16/01/2025

Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt

Không chỉ tràn ngập các chợ, trung tâm thương mại, giờ đây hàng Trung Quốc kém chất lượng còn chễm chệ tại các hội chợ hàng Việt.

 

Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt

Không chỉ tràn ngập các chợ, trung tâm thương mại, giờ đây hàng Trung Quốc kém chất lượng còn chễm chệ tại các hội chợ hàng Việt.

 

Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt

Hàng Trung Quốc tràn ngập hội chợ hàng Việt
Hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt” nhưng tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ – Ảnh: Nguyên Nga

 

Dạo quanh một số hội chợ mua sắm cuối năm do các quận tổ chức trên địa bàn TP.HCM, rất dễ nhận thấy hàng Trung Quốc (TQ) kém chất lượng đang tràn ngập những nơi này. Thậm chí, ở những hội chợ gắn với hai chữ “hàng Việt”, tỷ lệ hàng TQ trong đó cũng không vì thế mà giảm đi.

10.000 đồng/3 món

Tại Hội chợ “Tuần lễ mua sắm và hướng nghiệp” ở Q.Bình Thạnh vừa kết thúc hôm 3.1, hàng TQ chiếm lĩnh gần hết không gian. Đập vào mắt người tham quan mua sắm ngay từ quầy đầu tiên là chi chít những bảng giá được treo lơ lửng, dán trên tường quầy hàng cùng nội dung “10.000 đồng/3 món”. Những món hàng đó có thể là cây kẹp, sợi dây thun buộc tóc đủ màu sắc, lọ nước sơn móng tay, bàn chải đánh răng, gói tăm, dao cạo râu, móc chìa khóa, bông tắm, lược nhựa, gương, bông ngoáy tai, bút bi, bút chì… Tất cả đều được bán đồng giá 10.000 đồng/3 món, có đến 90% bao bì sản phẩm in chữ TQ.

 

 
 

Hội chợ ở đây chỉ mang tính chất phục vụ dân nghèo là chính, do đó hàng rẻ cũng để phục vụ người nghèo. Chúng tôi kiểm tra thì cũng chỉ nhắc nhở, đề nghị đơn vị tổ chức nhắc nhở cùng với mình chứ đình chỉ luôn cũng khó

 

Ông Nguyễn Văn Kháng, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt và hỗ trợ việc làm vì sự phát triển thanh niên”

 

 

Đi sâu vào trong, khá nhiều món trong nhóm hàng kể trên được bày bán trên những tấm nhựa trải dưới đất với giá bán chỉ 2.000 đồng/món. Những quầy hàng áo quần, giày dép tại đây cũng đủ màu sắc và rất nhiều sản phẩm TQ, thậm chí hàng TQ được người bán giới thiệu là hàng Việt. Nhiều mặt hàng áo quần trẻ em lòe loẹt còn đính những “mác” giấy in toàn chữ TQ, giá bán 12.000 đồng/bộ. Đây là loại hàng đêm đêm được người bán rao ra rả tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) là “hàng nhà may lâu lâu mới có một lần”, lời rao y chang như tại hội chợ này.

Một nhân viên đang bán hàng quần tây, áo sơ mi nam tại hội chợ tên Tuấn cho biết: “Do tâm lý người tiêu dùng không còn chuộng hàng TQ nữa nên phải tìm cách mông má hàng hóa, dập “mác” Việt để bán cho dễ, thực tế là giày dép, áo quần nữ và trẻ em toàn hàng Tàu bán ở đây”. Những mặt hàng này cũng dễ dàng tìm thấy tại tuần lễ mua sắm vừa được tổ chức tại công viên 23.9, Q.1 vừa qua.

Đáng nói hơn, tại hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt và hỗ trợ việc làm vì sự phát triển thanh niên” được tổ chức tại công viên Gia Định từ ngày 3 – 9.1.2014, những mặt hàng TQ kém chất lượng như thế cũng được bày bán nhan nhản, chiếm đa số tại các gian hàng phía mặt tiền hội chợ. Một lần nữa, các sản phẩm 10.000 đồng/3 món, giày dép nhựa trẻ em, cài kẹp đủ màu sắc, dây nịt, bóp ví… của TQ bình thường đã tràn ngập các chợ Bình Tây, An Đông, chợ đêm Bà Chiểu, chợ đêm Hạnh Thông Tây và có mặt tại các tuần lễ mua sắm như đã kể trên, nay lại ngập tràn hội chợ “kết nối hàng Việt” này. Bên cạnh doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh giày dép Việt đã có thương hiệu là Giày Hồng Thạnh có gian hàng trưng bày, còn lại là rất nhiều gian hàng bán giày dép TQ. Dù có vài đôi in câu “made in Vietnam” nhưng bìa lót trong những đôi giày dép này cũng toàn tiếng TQ.

Hội chợ “nhà nghèo” nên chấp nhập du di ?

