27/12/2024

Khơi lại động lực

Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy vẫn có rất nhiều doanh nghiệp (DN) lạc quan vào sự thay đổi tích cực của nền kinh tế năm 2014. Nhưng thực tế, rất ít DN đưa ra những đề xuất cụ thể để tạo nên sự thay đổi mà họ đang kỳ vọng.

 

Khơi lại động lực

Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy vẫn có rất nhiều doanh nghiệp (DN) lạc quan vào sự thay đổi tích cực của nền kinh tế năm 2014. Nhưng thực tế, rất ít DN đưa ra những đề xuất cụ thể để tạo nên sự thay đổi mà họ đang kỳ vọng.

Năm 2013 đã chính thức khép lại với thành công lớn nhất là ổn định vĩ mô, tuy nhiên kinh tế lại đang rơi vào trình trạng trì trệ. Lạm phát được kiềm chế nhưng người dân và DN vẫn sống trong nỗi lo các mặt hàng thiết yếu có thể tăng giá bất cứ lúc nào. Có gần 77.000 DN được thành lập mới, nhưng cũng có hơn 60.000 DN phá sản. Chúng ta tiếp tục xuất siêu nhưng thành tích này không có bóng dáng của khối DN trong nước… Trạng thái “bình bình” này đang tạo cho người dân, DN tâm lý thụ động và lười biếng. Họ chưa và không tìm thấy động lực để thay đổi, mà chỉ hy vọng vào sự thay đổi đến từ chu kỳ “kinh tế có đỉnh và đáy” và năm 2014 sẽ là năm thoát “đáy” chứ chưa thực sự nỗ lực để thoát khỏi trình trạng khó khăn hiện tại.

Điều này có thể hiểu được nếu nhìn lại việc ban hành và thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nền kinh tế trong mấy năm vừa qua. Nếu như cơ chế, chính sách khá đầy đủ, sát sườn thì việc thực thi lại hết sức chậm trễ và thiếu hiệu quả. Cụ thể, để “phá băng” bất động sản, gói hỗ trợ lãi suất cho người dân và DN trị giá 30.000 tỉ đồng đã được triển khai; điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà đã được “nới” hơn. Về tín dụng, lãi suất dù còn cao so với các nước nhưng cũng đã hạ xuống khá nhiều so với “đỉnh” năm 2010; “cục máu đông” nợ xấu cũng đang được tiến hành mua lại, giúp hệ thống ngân hàng thanh khoản tốt hơn. Một loạt chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế cho DN, người dân cũng đã được triển khai… Cơ chế có nhưng sau nửa năm triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỉ chỉ giải ngân được 1% khiến BĐS tiếp tục “ngủ”, kéo theo hàng loạt các ngành liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất… bị ảnh hưởng dây chuyền. Lãi suất hạ nhưng hàng rào thủ tục được dựng lên “cản” chân DN tiếp cận vốn; chính sách thuế chưa đến được với đối tượng cần được thụ hưởng trong khi giá trị và thời gian của gói hỗ trợ còn quá khiêm tốn. Chương trình tái cơ cấu vẫn giậm chân tại chỗ hoặc chỉ “tái” hình thức chứ chưa thực sự “thay máu” như mục tiêu và kỳ vọng. Đặc biệt, sự thiếu nhất quán, khoa học trong việc tăng giá hàng loạt các mặt hàng thiết yếu đã đẩy DN và người dân vào hoàn cảnh suy kiệt và giảm sút niềm tin. Một khảo sát bỏ túi mà chúng tôi thực hiện với một số DN đầu ngành về giải pháp mà họ sẽ đề xuất trong năm 2014, câu trả lời nhận được đa phần giống nhau. Đó là mong muốn Chính phủ quyết liệt trong thực hiện các giải pháp đã ban hành. Cơ chế, chính sách cần có tính ổn định, dài hạn để DN dựa vào đó xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Kỳ vọng vào sự thay đổi vẫn luôn tới trong tâm lý mỗi người dân, mỗi DN khi cánh cửa năm cũ khép lại. Nhưng năm 2014 không chỉ mở ra một năm mới mà còn là năm mang tính “cột mốc” khi VN sẽ chính thức tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một thị trường lớn đầy cơ hội và thách thức cũng sẽ mở ra cho các DN trong nước. Khơi lại động lực, tạo dựng niềm tin để họ có thể vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, đưa nền kinh tế thoát đáy đi lên đang chờ đợi Chính phủ trong việc thực thi các giải pháp, chính sách một cách quyết liệt.  

Nguyên Hằng