16/01/2025

Bỏ sản xuất, bán giày Trung Quốc

Tại VN, hàng độc hại TQ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người và mới nhất là vụ giày dép TQ chứa chất lạ, gây ngứa, lở loét và tê chân. Thế nhưng cơn bão hàng TQ cũng đã đè bẹp không ít DN sản xuất giày trong nước.

 

Bỏ sản xuất, bán giày Trung Quốc

Trong khi cơ quan chức năng lấy mẫu để kiểm tra thông tin giày dép Trung Quốc chứa chất lạ, gây ngứa, lở loét và tê chân đang gây hoang mang dư luận, trên các ngả đường, chợ đêm, trung tâm thương mại, hội chợ… giày dép Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan.

 Giày dép Trung Quốc
Giày dép Trung Quốc giá rẻ đang thống lĩnh thị trường giày dép nội – Ảnh: Nguyên Nga

Lãi gấp 2 – 3 lần hàng Việt

Cô Nga, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân kinh doanh giày tại chợ Tân Định thẳng thừng: “Hằng ngày, 3 quầy hàng của tôi (1 tại chợ Tân Định và 2 shop trên đường Hai Bà Trưng, Q.3) khách vào toàn mua giày Trung Quốc (TQ), giày nội trưng vài đôi “nhỡ” khi khách hỏi. Còn thì họ chê giày nội kiểu quê, đơn điệu cho dù bền, chắc”. Ra sức quảng bá hàng TQ nhưng có một chi tiết bà Nga không đề cập là tiền lãi từ bán giày dép của TQ lời hơn nhiều so với giày dép nội. Chủ thương hiệu giày Pasteur, thương hiệu giày Việt đã có thời được giới tiêu dùng hạng trung ưa chuộng, từng tiết lộ rằng tiền lãi từ giày TQ nhập cao gấp 2 – 3 lần so với giày sản xuất trong nước.

 

 
 

Nếu tôi đầu tư thiết kế mẫu mã, sản xuất trong nước, trừ lương công nhân, điện nước, thuế má hết, lãi nhiều lắm được 5% trong khi để nhập hàng về, in dập tên thương hiệu lên rồi bán đã lời được 25 – 30% rồi

 

 

Ông P., chủ một DN sản xuất giày Việt

 

 

Ngày 7.1, khảo sát tình hình kinh doanh giày dép tại chợ sỉ Bình Tây (Q.6), chúng tôi phát hiện nhiều mẫu dép giống hoặc na ná mẫu dép TQ bị nghi ngờ chứa chất độc gây ngứa, lở loét, ung thư mà dư luận TQ và các tỉnh phía bắc nước ta đang xôn xao.

Tương tự, tại khu chợ kinh doanh giày dép Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (Q.5), giày dép TQ tràn ngập nhưng các chủ sạp hàng ở đây từ chối bán lẻ. Giày dép đủ các loại, đủ màu sắc và giá rất rẻ, từ 10.000 – 100.000 đồng/đôi. Ước tính, phải có đến 90% dép ở đây là hàng TQ hoặc hàng không rõ nhãn mác. Các tiểu thương tại các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Bình, Tân Định… đều tỏ ra ngơ ngác khi được hỏi về thông tin dép TQ nghi ngờ nhiễm chất độc.

Trước thông tin dép TQ nghi ngờ nhiễm độc, cô Ấn, chủ sạp số 863 chợ Tân Định, thẳng thắn: “Tôi mong có dép VN mẫu mã đẹp, nhẹ như dép TQ để lấy hàng bán. Tôi nói thật, nếu có dép VN sản xuất được như hàng TQ tôi lấy ngay, vì rất dễ bán”.

Không chỉ tung hoành tại các chợ, ngay tại các đại lý của các thương hiệu giày dép nội địa, tỷ lệ giày TQ vẫn chiếm đa số. Theo quan sát của chúng tôi, tại đại lý giày dép Biti’s của trẻ em trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) thì 2/3 là hàng TQ. Ngay trong thương xá Tax cũng vậy, lượng giày dép TQ chiếm đại đa số.

Nhưng độc hại

Rẻ, mẫu mã đẹp đi kèm với độc hại. Đó là điểm chung của rất nhiều mặt hàng TQ. Trên thế giới, chỉ điểm sơ trong vòng 5 năm trở lại đây, tại một số nước phát triển, có hàng loạt vụ thu hồi tiêu huỷ giày có xuất xứ từ TQ. Năm 2009, Ý đã phải thu hồi 1,7 triệu đôi giày da TQ để điều tra và kết quả xét nghiệm cho thấy, những đôi giày xuất xứ TQ chứa chất có thể gây ung thư cho người sử dụng mà bắt đầu bằng hiện tượng gây lở loét. Trong hai năm 2011 và 2012, tại Mỹ đều có những vụ thu hồi và tiêu huỷ hàng ngàn đôi giày trẻ em do nghi chứa chất độc hại gây ảnh hưởng da trẻ.

Tại VN, hàng độc hại TQ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người và mới nhất là vụ giày dép TQ chứa chất lạ, gây ngứa, lở loét và tê chân. Thế nhưng cơn bão hàng TQ cũng đã đè bẹp không ít DN sản xuất giày trong nước. Cách đây 10 năm, xưởng chuyên gia công giày cho các thương hiệu giày nữ của ông Phạm Văn Phú trên đường Lạc Long Quân (Q.11) với 14 công nhân làm không kịp hàng. Nay liên lạc qua điện thoại, ông Phú cho biết đã giải tán công nhân và hiện ông mở cửa tiệm kinh doanh giày gần khu công nghiệp Tân Bình.

Ông P., chủ một DN sản xuất giày Việt được thành lập từ năm 1997, cho biết gần 5 năm qua, công ty của ông chỉ sản xuất giày nam, kiểu cổ điển mà số khách hàng tiềm năng vẫn còn chuộng. Với giày nữ, đa số nhập khẩu, dập mác của DN để lấy lời. Từ chối nêu tên lên báo, ông P. nói: “Nếu tôi đầu tư thiết kế mẫu mã, sản xuất trong nước, trừ lương công nhân, điện nước, thuế má hết, lãi nhiều lắm được 5% trong khi để nhập hàng về, in dập tên thương hiệu lên rồi bán đã lời được 25 – 30% rồi”.

Theo anh Nguyễn Hữu Phước, chủ cơ sở da giày Nguyên Phước (Bình Dương), doanh số của công ty giảm ít nhất 30% so với trước đây do giày dép TQ tràn ngập thị trường. Cơ sở giày Nguyên Phước của anh Phước chuyên sản xuất giày dép nữ, phân khúc bình dân, bán tại các chợ đầu mối như An Đông, Tân Bình (TP.HCM). “Tụi tui còn cầm cự vậy là giỏi lắm rồi. Nhiều cơ sở nhỏ “chết” như rạ”, anh Phước nhận xét.

Thị trường nội địa lớn nhưng DN sản xuất nội địa lại đang “chết” ngay trên sân nhà vì không chống lại với hàng TQ.

Nguyên Nga – Hoàng Việt