Tình trạng nhiều hội chợ hàng Việt tràn ngập hàng TQ, thậm chí cả hàng TQ đội lốt hàng Việt đang trở nên phổ biến. Mới nhất là ngày 20.12.2013 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã phát hiện một lô hàng áo ấm có xuất xứ từ TQ nhưng lại dán nhãn VN bán trong Hội chợ Thương mại Hà Tĩnh 2013. Tuy nhiên, những vụ việc này đều là phần nổi của tảng băng, quá mỏng so với thực tế.

Tại Q.Phú Nhuận, ông Trần Nguyễn Quang Hiển, Trưởng ban tổ chức hội chợ, nói ban tổ chức phối hợp với đơn vị tổ chức hội chợ đã kiểm tra kỹ doanh nghiệp tham gia hội chợ, sẽ phối hợp kiểm tra và đình chỉ gian hàng nếu phát hiện sai phạm trong việc đưa hàng “không thuần Việt” vào tham gia hội chợ “kết nối hàng Việt” này. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Kháng, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức hội chợ này, thì cho rằng việc có “hàng ngoại” (cụ thể đây là hàng giá rẻ từ TQ – NV) ở hội chợ nào cũng có.

“Hội chợ ở đây chỉ mang tính chất phục vụ dân nghèo là chính, do đó hàng rẻ cũng để phục vụ người nghèo. Chúng tôi kiểm tra thì cũng chỉ nhắc nhở, đề nghị đơn vị tổ chức nhắc nhở cùng với mình chứ đình chỉ luôn cũng khó”, ông Kháng nói.

Ông Kháng cũng thừa nhận có nhiều sản phẩm là quần áo, giày da “không phải hàng Việt” tham gia bày bán tại hội chợ và cho là “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng “không thể bắt họ kết thúc hợp đồng vì dù sao doanh nghiệp tham gia là phần nào giúp hỗ trợ quà cho thiếu nhi nghèo của quận” (!?)

 

“Ban tổ chức làm sai rồi”

 

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng: “Nếu lấy tên gọi là “hội chợ hàng tiêu dùng” thì có thể du di cho hàng ngoại tham gia, nhưng cũng trong chừng mực nào đó, vì chúng ta đang chủ trương kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Cuối năm cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nội xả hàng, người dân có cơ hội tiếp cận hàng chất lượng và giá phải chăng. Nhưng nếu mang tên gọi là “kết nối hàng Việt” mà để lọt hàng ngoại, lại hàng dỏm nữa thì mang tiếng hàng Việt lắm. Nếu người tiêu dùng nghe tên là hội chợ hàng Việt, đến đó lại thấy toàn hàng ngoại, ở đây theo phản ánh là hàng TQ kém chất lượng, như vậy ban tổ chức làm sai rồi. Thứ nữa, khách đến tham quan mua hàng, nếu cứ theo đúng cái tên hội chợ đi, lại thấy như bị lừa. Như vậy là không ổn rồi”.

 

 

Bắt vụ vận chuyển 4 tấn bánh kẹo Trung Quốc

 

Chiều 6.1, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.Hà Nội) cho biết đang phối hợp cùng Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) tạm giữ chiếc xe tải cùng lô hàng bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc để điều tra làm rõ. Khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, tại địa bàn H.Gia Lâm (TP.Hà Nội), tổ công tác liên ngành phát hiện một xe tải vận chuyển 291 thùng bánh kẹo tổng cộng khoảng 4 tấn. Bao bì bánh kẹo này đều có mã vạch sản xuất từ Trung Quốc nhưng nhãn mác lại ghi xã La Phù, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội. Lái xe tải là Nguyễn Hữu Ba khai nhận vận chuyển thuê 4 tấn bánh kẹo này từ tỉnh Lạng Sơn về TP.Hà Nội để tiêu thụ.

Hà An

 

 

Ký kết nhưng không thực hiện

 

Công ty TNHH thương mại quảng cáo Nam Ánh Quang là đơn vị thực hiện Hội chợ “Kết nối cùng hàng Việt và hỗ trợ việc làm vì sự phát triển thanh niên” tại Q.Phú Nhuận. Trả lời Thanh Niên, đại diện công ty cho biết giá thuê một gian hàng tại hội chợ này là 8 triệu đồng và có trên 170 gian hàng của trên 90 doanh nghiệp tham gia hội chợ. Trong đó, khoảng 20 doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận, còn lại khoảng trên 70 doanh nghiệp trên cả nước tham gia. Trong bản “Kế hoạch liên tịch” được ký kết giữa hai đơn vị chủ trì và thực hiện có ghi rõ và được tô đậm: “Đảm bảo các doanh nghiệp tham gia các mặt hàng là hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, xuất xứ, có chứng nhận của các đơn vị chức năng”. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại hội chợ này, nội dung ký kết coi như không thực hiện được.

 

Nguyên Nga