25/11/2024

Kiểm soát thu nhập của cán bộ

Theo dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, toàn bộ các khoản thu nhập từ lương, thưởng, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản, trúng xổ số… sẽ bị nhà nước kiểm soát.

 

Kiểm soát thu nhập của cán bộ

Theo dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, toàn bộ các khoản thu nhập từ lương, thưởng, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản, trúng xổ số… sẽ bị nhà nước kiểm soát. Tài sản bất minh không giải trình được nguồn gốc có thể bị thu hồi ngay.

 

Kiểm soát thu nhập của cán bộ
Sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện các quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, về giao dịch thanh toán qua ngân hang – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Trao đổi với Thanh Niên ngày 22.12, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết dự thảo đề án vừa được trình lên Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến. “Nếu Bộ Chính trị đồng ý cho phép Chính phủ thực hiện thì chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng lộ trình cụ thể, chi tiết việc kiểm soát thu nhập của toàn bộ những người có chức vụ, quyền hạn theo quy định” – ông Đạt nói.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập

Theo TTCP, minh bạch tài sản, thu nhập được coi là giải pháp then chốt, trọng tâm trong phòng ngừa tham nhũng nhưng hiện nay còn nhiều hạn chế; quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.

 

 
 

Sẽ có cơ chế cho phép tịch thu ngay những khối tài sản bất minh, không chứng minh được về nguồn gốc hình thành

 

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng

 

 

TTCP nhận định một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến cho việc kiểm soát thu nhập còn nhiều hạn chế là nền kinh tế VN vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Chính vì thế dự thảo đề án đề ra mục tiêu nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ khi được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm đến 5 năm sau khi người có chức vụ, quyền hạn nghỉ hưu với rất nhiều nội dung thông tin, gồm: thông tin kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thông tin về thu nhập từ ngân sách nhà nước; thông tin về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN)…

Để tạo tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, dự thảo cho rằng cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về kê khai, giải trình, xác minh và xử lý đối với người kê khai không trung thực và thu nhập không giải trình được nguồn gốc hình thành hợp pháp.

Theo dự thảo, các khoản thu nhập thuộc diện bị kiểm soát lên tới hàng chục đầu mục được quy định tại điều 3 và điều 4 luật Thuế TNCN: thu nhập từ tiền thưởng, chuyển nhượng vốn, bất động sản, chứng khoán, trúng thưởng (casino, cá cược, xổ số), bồi thường nhà nước, bồi thường từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ… Các khoản thu nhập không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ bị phát hiện, khi có yêu cầu giải trình nguồn gốc mà không giải trình được thì được xem là các khoản thu nhập bất hợp pháp. Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung tội danh làm giàu bất hợp pháp vào bộ luật Hình sự và thực hiện việc điều tra, xử lý theo hướng thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn.

Không kiểm soát được hết sẽ dễ dàng tẩu tán

Dự thảo đã đưa ra lộ trình thực hiện khá cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn 1 (2014 – 2016) sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, về giao dịch thanh toán qua ngân hàng (NH), về thuế TNCN, quy định về việc nhận quà và nộp lại quà tặng, về việc kiểm soát chi tiêu của người có chức vụ, quyền hạn. Giai đoạn này TTCP sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tập trung kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương từ phó chủ tịch huyện và tương đương trở lên; các cơ quan nhà nước ở T.Ư từ phó vụ trưởng và tương đương trở lên.

 

 
 

Dự thảo đề án coi phản ánh, tố cáo của người dân là một “kênh” thông tin hữu hiệu để kiểm soát thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

 

 

 

Sau khi tổng kết, đánh giá những ưu nhược điểm đã thực hiện trong giai đoạn 1 sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn 2 (2017 – 2020) với mục tiêu quan trọng nhất là mở rộng việc kiểm soát thu nhập với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập để đến giai đoạn 3 (sau năm 2020) sẽ kiểm soát được toàn bộ thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Ngoài việc kiểm soát chi, ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện phương thức chi trả qua tài khoản ngân hàng mọi khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn.

Theo ông Phạm Trọng Đạt, việc kiểm soát thu nhập không thể làm nhanh trong “một sớm, một chiều”, mà phải có quá trình, làm từng bước vững chắc, bởi hiện nay có quá nhiều rào cản phải vượt qua. Ông Đạt cho biết trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào việc yêu cầu kê khai thu nhập và có cơ chế để kiểm tra, đánh giá tính trung thực của việc kê khai đó. “Sẽ có cơ chế cho phép tịch thu ngay những khối tài sản bất minh, không chứng minh được về nguồn gốc hình thành” – ông Đạt khẳng định.

PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng yếu tố mấu chốt, quyết định thành bại của đề án nằm ở chỗ có kiểm soát nổi toàn bộ tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn hay không. Hiện nay gần như toàn bộ nền kinh tế đang sử dụng tiền mặt, việc chuyển đổi sang hình thức chuyển khoản đã khó, nhưng khó hơn nữa là có rất nhiều dạng tài sản thể hiện ở đất đai, nhà cửa, cổ phiếu, đầu tư vốn, tàu thuyền, ô tô, vàng, kim cương… “Nếu chúng ta không kiểm soát được toàn bộ số tài sản đó thì rất dễ để họ chuyển đổi tài sản sang một dạng khác. Hơn nữa, nếu đề ra lộ trình thực hiện quá dài cũng dễ khiến các quan chức giàu có hiện nay nhanh chân tẩu tán tài sản” – bà An quan ngại.

 

Ai thuộc diện kiểm soát thu nhập ?

 

Dự thảo cho biết những người có chức vụ quyền hạn quy định tại khoản 2 điều 1 luật Phòng, chống tham nhũng thuộc diện phải kiểm soát thu nhập: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Những người này phải thực hiện việc kê khai thu nhập phát sinh theo kỳ kê khai (quý, năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai.

 

Thái Sơn - Thế Văn