23/01/2025

Trung Quốc gom tôm nguyên liệu

Xuất khẩu tôm của VN trong 2013 có thể đạt giá trị lên tới 3 tỉ USD nếu nguồn tôm nguyên liệu không bị Trung Quốc thu gom rất mạnh.

 

Trung Quốc gom tôm nguyên liệu

Xuất khẩu tôm của VN trong 2013 có thể đạt giá trị lên tới 3 tỉ USD nếu nguồn tôm nguyên liệu không bị Trung Quốc thu gom rất mạnh.

 

 Tôm nguyên liệu
Các DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với thương nhân TQ trong việc mua mua tôm nguyên liệu – Ảnh: CTV

 

Hiệp hội Chế biến thủy sản VN (VASEP) đã nhấn mạnh như vậy khi đánh giá tình hình xuất khẩu (XK) tôm năm nay.

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh XK của VN bị sụt giảm mạnh cả về lượng và giá, thì XK tôm lại gặp nhiều thuận lợi với tốc độ tăng trưởng tới 30% trong 10 tháng đầu năm, đạt giá trị kim ngạch 2,4 tỉ USD. Chỉ riêng tôm đã chiếm tới 44% trong tổng kim ngạch XK thủy sản 5,5 tỉ USD của VN. Dự kiến kim ngạch XK tôm năm nay sẽ đạt khoảng 2,8 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2012 (kế hoạch ban đầu khoảng 2,2 tỉ USD). Tuy nhiên việc Trung Quốc (TQ) thu mua tôm nguyên liệu mạnh đã khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu, bị động trong việc thực hiện các đơn hàng XK sang Nhật, Mỹ, EU.

“Họ nắm được thị trường”

Hiện tại những ngày này đang vào cuối mùa thu hoạch nên giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL tăng cao. Ở các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, giá tôm thẻ loại 60 con/kg là 190.000 đồng/kg; loại 90 con/kg giá 160.000 đồng/kg. Còn tôm sú loại 20 con/kg giá từ 290.000 – 300.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 270.000 – 280.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá khoảng 200.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg so với hồi chính vụ (tháng 6), giúp người nuôi tôm thu lợi từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ha/vụ. Ông Duy, chủ một hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu, cho biết: “Khi chuẩn bị thu hoạch thì mình đi dọ giá, chỗ nào trả cao, tiền bạc sòng phẳng thì mình bán chứ cũng không cần biết họ mua để bán qua TQ hay đâu nữa”.

Theo ông Quảng – một thương lái mua tôm ở Cà Mau, cạnh tranh thu mua tôm giữa các DN trong nước và những thương lái thu mua để bán sang TQ đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2012. “TQ mua tôm giá cao hơn DN trong nước, các điều kiện về kích cỡ, chất lượng cũng dễ dãi hơn nên người dân rất thích bán cho họ. Khi nguồn cung hạn chế, thương nhân TQ thường ứng trước tiền mua tôm nên càng giành lợi thế”, ông Quảng nói.

Phó tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) Trương Văn Phước ước tính lúc cao điểm hồi quý 3, mỗi ngày thương nhân TQ có thể thu gom 200 – 300 tấn tôm ở các tỉnh ĐBSCL. Họ nắm được thị trường vì mua với giá cao hơn từ 15 – 20% so với các DN VN. Thị trường TQ “ăn” hàng tôm nguyên liệu mạnh là do các nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan năm nay mất mùa tôm.

Tôm nguyên liệu chủ yếu được thương nhân TQ đưa về nước qua đường tiểu ngạch. Với đường XK chính ngạch, TQ cũng vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường lớn thứ 4 về nhập khẩu thủy sản của VN. Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch XK thủy sản sang TQ đạt 462 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng tôm đạt 310 triệu USD, tăng gần 50%, chiếm 67% tổng giá trị XK thủy sản xuất sang thị trường này. XK tôm sang TQ đã tăng mạnh và tăng liên tục qua các tháng, với tốc độ tăng 25 – 115%.

Tổng cục Thủy sản cảnh báo

Trong một báo cáo mới đây, VASEP cho biết: Trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của VN, tôm đã qua chế biến chiếm tỷ trọng 31%, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 69%. Tỷ trọng này trong cơ cấu XK tôm VN qua TQ lần lượt là 3,6% và 96,3%. Việc XK tôm nguyên liệu quá nhiều qua TQ làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu chế biến hàng giá trị gia tăng xuất sang các thị trường khác. Từ giữa tháng 9.2013, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã gửi công văn đến Sở NN-PTNT các địa phương cảnh báo về tình hình trên.

