26/11/2024

Myanmar quyết tâm sửa đổi hiến pháp

Tổng thống Thein Sein và đảng cầm quyền ở Myanmar đã nhất trí sửa đổi bản hiến pháp mở đường cho bà Aung San Suu Kyi tranh quyền lãnh đạo.

 

Myanmar quyết tâm sửa đổi hiến pháp

Tổng thống Thein Sein và đảng cầm quyền ở Myanmar đã nhất trí sửa đổi bản hiến pháp mở đường cho bà Aung San Suu Kyi tranh quyền lãnh đạo.

 
Tù nhân chính trị Myanmar được trả tự do ngày 31.12.2013 – Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu trên radio và được đăng lại trên trang nhất báo tiếng Anh New Light of Myanmar ngày 2.1, Tổng thống Thein Sein nói: “Tôi tin rằng một bản hiến pháp lành mạnh thi thoảng phải được chỉnh sửa để đáp ứng các nhu cầu quốc gia, kinh tế và xã hội của chúng ta”.

Hiến pháp Myanmar ra đời có phần vội vã vào năm 2008 và bị chỉ trích ở nhiều điểm. Đặc biệt là khoản f điều 59, không cho phép những công dân có người thân mang quốc tịch nước ngoài tranh cử tổng thống. Điều khoản này được tin là nhằm “trói chân” nữ chính trị gia có uy tín Aung San Suu Kyi, khi đó đang bị quản thúc tại gia và chỉ được trả tự do hồi tháng 11.2010. Bà Suu Kyi, con gái của anh hùng giải phóng dân tộc Aung San, kết hôn với một người Anh và có con trai mang quốc tịch của bố. Ngoài ra, nhiều phần trong hiến pháp cũng trao cho quân đội các quyền lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp đáng kể, với 25% ghế quốc hội mặc nhiên vào tay các tướng lĩnh mà không qua bầu cử.

Với những lời lẽ đầy hòa hiếu, vị tổng thống cải cách cho rằng Myanmar “cần nâng cao sức sống chính trị bằng cách cải thiện sự tham gia và các quyền chính trị của công dân”. “Tôi không muốn có những hạn chế quyền trở thành lãnh đạo đất nước của bất kỳ công dân nào”, ông Thein Sein nói.

Ngày 30.12.2013, đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) cầm quyền sau cuộc họp 3 ngày đã thông qua bản kiến nghị 94 điểm sửa đổi và xóa bỏ trong bản hiến pháp 2008, trong đó có khoản f điều 59. Kiến nghị của USDP và các đảng chính trị, tổ chức dân sự khác sẽ phải thông qua Ủy ban Nghiên cứu và sửa đổi hiến pháp trước khi được thảo luận tại quốc hội. Quy trình sửa hiến pháp sẽ mất nhiều tháng và chưa chắc giới quân sự sẽ ủng hộ sửa khoản f điều 59 trước khi cuộc tổng tuyển cử 2015 diễn ra. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quyết tâm của Tổng thống Thein Sein và kiến nghị của USDP sẽ “có sức nặng đáng kể”.

Trong khi đó, đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi ngày 28.12.2013 tuyên bố sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử 2015 kể cả khi khoản f điều 59 không được sửa đổi. NLD cũng vừa đưa bản kiến nghị sửa đổi 150 điểm, kể cả khoản f điều 59, trong hiến pháp. Bản thân bà Suu Kyi được biết là đã tạo dựng được quan hệ tốt đẹp hơn với giới quân đội và đang âm thầm liên minh với vị tướng đầy quyền lực Thura Shwe Mann, Chủ tịch USDP và là Chủ tịch quốc hội. “Trong trường hợp không được tranh cử tổng thống, bà Suu Kyi có thể ủng hộ ông Shwe Mann”, một nhà phân tích ở Yangon nói với báo Straits Times.

Trở lại chuyện cải cách, ngày 30.12.2013, chính phủ Myanmar tuyên bố phóng thích hết các tù nhân chính trị theo cam kết của Tổng thống Thein Sein trước cộng đồng quốc tế. Vai trò Chủ tịch ASEAN 2014 của Myanmar coi như được bắt đầu với một hình ảnh tốt đẹp. Ông Thein Sein trong phát biểu đầu năm cũng nói rằng ông cố gắng tạo dựng sự hòa hợp trong nước ngày nào ông còn nắm quyền.

Thục Minh