17/01/2025

Tàu cá Trung Quốc liên tục ép tàu cá Việt Nam

Ngày 8-1, tại hội nghị tổng kết công tác biên phòng và xây dựng lực lượng năm 2013, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Tàu cá Trung Quốc liên tục ép tàu cá Việt Nam

Ngày 8-1, tại hội nghị tổng kết công tác biên phòng và xây dựng lực lượng năm 2013, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Tàu của ngư dân Bùi Văn Phải (28 tuổi, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) nham nhở những vết cháy vì bị tàu Trung Quốc bắn khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN tháng 3-2013 – Ảnh: Văn Mịnh 

Năm 2013, Biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 516 lượt tàu cá vi phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực đông bắc Đà Nẵng, tăng 223 lượt so với năm 2012. Đáng chú ý, từ ngày 22 đến 28-5-2013, các tàu quân sự của Trung Quốc liên tục xua ép tàu cá ngư dân Việt Nam.

Theo đại tá Dương Đề Dũng – chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng, hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản ngày càng tăng với mật độ dày hơn. Đồng thời các tàu này đi thành từng tốp đông 25-32 chiếc, có sự hỗ trợ của tàu vũ trang giả dạng, tàu vận tải, tàu cung ứng cho hoạt động đánh bắt khi vào sâu trong vùng biển của nước ta.

Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, chánh văn phòng Bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng, cho biết biện pháp chủ yếu của lực lượng biên phòng khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm nhập vi phạm chủ quyền là đưa lực lượng ra xua đuổi. “Chúng ta thực hiện chủ trương đối sách của Nhà nước là thân thiện, hữu nghị. Chúng ta cũng không nên gây căng thẳng, không phải chúng ta sợ hay mềm yếu nhưng phải tránh mắc mưu để họ tạo cớ gây hấn” – ông Quỳnh nói.

Ông Quỳnh cũng cho biết khi phát hiện tàu cá Trung Quốc, lực lượng biên phòng có mặt yêu cầu họ thu gom ngư cụ và rời ngay vị trí trên. “Đa số mình lập biên bản và phóng thích ngay trên biển nên cũng không thấy họ có sự chống cự gì nhiều” – ông Quỳnh cho biết.

Khi được hỏi trước tình hình như thế, lực lượng biên phòng có khuyến cáo gì đối với ngư dân Việt Nam, ông Quỳnh nói: “Chúng ta tuyên truyền khẳng định với bà con ngư dân của mình rằng đó là vùng biển của mình. Thật sự Trung Quốc (tàu cá) tranh thủ lúc vắng chúng ta thì vào, còn thực tế các lực lượng chúng ta luôn có mặt trên vùng biển đó. Họ chỉ xâm nhập lúc thời tiết xấu khi lực lượng của ta rút về.

Tàu của ngư dân ta nhỏ không trụ được, ví dụ như gió mùa đông bắc cấp 6-7, ngư dân ta giãn đi, họ lựa chỗ tàu cá Việt Nam ít thì họ lấn. Ngoài ra, ngày họ ra xa còn đêm họ vào gần nên cũng khó cho lực lượng của chúng ta”.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết đáng chú ý, các hoạt động của người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng có hành vi mua bán hải sản trái phép, núp bóng người Việt để đầu tư bất động sản. Mặt khác, qua công tác xuất nhập cảnh phát hiện 6.410 lượt công dân Trung Quốc nhập cảnh qua cảng Đà Nẵng sử dụng hộ chiếu điện tử có in hình “đường lưỡi bò”, cơ quan chức năng đã xử lý theo đúng quy định của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng.

 

 

Hỗ trợ đột phá cho đội tàu đánh cá xa bờ

Chiều 8-1, đại diện Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết vừa qua Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá giúp đội tàu khai thác xa bờ của Đà Nẵng ngày càng nâng cao năng lực vươn khơi, đóng mới tàu ra khơi khai thác hải sản bền vững và dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đã mang lại khí thế mới cho bà con ngư dân. Riêng trong chín tháng của năm 2013, Đà Nẵng đã hỗ trợ cho sáu tàu đóng mới, công suất 400-900CV.

Sở NN&PTNT Đà Nẵng đã triển khai nhiều khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hỗ trợ máy thông tin liên lạc, thực hiện nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản giúp bà con ngư dân nâng cao kiến thức, đủ năng lực đưa tàu vươn khơi khai thác ngày càng hiệu quả. Nhiều mô hình khuyến ngư thể hiện được tính hiệu quả cao như mô hình “trang bị máy dò cá trên tàu công suất trên 90CV”, mô hình “hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm cho tàu khai thác xa bờ”…

 

 

HỮU KHÁ