11/01/2025

Giấc mộng đổi đời bên kia biên giới

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở tỉnh Hà Giang liên tục sang Trung Quốc lao động trái phép với hi vọng đổi đời. Nhưng họ phải vất vả và may mắn mới trốn thoát những nơi làm việc khổ sở ở đó để trở về đất mẹ.

Giấc mộng đổi đời bên kia biên giới

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở tỉnh Hà Giang liên tục sang Trung Quốc lao động trái phép với hi vọng đổi đời. Nhưng họ phải vất vả và may mắn mới trốn thoát những nơi làm việc khổ sở ở đó để trở về đất mẹ.

Những người Việt Nam làm thuê bị đồn biên phòng Trung Quốc trao trả cho đồn biên phòng Hà Giang – Ảnh: Thu Hường 

Họ ra đi do cuộc sống khó khăn, do những lời hứa hẹn của những kẻ môi giới việc làm bất hợp pháp.

Những người không may mắn

Đến hôm nay sau hơn hai tuần trở về gia đình, Thào Mí Sá (27 tuổi, thôn Tà Phìn A, xã Tả Phìn, Đồng Văn, Hà Giang) vẫn chưa hết hãi hùng khi kể về hành trình ra đi của mình. Như bao thanh niên ở Tả Phìn, lớn lên Sá lấy vợ rồi sinh con, nhưng ngô lúa trên nương không đủ ăn, quanh năm túng thiếu. Đầu năm 2013 trong một lần đi chơi chợ, Sá gặp một người quen cũ, sau mấy bát rượu ngô anh kể về gia cảnh của mình. Tỏ như đồng cảm, bạn của Sá nói đang làm thuê bên Trung Quốc, công việc nhàn nhã, lương cao, mỗi ngày được chủ trả đến 200.000 đồng, lại còn được họ đối xử tốt, cho ăn uống đàng hoàng. Thế rồi anh ta hẹn sẽ đưa Sá sang đó cùng làm.

 

Mới chỉ bàn biện pháp

“Mới đây, chúng tôi đã trao đổi với các giới chức tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bàn về các giải pháp tiến tới chấm dứt tình trạng này, Hà Giang cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo người lạ; tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là công an, biên phòng để làm tốt công tác điều tra, thống kê hộ khẩu, hộ tịch ở địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng qua Trung Quốc làm thuê rồi gặp phải bi kịch khi trở về chỉ còn cách hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Việc nhân rộng các mô hình mới trong phát triển kinh tế giúp nhân dân thoát nghèo phải được xem là vấn đề cấp thiết, có như vậy đồng bào mới yên tâm bám nương, bám bản làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình”.

Ông Nguyễn Thanh Long(phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Hà Giang)

 

Như kẻ chết đuối vớ được cọc, về nhà Sá bàn với vợ rồi phấn khởi thu xếp hành trang đợi “ân nhân” sắp xếp đưa mình lên đường. Cùng đi với Thào Mí Sá hôm ấy còn có gần 40 người khác ở khắp nơi trong tỉnh, được tập trung rồi theo đường cửa khẩu Săm Pun (huyện Mèo Vạc) sang Trung Quốc. Họ đi xuyên qua rừng để tránh biên phòng phát hiện, đến bên kia biên giới đã có ôtô chờ sẵn và chở mọi người đi hàng trăm kilômet vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Khi đến một vùng núi đồi hoang vu, hẻo lánh mà họ cũng chỉ nghe loáng thoáng là tỉnh Quảng Tây thì mong ước đổi đời, có tiền làm giàu cho gia đình đã tan vỡ. Họ được giao cho một chủ trang trại, ban ngày phải đi phát rừng, cuốc đất trồng cây, vừa làm vừa đánh vật với đàn muỗi rừng. Đêm về ngủ trong những căn lều tạm bợ, bẩn thỉu.

