tiền điện một hộ nghèo 30.000 đồng/tháng, một năm đưa ra 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo, giá điện tăng thì phần hỗ trợ này cũng tăng lên. Không thể giữ giá điện thấp, nhưng phải hết sức công khai, minh bạch yếu tố hình thành giá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà người dân nào muốn cũng tiếp cận được.

Đề cập đến việc Bộ Công thương đang mất quá nhiều thời gian vào chiến lược, quy hoạch, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi nghe các đồng chí nói chiến lược ô tô, cũng không khác quy hoạch mấy, cũng là thực trạng, mục tiêu, giải pháp… mà tốn thời gian quá dài. Quy hoạch phải có định hướng, gắn với thị trường. Ngay quy hoạch được quản lý chặt chẽ là các tổng sơ đồ điện cũng phải điều chỉnh. Miền Bắc, miền Trung thừa rồi, nhưng miền Nam lại thiếu, cuối 2016, đầu 2017 thiếu điện miền Nam, tôi rất sốt ruột”.

Tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Tại hội nghị, Bộ Công thương cho biết chỉ số tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp (DN) đã có xu hướng giảm dần qua các tháng. So với năm ngoái, khó khăn với các DN sản xuất kinh doanh hàng hóa đã giảm. Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh, phối hợp đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ, cũng như tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN, chia sẻ nếu đầu tư đón đầu Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ tạo bùng nổ cho xuất khẩu dệt may trong nước. Nhưng các DN vẫn đang khó khăn về vốn, phải cạnh tranh trong điều kiện yếu kém hơn DN đầu tư nước ngoài về tất cả các nguồn lực. “Đề nghị Chính phủ có gói tín dụng cho DN chuẩn bị đầu tư đón đầu TPP, như gói kích cầu bất động sản 30.000 tỉ đồng, chúng tôi chỉ cần 10.000 tỉ đồng”, ông Nghị nói.

Về đề xuất này, Thủ tướng cho biết khả năng vốn cho trung hạn hoàn toàn khả thi, các bộ cần ngồi lại tạo cơ chế như gói cho vay tái canh cà phê, nhà ở xã hội… “Bây giờ chúng ta thừa tiền, các ngân hàng không biết đưa vào đâu để tăng nhanh tín dụng. Cơ chế nào để tận dụng TPP là ở bộ, các vụ”, Thủ tướng nhắc. Ngoài ra, Bộ Công thương phải tiếp tục tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty. 5 tổng công ty đã cổ phần hóa phải tính toán lộ trình giảm bớt tỷ lệ nhà nước nắm giữ, 5 tổng công ty còn lại năm nay cũng phải tiến hành cổ phần hóa.

Đánh giá rất cao mô hình bình ổn giá của TP.HCM, từ cho vay bù lãi suất, gắn với ngân hàng, góp phần vào kiểm soát lạm phát, chỉ số giá của TP.HCM thấp hơn cả nước, Thủ tướng đề nghị Hà Nội và các tỉnh thành nhân rộng mô hình này.

 

Không ngăn được hàng lậu thì khó phát triển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường hoạt động, bởi nếu không ngăn được hàng lậu thì hàng hóa trong nước khó phát triển. Trong nước thì hàng giả, bên ngoài là lậu, chức năng chính của Bộ Công thương là bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bảo vệ trong nước phải ở mức phù hợp với cam kết và điều kiện để thúc đẩy sản xuất.

Nhắc lại câu chuyện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đề xuất nhập 30.000 tấn đường tái chế để xuất khẩu, Thủ tướng cho biết Hiệp hội Mía đường gửi kiến nghị chất vấn làm như thế nào để ngành đường VN sống được. “Tôi nói chống buôn lậu chỉ là ngọn, gốc thì mía chúng ta có 65.000 ha, làm sao cạnh tranh với người ta làm 150.000 – 200.000 ha, cán mía ra cũng không thu hồi hết đường, chất lượng thấp thì làm sao Chính phủ bảo vệ được”, Thủ tướng nói.

 

Mai Hà