24/01/2025

Tập trung đánh án tham nhũng lớn

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: vụ án nhỏ thì dễ xử lý nên xử lý nhanh hơn, còn vụ án lớn và phức tạp thì phải mất nhiều thời gian hơn nên có cảm giác chỉ phát hiện và xử lý những vụ án tham nhũng nhỏ, chỉ đánh ở cấp xã. Nhưng thực tế chúng ta cũng đã phát hiện và tập trung nhiều vào các vụ án lớn.

Tập trung đánh án tham nhũng lớn

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, các nước trên thế giới đã và đang có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (9-12 hằng năm). Riêng VN trong năm 2013 cũng có nhiều sự kiện trên mặt trận này. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn về phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh – Ảnh: Việt Dũng 

Thể chế PCTN được quan tâm hoàn thiện

* Năm 2013 là năm đầu thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đã có những chuyển động đáng ghi nhận nào trong công tác PCTN so với trước đây, thưa ông?

- Chúng ta đã có nhiều bước tiến trong công cuộc PCTN. Trước hết là về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Qua thực tiễn triển khai Luật PCTN cho thấy một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác PCTN. Cụ thể như một số quy định về việc kê khai tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; nhận, nộp lại quà tặng; khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN; chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN còn hạn chế. Chính vì vậy công tác xây dựng thể chế trong năm qua đã được Thanh tra CP và các bộ ngành liên quan tập trung rất cao để khắc phục các hạn chế đó. Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập (để kịp thời triển khai cho đợt kê khai cuối năm 2013), thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN, chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN; đồng thời đang nghiên cứu và xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Có thể nói việc ban hành văn bản hướng dẫn lần này có thời gian nhanh hơn so với các lần trước. Nhiều quy định của pháp luật về PCTN có tiến bộ hơn. Đơn cử trước đây bản kê khai tài sản, thu nhập chưa được công khai rộng rãi thì nay đã được công khai tại cơ quan nơi người đó thường xuyên công tác, làm việc. Bên cạnh đó, sự bổ sung quy định về công khai, minh bạch hoạt động trên một số lĩnh vực; quy định mới về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trình tự, thủ tục của việc giải trình đã thể hiện những bước tiến rất tốt của thể chế về PCTN.

Việc thực hiện Công ước của LHQ về chống tham nhũng, Việt Nam đã tham gia khá đầy đủ các nội dung công ước quy định, là một trong những thành viên có đóng góp tích cực, được bạn bè quốc tế và LHQ đánh giá cao.

* Vậy vì sao Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được đề cập từ nhiều năm mà nay vẫn chưa ban hành?

- Đề án đã được Thanh tra Chính phủ xây dựng xong và đang trình Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã xây dựng xong Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến hoàn thiện, hiện đang lấy ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sau đó sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Bộ Chính trị. Tinh thần chung của các đề án là thực hiện được việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật, phân định rõ ràng trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn trong Đảng cũng như trong cơ quan nhà nước; quy định cán bộ cấp nào thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh khi có dấu hiệu kê khai không trung thực, cấp nào thì Thanh tra Chính phủ xác minh và cấp nào cơ quan nơi cán bộ làm việc tự xác minh…

Ban chỉ đạo có làm thay cơ quan bảo vệ pháp luật?

* Năm 2013 cũng là năm đánh dấu việc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới. Là một thành viên của Ban chỉ đạo, ông có thể cho biết một số kết quả ban đầu của việc chuyển đổi này?

- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động. Trước đây có dư luận về việc các vụ án tham nhũng trọng điểm tuy đã được quan tâm đúng mức, nhưng do tính chất phức tạp của vụ án nên việc xử lý thường bị kéo dài làm cho dư luận bức xúc. Nay Ban chỉ đạo đã tăng cường giám sát và đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Đối với 10 vụ án trọng điểm thì qua đôn đốc cho thấy các cơ quan chức năng tích cực hơn, trong tháng 11 vừa qua đã đưa ra xét xử 2 vụ với những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội được dư luận đồng tình. 8 vụ án còn lại sẽ khẩn trương đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất và cố gắng dứt điểm trong quý 1 và quý 2-2014.

Ban chỉ đạo cũng đã thành lập 7 đoàn công tác liên ngành để tiến hành kiểm tra, giám sát tại 4 bộ, ngành và 11 địa phương trong việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Thông tin ban đầu cho thấy 7 đoàn công tác đã phát hiện nhiều vấn đề. Đơn cử như cá nhân tôi phụ trách một đoàn đi kiểm tra, giám sát tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Bình Thuận đã phát hiện hai vụ việc cần làm rõ; một số vụ có sự thiếu nhất quán giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội… Chúng tôi đã có ý kiến với địa phương và báo cáo Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN chỉ đạo địa phương làm rõ những vấn đề này.

* Theo ông, việc tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát như nêu trên có nên trở thành định kỳ?

– Đây là đợt kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị thể hiện vai trò trách nhiệm rất cao của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, tới đây Ban chỉ đạo sẽ tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và có chỉ đạo toàn diện hơn. Tôi nghĩ rằng việc kiểm tra, giám sát này rất có tác dụng và mang lại hiệu quả, nên sau này sẽ được tiếp tục và đưa vào chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo.