 

 
 

Việc thương nhân TQ mua tôm nguyên liệu mạnh, chất lượng thế nào cũng được sẽ khiến người nuôi tôm trở nên dễ dãi, có thể ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Nếu TQ giảm mua tôm hoặc không mua nữa, nguyên liệu này sẽ không thể chế biến để bán qua các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU

 

Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải

 

 

“Nhiều thương nhân TQ mua tôm ướp đá mang về nước mà không qua bất kỳ khâu chế biến nào kể cả cấp đông. Thị trường TQ mua hàng mạnh là bình thường nhưng bất thường là ở chỗ cách mua hàng như vậy. Con tôm là sản phẩm XK chủ lực của VN, có uy tín lớn trên thị trường quốc tế. Việc thương nhân TQ mua tôm nguyên liệu mạnh, chất lượng thế nào cũng được sẽ khiến người nuôi tôm trở nên dễ dãi, có thể ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Nếu TQ giảm mua tôm hoặc không mua nữa, nguyên liệu này sẽ không thể chế biến để bán qua các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU”, Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải phân tích.

Nếu lượng tôm nguyên liệu bán sang TQ được dùng để chế biến rồi mới XK, giá trị tăng thêm thu được là bao nhiêu? Trả lời câu hỏi này, một doanh nhân (không muốn nêu tên) cho rằng: Khó có thể tính toán cụ thể nhưng ước tính, theo cơ cấu XK tôm của VN có 31% đã qua chế biến, nguồn thu ngoại tệ có thể tăng thêm hàng chục triệu USD nếu 31% tôm nguyên liệu xuất qua TQ được giữ lại để chế biến, sau đó mới XK.

Thua trên sân nhà

Việc thương nhân TQ mua tôm mạnh với giá cao không phủ nhận được là đã đem lại nguồn lợi cho người nuôi tôm. Tuy nhiên các chuyên gia thủy sản lưu ý rằng cần chú ý đến tính thất thường của thị trường TQ. Những năm trước, TQ là một trong các thị trường mà DN VN nhập khẩu tôm nguyên liệu về để chế biến. Năm nay do nguồn cung khan hiếm tạm thời nên TQ mới nhập tôm nguyên liệu với số lượng lớn từ VN. Vì vậy, thị trường này có thể thay đổi bất ngờ, chuyển từ mua sang không mua.

Theo ông Trương Văn Phước, do không cạnh tranh nổi về giá thu mua tôm nguyên liệu với thương nhân TQ nên các DN trong nước chỉ thu mua được khoảng 20 – 30 % nguyên liệu so với nhu cầu. Trước tình hình không thể chủ động nguồn nguyên liệu, các DN không dám ký hợp đồng XK với sản lượng hàng trăm container sang các thị trường Nhật, Mỹ, EU như trước. Thay vào đó, họ chỉ dám nhận các hợp đồng nhỏ từ 5 – 10 container, thực hiện xong mới dám ký tiếp. Một DN ở Cà Mau cho hay hiện vẫn phải duy trì nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu để chế biến, XK đi Nhật, Mỹ, EU. VASEP cũng thông tin do không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương nhân TQ, nhiều DN chế biến thủy sản đã không thể hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng truyền thống của mình.

Ngoài ra, thương nhân TQ thu mua tôm VN trả bằng tiền đồng thì DN phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu tôm nguyên liệu, mất nhiều thời gian chờ nhận hàng, bị động do phụ thuộc vào tình hình thị trường của nước bán tôm…

 

Các chuyên gia cho rằng DN chế biến thủy sản phải có chính sách tốt để có thể gắn kết hơn với người nuôi tôm, từ đó có thể ổn định nguồn nguyên liệu. Điều cần làm là phải bảo đảm thu mua với giá hợp lý, kể cả vào những thời điểm thị trường sụt giảm, nguyên liệu dư thừa. Từ đó mới có thể tăng năng lực cạnh tranh với thương nhân TQ trong thu mua nguyên liệu, hạn chế việc phải nhập khẩu tôm nguyên liệu về chế biến.

 

Chí Nhân – Đình Tuyển