Mấy lần Sá và mọi người định bỏ về nhà nhưng chủ không chịu trả lương, lại còn bị dọa đánh, nhất là chẳng ai biết đâu là đường về Việt Nam. Nắm được tâm lý đó, các tay chủ lại ra sức bóc lột sức lao động, tăng giờ làm và thẳng tay đánh đập những ai có biểu hiện chống đối. Quá bức xúc, Sá và một số người trong nhóm đã bỏ trốn sau hơn tám tháng lao động khổ sai mà không hề nhận được một đồng lương. Mất mấy ngày băng rừng, cứ nhắm hướng nam mà cuốc bộ, họ mới về đến biên giới.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Vàng Dũng Na ở thôn Tả Phìn, xã Sính Lủng (huyện Đồng Văn). Trong căn nhà tối om, không vật gì đáng giá, Na đăm chiêu kể: Cả gia đình quanh năm trồng ngô, làm nương vẫn không đủ xoay xở để nuôi năm miệng ăn. Đầu năm nay, có một người hàng xóm đi Trung Quốc về nói rằng bên đó đang tuyển lao động, công việc nhàn lắm, mỗi ngày trung bình được 60-70 tệ, làm một thời gian có thể mang về mấy chục triệu tiền Việt. Ngẫm thấy cảnh nhà mình quanh năm túng thiếu, muốn kiếm một khoản tiền nên Na và bố bàn nhau đi… Phải trèo đèo, lội suối, đi đường tắt qua rừng gần một ngày họ mới đến bên kia biên giới, ở đó đã có người Trung Quốc đón sẵn. Bố con Na cùng với một nhóm người khác được lên ôtô đi liền ba ngày ba đêm mới đến chỗ làm. Công việc hằng ngày của họ là phát nương trồng thông. Sau một thời gian lao động như khổ sai, nhờ chắt chiu dành dụm nên bố con Na cũng có được một khoản tiền nhỏ định mang về nhà làm vốn nuôi dê. Nhưng đớn đau thay, chiếc xe chở bố con Na trở về gặp tai nạn, ông cụ bị thương nặng, lại do sức khỏe yếu vì làm việc quá sức nên đã qua đời. Còn Na sau khi thoát chết thì số tiền tích cóp đã không cánh mà bay, khiến anh tay trắng trở về với thương tích đầy mình.

Phận làm thuê xứ lạ

Dọc các huyện biên giới của Hà Giang, khi đem chuyện thân phận những người dân sang bên kia làm thuê đâu đâu cũng thấy những chuyện đau lòng.

Nhà ở tận xã Phó Bảng của huyện Đồng Văn, gia đình Vừ Mí Phừ cũng khốn khó. Thấy người ta bảo bên Trung Quốc có việc làm, bắt được mối nên Phừ vượt biên. Chỗ Phừ sang làm việc là một nông trường trồng rừng. Phừ mong sẽ mang nhiều tiền về cho gia đình vì thấy chủ bảo sẽ trả cho 120 tệ (tương đương 400.000 đồng) cho một ngày công. Nhưng rồi, Phừ vỡ mộng vì ngoài việc cho ăn, cho ở chả hơn “con trâu, con ngựa nuôi trong chuồng”, Phừ còn không được trả lương như đã hứa, hơn nửa năm làm việc, đòi mãi ông chủ mới trả cho vài triệu đồng. Chỗ Phừ làm có rất nhiều người Việt Nam sang, đều theo kiểu chui lủi cả nên ông chủ thường cấm bọn Phừ ra đường, ra phố sau ngày lao động.

Một buổi, cả nhóm đang trên đường đi làm về thì công an ập đến. Phừ cùng 15 người Việt bị bắt lên xe, đưa về đồn. Sau bảy ngày trong đồn, cả nhóm bị đưa đi cải tạo, lao động ở bên ngoài để lấy tiền cho chi phí giấy tờ, thuê xe trả về nước. Mất một tháng làm không công nữa, Phừ mới được trao trả về nước.

Mới đây, Hà Giang đã chứng kiến cảnh đau lòng khi có 10 thanh niên dân tộc thiểu số ở các huyện Bắc Mê, Đồng Văn cũng vì đói khổ đã trốn sang biên giới làm thuê từ đầu tháng 10. Trên đường di chuyển sang tỉnh Vân Nam, chuyến xe của họ gặp tai nạn làm chết tại chỗ Hoàng Càn Sênh (sinh năm 1992, tại Yên Cường, Bắc Mê) và Vàng Chứ Dia (sinh năm 1961, tại Sính Lủng, Đồng Văn). Bảy người khác bị thương, sau khi bình phục đã tự tìm đường về Việt Nam.

May mắn hơn Càn Sênh và Chứ Dia một chút, nhưng anh Nùng Văn Sèn ở xã Ngàm Đăng Vài (huyện Hoàng Su Phì) phải chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần không hề nhỏ. Đã hơn một tháng trở về nhà, nhưng Sèn vẫn chưa hết sợ hãi sau vụ tai nạn lao động xảy ra với mình. Trước khi vào sâu nội địa Trung Quốc để làm việc, anh và một số người cùng xã vẫn thường xuyên vượt biên trái phép để làm thuê ở gần khu vực biên giới. Họ làm vài ngày lại về, khi chủ có việc, cần gọi lại sang làm thuê.