* Điều gì đã giúp cho các vụ án trọng điểm được xử lý khẩn trương hơn như ông nói ở trên?

- Sau khi hoạt động theo mô hình mới thì Ban chỉ đạo rất tập trung đôn đốc, kiểm tra thường xuyên. Ban chỉ đạo đưa ra cơ chế làm việc rõ ràng, từng cấp chỉ đạo những công việc phù hợp với tính chất, mức độ của công việc. Trước hết là các ngành tự phối hợp để xử lý. Các ngành tự phối hợp không được thì tới thường trực Ban chỉ đạo, do phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo chủ trì. Nếu cần thẩm quyền cao hơn nữa thì tới Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (cũng là phó trưởng Ban chỉ đạo). Nếu vụ việc có tính chất quan trọng hơn, còn ý kiến khác nhau nhiều thì lên đến trưởng Ban chỉ đạo là Tổng bí thư. Nếu qua nhiều lần mà chưa đạt được sự thống nhất và vượt thẩm quyền thì xin ý kiến của Ban chỉ đạo.

Sau khi có kết luận Trung ương 5 (khóa XI) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, từ dư luận xã hội cũng như trước thực tế diễn biến tham nhũng ngày càng phức tạp cho nên cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng cũng vào cuộc tích cực hơn, đối với từng vụ việc có kế hoạch chi tiết, xử lý tới đâu báo cáo tới đó kịp thời.

* Như vậy liệu Ban chỉ đạo có can thiệp sâu và làm thay các cơ quan bảo vệ pháp luật?

- Không, bởi vì xác định rõ Ban chỉ đạo có vai trò chỉ đạo với quy chế hoạt động rõ ràng. Các cơ quan chức năng hoạt động theo quy định pháp luật. Vai trò của Đảng lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, không can thiệp vào cụ thể, ví dụ như không can thiệp vào mức án thế nào hoặc là các vấn đề mà pháp luật đã quy định rõ.

Không phải kê khai rồi để đấy

* Thưa ông, biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập hiện nay được thực hiện như thế nào?

– Kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp quan trọng để vừa có tác dụng phòng ngừa, vừa có điều kiện giám sát, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng. Người kê khai tài sản phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm bên cạnh việc làm rõ biến động về tài sản của mình trong kỳ kê khai. Việc công khai có thể bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc (thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục). Trong năm 2013, biện pháp này đã được quan tâm thực hiện và có kết quả tốt hơn, có 113.436/115.883 người kê khai lần đầu (đạt 97,9%); 519.320/526.632 người kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 bản kê khai được công khai tại nơi người kê khai thường xuyên công tác, qua đó phát hiện và xử lý kỷ luật 61 trường hợp vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập, tăng 200% so với kết quả trong 5 năm từ năm 2008-2012. Có thể khẳng định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập đã có tác dụng tốt, nhờ đó mà phát hiện để xử lý vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

* Nhưng thưa ông, thực tế đã chứng minh là rất khó phát hiện tham nhũng từ nội bộ, trong khi đó có một kênh giám sát quan trọng là của người dân và báo chí. Sao không phát huy thế mạnh của kênh giám sát này trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên?

- Công khai bản kê khai tài sản là quy định mới về phòng ngừa tham nhũng, góp phần minh bạch tài sản, thu nhập để tiến tới kiểm soát thu nhập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên cần có lộ trình trên cơ sở nghiên cứu kỹ, toàn diện về nhiều mặt, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý, kiểm soát thu nhập hiện nay của nhà nước ta.

Khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN thì cũng bàn nhiều vấn đề này. Có ý kiến đề nghị công khai cả nơi cư trú để nhân dân giám sát. Theo ý kiến của nhiều người và cuối cùng Quốc hội thông qua là ta làm từng bước. Trước đây chưa được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập thì bây giờ ta tiến một bước là công khai tại nơi thường xuyên làm việc, đồng thời phân cấp rõ cơ quan đi xác minh, xử lý nếu có dấu hiệu kê khai không trung thực. Về lâu dài, đến thời điểm sửa đổi toàn diện Luật PCTN (dự kiến năm 2015) thì sẽ tính tới việc công khai rộng rãi để nhân dân có điều kiện giám sát.

Hiện nay nói là công khai tại nơi thường xuyên làm việc, nhưng qua đó quần chúng cũng có thể biết tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vì thông tin đã đưa ra ngoài.

* Thưa Tổng Thanh tra Chính phủ, ông kê khai tài sản thu nhập như thế nào?

- Tôi thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn mẫu kê khai như thế nào thì mình kê khai đúng như vậy, nội dung nào phải kê khai thì mình thực hiện. Hiện chúng tôi đã triển khai và đang thực hiện kê khai theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN cũng như các nghị định, thông tư có liên quan.

* Ông có sẵn sàng công bố bản kê khai của mình để dân biết?

