23/01/2025

ASEAN là trọng tâm của ngoại giao Nhật Bản

Trong vòng 12 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã năm lần công du khu vực Đông Nam Á và thăm đủ 10 nước thành viên ASEAN. Điều đó khẳng định mối lưu tâm đặc biệt của Nhật Bản trong khu vực.

ASEAN là trọng tâm của ngoại giao Nhật Bản

Trong vòng 12 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã năm lần công du khu vực Đông Nam Á và thăm đủ 10 nước thành viên ASEAN. Điều đó khẳng định mối lưu tâm đặc biệt của Nhật Bản trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) tiếp Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Tokyo ngày 12-12 - Ảnh: Reuters  

Trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản – ASEAN diễn ra ngày 14-12 tại Tokyo, nhà lãnh đạo Nhật đã sẵn sàng chào đón các nguyên thủ ASEAN bằng những nội dung quan trọng nhất làm nền tảng cho mối quan hệ tương lai giữa Nhật Bản và ASEAN.

5 nguyên tắc quan hệ

Hôm qua, tại văn phòng thủ tướng, ông Shinzo Abe đã trả lời phỏng vấn giới báo chí ASEAN. Gần 20 phóng viên đến từ 10 nước Đông Nam Á, trong đó có mặt phóng viên Tuổi Trẻ, chỉ có cơ hội đặt bốn câu hỏi để Thủ tướng Abe trả lời trong vòng 30 phút. Vì thế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chọn lựa hết sức kỹ lưỡng để bốn câu hỏi này nhằm vào những vấn đề quan trọng nhất mà nước này muốn truyền tải đến ASEAN và thế giới trong những ngày này.

“Chúng tôi muốn khẳng định tầm nhìn mới về quan hệ hữu nghị Nhật Bản – ASEAN” – Thủ tướng Abe phát biểu.

Ông cho biết tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản – ASEAN và Hội nghị cấp cao Nhật Bản – Mekong, quan hệ nhiều mặt về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ được thảo luận trên năm nguyên tắc mà Chính phủ Nhật đưa ra đầu năm nay.

Đó là (1) cùng với các thành viên ASEAN bảo vệ và thúc đẩy các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ và các quyền cơ bản của con người; (2) cùng với các quốc gia thành viên ASEAN bảo đảm sao cho các vùng biển mở và tự do được quản trị bằng luật pháp và quy định chứ không phải bằng vũ lực và chào đón sự tái cân bằng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương; (3) thúc đẩy đầu tư và thương mại; (4) bảo vệ, chăm sóc các di sản và truyền thống văn hóa phong phú của ASEAN và (5) thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ nhằm tăng cường hiểu biết chung.

Với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản là một thành viên tham gia đàm phán, Thủ tướng Abe cho biết cuộc thương lượng cấp bộ trưởng vừa qua vẫn đạt được “tiến bộ đáng kể trong các vấn đề then chốt còn tồn tại”.

Trong một vài tuần tới, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau và sau đó bộ trưởng các nước sẽ gặp nhau lần nữa trong tháng 1-2014. “Không riêng Nhật mà các nước khác cũng có những vấn đề khó và nhạy cảm về chính trị. Trong khi lưu ý đến tính nhạy cảm của mỗi nước, chúng tôi cũng cố gắng đạt được một thỏa thuận toàn diện, ở mức độ cao và cân bằng. Chúng tôi sẽ làm hết sức để có thể sớm ký kết hiệp định” – Thủ tướng Abe khẳng định.

Cánh cửa đối thoại luôn mở

Theo Thủ tướng Abe, hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN đã phát triển liên tục và nhất quán từ quá khứ tới tương lai và mối quan hệ này không chỉ bao gồm lợi ích của Nhật Bản và ASEAN, mà còn đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới nói chung.

Ông nói: “ASEAN – với tư cách là động lực của nền kinh tế thế giới – thật sự là người bạn quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Nhật Bản. Chúng ta còn có quan hệ đối tác với nhau để bảo đảm cho các biển và đại dương của châu Á được mở và tự do. Do đó, tôi cũng sẽ thảo luận với các lãnh đạo ASEAN về các vấn đề của khu vực và toàn cầu”.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đồng ý trả lời câu hỏi về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Phía Nhật Bản vẫn coi đây là một hành động nguy hiểm để đơn phương thay đổi nguyên trạng tại biển Hoa Đông và làm tình hình leo thang, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những hậu quả không lường trước.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh sự vô lý trong ADIZ của Trung Quốc ở chỗ nó vi phạm quyền tự do bay trong không phận quốc tế thông qua việc Trung Quốc yêu cầu các máy bay ở không phận quốc tế phải tuân thủ quy định nội địa của nước này và áp dụng biện pháp khẩn cấp nếu các máy bay không chấp hành.

Từ khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ và các nội dung liên quan, phía Nhật Bản đã liên tục yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ bất cứ biện pháp nào có thể vi phạm quyền tự do bay trong không phận quốc tế, đặc biệt khi vùng này bao gồm cả không phận phía trên đảo Senkaku mà phía Nhật Bản khẳng định là một phần không tách rời của lãnh thổ nước này.

“Nhật Bản sẽ tiếp tục kiên định lập trường của mình một cách bình tĩnh để ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng các biện pháp cưỡng ép để kiên quyết bảo vệ lãnh thổ đất liền, trên biển và trên không của chúng tôi.

Hơn nữa, vấn đề này ảnh hưởng trật tự cả khu vực Đông Á, bao gồm cả biển Đông. Ngoài Hoa Kỳ, chúng tôi chia sẻ quan tâm chung với ASEAN trong việc duy trì ổn định và an toàn ở khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp và làm việc cùng nhau để duy trì trật tự hàng không quốc tế, trong đó có việc bay tự do trong không phận quốc tế” – ông Abe nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc lại mối quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc được dựa trên những “lợi ích chiến lược chung” và phía Nhật sẽ cố gắng hết sức để phát triển mối quan hệ song phương này: “Cánh cửa đối thoại của tôi luôn mở và hi vọng Trung Quốc cũng có thái độ tương tự”.

HƯƠNG GIANG