Cuối tháng 10-2013, người bạn của Sèn là Giàng Seo Lình (ở xã Chiến Phố) rủ anh vào sâu nội địa Trung Quốc vì nghe nói ở đó làm tiền công cao hơn. Thấy bạn nói bùi tai nên anh đồng ý đi, họ cùng nhau đón ôtô mất một ngày đêm thì đến nơi làm việc, đó là một mỏ khai thác quặng theo kiểu “thổ phỉ”. Với số tiền được hứa hẹn lên đến 300.000 đồng một ngày công đã làm những người lao động nghèo đến từ Việt Nam rất phấn khởi và quên đi những nguy hiểm đang rình rập ở đây. Cả Sèn, Lình và nhiều người khác không được hướng dẫn kiến thức về an toàn lao động, không được trang bị những dụng cụ bảo hiểm cần thiết.

Mới làm được một ngày thì xảy ra vụ nổ mìn trong hầm lò, Giàng Seo Lình tử vong tại chỗ, Sèn bị trọng thương. Bởi họ là lao động tự do, không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng lao động hoặc bảo hiểm nào nên chủ lò cho người khiêng cả hai vứt bỏ tại cột mốc gần đồn biên phòng Thàng Tín (Hoàng Su Phì). May mắn được người dân phát hiện báo cho biên phòng nên Sèn thoát chết. Giờ đây khi được trở về với gia đình, tiền công của Sèn không có, lại suýt mất cả mạng và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Còn gia đình Giàng Seo Lình giờ đã tan đàn xẻ nghé. Sau khi Lình chết, vợ anh bỏ sang Trung Quốc lấy chồng, bỏ lại hai đứa con nhỏ bơ vơ cho bà mẹ chồng năm nay đã gần 80 tuổi…

Ở miền biên ải này, hằng ngày có biết bao người, chỉ một cuộc nói chuyện, một cái gật đầu là những bản “hợp đồng miệng” đã hình thành, họ coi như giao tính mạng của mình cho những lời hứa tận bên kia biên giới. Vậy mà khi trở về, nhiều người trong số họ không một đồng lương dính túi, sức khỏe suy kiệt và nghèo vẫn hoàn nghèo. Những người lao động Việt Nam thường phải làm những công việc vất vả như trồng, chăm sóc rừng, đào đất, khai thác gỗ… Thậm chí một số còn bị đưa đến những khu khai thác quặng rất nguy hiểm, thường xuyên bị chính quyền địa phương truy bắt. Trong khi đó, mức thu nhập mỗi ngày của họ tính ra tiền Việt Nam cũng chỉ 150.000-250.000 đồng/người.

 

 

Người đi làm thuê tăng gấp 3 lần

Hà Giang, vùng đất địa đầu có trên 300km đường biên với 7/11 huyện biên giới thì cả bảy huyện đều xuất hiện tình trạng người dân sang Trung Quốc làm thuê.

Theo số liệu khảo sát thực tế của Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh, số lao động sang Trung Quốc những năm gần đây tăng cao đến mức báo động. Năm 2011, số lao động tự do sang Trung Quốc làm việc là 6.170 lượt người, nhưng đến năm 2012 là 11.898 lượt người. Năm 2013 tính đến thời điểm này đã có 17.568 trường hợp (tăng gần ba lần so với năm 2011). Trong số người sang biên giới làm thuê, có tới 94% xuất nhập cảnh trái phép.

Đặc biệt như ở xã Tả Phỉn (huyện Đồng Văn – một trong những địa phương “nóng” nhất về tình trạng vượt biên ở Hà Giang), tuy nằm trong nội địa nhưng năm 2013 có đến 345 người bỏ sang Trung Quốc; xã Thài Phìn Tủng – một xã giáp biên – con số này cũng lên đến 340 trường hợp, trong số đó có gần 20 em học sinh cấp II… Nhất là vào thời điểm cuối năm, người dân muốn kiếm thêm thu nhập để sắm tết nên tình trạng này càng thêm nóng bỏng.

Mới đây, đồn biên phòng Đồng Văn vừa bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Chương (sinh năm 1990, trú tại thôn Lài Cò, thị trấn Đồng Văn) qua Trung Quốc. Chương đã câu kết với nhiều đối tượng đưa người Việt Nam là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa sang Trung Quốc lao động trái phép. Mỗi lao động khi đưa sang thành công, hắn được các chủ môi giới Trung Quốc trả 200 nhân dân tệ (tương đương 700.000 đồng).

 

 

NGỌC TÙNG – THU HƯỜNG