- Là một người cán bộ thì tôi phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập, việc công khai bản kê khai đó do cơ quan tiến hành theo đúng quy định của pháp luật là công khai tại cơ quan Thanh tra Chính phủ, nơi tôi thường xuyên công tác, và tôi luôn sẵn sàng thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài việc kê khai của cá nhân, tôi còn đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ trong đối tượng phải thực hiện.

Quan trọng là cái tâm của người đứng đầu

* Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhận định năm 2013 “tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm”. Biểu hiện nào cho thấy “chưa có dấu hiệu giảm”, thưa ông?

- Đánh giá này là theo kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và chúng tôi cho rằng hoàn toàn chính xác. Vì mấy lý do, thứ nhất là tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc cho xã hội. Thứ hai là tham nhũng tập trung ở những lĩnh vực nhạy cảm. Thứ ba là tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà của một bộ phận công chức, tham nhũng vặt còn xảy ra ở nhiều nơi…

* Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì các vụ án tham nhũng phát hiện được qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo lại chủ yếu là ở xã, phường, thôn, bản với những vụ việc nhỏ lẻ. Thanh tra Chính phủ có giải pháp nào để đánh tham nhũng mạnh hơn?

- Đúng là vừa qua có nhiều vụ việc nhỏ lẻ, nhưng với 10 vụ án trọng điểm mà tôi nêu ở trên thì chúng ta đã đánh đến cấp trên rồi, cỡ tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn… cũng đã xử lý tới rồi. Thực tế những vụ án nhỏ thì dễ xử lý nên xử lý nhanh hơn, còn vụ án lớn và phức tạp thì phải mất nhiều thời gian hơn nên có cảm giác chỉ phát hiện và xử lý những vụ án tham nhũng nhỏ, chỉ đánh ở cấp xã. Nhưng thực tế chúng ta cũng đã phát hiện và tập trung nhiều vào các vụ án lớn.

Vừa qua chúng tôi thanh tra cũng phát hiện được một số vụ việc ở cấp trên rồi, ví dụ như qua thanh tra Ngân hàng NN&PTNT chúng tôi phát hiện sai phạm trong việc cho Công ty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng và đã chuyển ngay cho cơ quan điều tra; cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam nguyên tổng giám đốc và một số đồng phạm khác. Hay như trong vụ Vinalines, liên quan tới Dương Chí Dũng, cơ quan thanh tra cùng cơ quan điều tra phối hợp rất chặt chẽ ngay từ đầu phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì khởi tố ngay.

Tới đây nhà nước sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò của báo chí và nhân dân trong tố cáo tham nhũng, trong đó cần phải khuyến khích và có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo cả về tính mạng, tài sản và danh dự của họ, đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời người có thành tích trong tố cáo tham nhũng để động viên họ.

* Trong PCTN luôn nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm người đứng đầu. Xin được hỏi trách nhiệm của ông với tư cách là người đứng đầu Thanh tra Chính phủ?

- Chúng tôi thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa trong nội bộ theo quy định chung của nhà nước như công khai minh bạch hoạt động, kê khai tài sản, thu nhập, cải cách hành chính, chuyển đổi vị trị công tác… Chúng tôi cũng đưa ra các quy định, quy chế riêng của ngành, ví dụ như quy chế về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, quy định giám sát, kiểm tra, hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, đặc biệt là có quy định về PCTN trong ngành thanh tra, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), song song với xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa của cán bộ thanh tra, để vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa PCTN có hiệu quả.

Bản thân người đứng đầu phải có trách nhiệm và nêu gương, anh nói người ta thì anh phải làm trước, nói người ta đi muộn thì anh phải đi sớm, nói người ta tiêu cực thì anh phải trong sạch, quan trọng là cái tâm của mình phải trong sáng, thể hiện vai trò người đứng đầu, giữ được uy tín cho Đảng và bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Khi phát hiện tiêu cực trong nội bộ thì xử lý nghiêm minh, kịp thời.

 

 

 Trên cương vị người đứng đầu ngành thanh tra, ông trăn trở điều gì trong công cuộc PCTN hiện nay?

- (Trầm ngâm)…Trăn trở ư? Có ít nhất ba điều.

Thứ nhất, chủ trương, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước hết sức đúng đắn, nên đã xác định tham nhũng cản trở quá trình phát triển, vì vậy PCTN luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng triển khai các giải pháp phòng ngừa chưa đầy đủ, chưa kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hiện nay nói thì nhiều nhưng cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Thứ hai, việc thực hiện quy định về trách nhiệm người đứng đầu chưa thực sự đi vào cuộc sống một cách sâu sắc, bệnh thành tích còn đè nặng ở nơi này nơi khác cho nên xử lý nhiều thì sợ ảnh hưởng đến thành tích đơn vị và sợ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, nên hiệu quả bị hạn chế.

Thứ ba, công tác phát hiện chưa tương xứng thực trạng, và điều quan trọng hơn là phát hiện phải đi đôi với xử lý sao cho phát hiện đến đâu xử lý đến đó trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và kịp thời.

 

 

*ĐÀ TRANG – VÕ VĂN THÀNH