23/01/2025

Giật mình với nhập siêu từ Trung Quốc

Hàng hoá nhập siêu từ Trung Quốc trong mười tháng đầu năm nay đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ bao lì xì đến sợi dây thun đều nhập từ Trung Quốc.

Giật mình với nhập siêu từ Trung Quốc

Hàng hoá nhập siêu từ Trung Quốc trong mười tháng đầu năm nay đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ bao lì xì đến sợi dây thun đều nhập từ Trung Quốc.

 

Nhập từ bao lì xì đến dây thun…

 

Như Tuổi Trẻ từng đề cập, hàng Trung Quốc nhập vào VN không chỉ là thiết bị máy móc mà còn cả hàng tiêu dùng đơn giản như bao lì xì, dây thun, cục gôm… Hàng Trung Quốc giờ đây đã phủ khắp các chợ, cửa hàng tạp hóa vùng ven, siêu thị, trung tâm thương mại…

Lãnh đạo một số chi cục hải quan phụ trách những cảng biển lớn ở TP.HCM nói rằng hàng Trung Quốc nhập khẩu quá nhiều đến mức việc thống kê, lấy dữ liệu nhập khẩu vô cùng khó khăn. “Nhiều vô kể, thượng vàng hạ cám, cái gì họ cũng nhập. Nhập từ mấy cái bao lì xì, dây thun đến bút, vở học sinh, đồ dùng nhà bếp… Tôi làm thủ tục cho doanh nghiệp thông quan hàng nhập khẩu, nhiều khi thấy ngạc nhiên về những mặt hàng họ nhập” – một cán bộ hải quan ở TP.HCM cho biết.

 

Giá rẻ bất ngờ

Theo chỉ dẫn về những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của một số cán bộ hải quan, ghi nhận ở thị trường TP.HCM mới thấy hàng Trung Quốc đã xuất hiện nhan nhản khắp nơi và ngày càng phổ biến. Người bán hàng luôn ưu ái hàng Trung Quốc hơn vì hai tiêu chí mẫu mã và giá cả.

Bà Lý Phụng Kiều, một đầu mối chuyên nhập khẩu và phân phối lại các loại bao lì xì cho những người bán sỉ ở khu vực TP.HCM và một số tỉnh lân cận, cho biết bao lì xì Trung Quốc đã nhập khẩu về được khoảng một tháng trở lại đây, với khoảng 300 mẫu mã các loại nên hàng bán rất chạy. Toàn bộ đều được sản xuất tại Quảng Đông (Trung Quốc). Trong khi đó, hàng sản xuất trong nước chỉ lèo tèo vài mẫu, chưa kể giá cao hơn, còn hàng Trung Quốc gần như không đổi giá. Hồi năm 2006 giá bán trong khoảng 2.000-6.000 đồng/bịch sáu bao tùy loại, nay giá chỉ 3.000-3.500 đồng/bịch. Trong khi đó hàng Việt mắc gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Vẫn theo bà Kiều, những người mua về bán lẻ thường mua khoảng 500 bao, còn người mua sỉ mua vài chục ký. Một thùng khoảng 25kg giá bán chỉ khoảng 9 triệu đồng. Hiện rất nhiều khách hàng từ miền Tây đã đặt hàng bao lì xì cho dịp tết này. Theo dữ liệu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về TP.HCM của cơ quan hải quan, mặt hàng bao lì xì được nhập khẩu từ tháng 11-2013, giá nhập chỉ khoảng 19.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nhà nhập khẩu bỏ sỉ ra thị trường lên đến 360.000 đồng/kg. Chính sự chênh lệch quá lớn này đã hấp dẫn người kinh doanh hơn nguồn hàng sản xuất trong nước.

Không chỉ bao lì xì, cơ quan hải quan ở TP.HCM cho biết còn có cả dây thun, thiệp chúc mừng, dây ruybăng, băng keo dán, gôm tẩy học sinh, lược chải tóc… vốn là những mặt hàng hết sức nhỏ nhặt cũng được nhập khẩu về VN. Đáng chú ý là trong số những mặt hàng đang bán ra trên thị trường với các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng thực tế nhập từ Trung Quốc. Cụ thể là loại bánh xốp mềm Mochi Sweets. Nói đến loại bánh này, người tiêu dùng nghĩ ngay đến loại bánh nổi tiếng của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo hải quan TP.HCM, bánh Mochi Sweets được nhập khẩu từ Trung Quốc và đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH DL Sweets. Công ty này đăng ký nhập đủ các vị dâu, sôcôla, dừa, trà xanh, chanh… Dữ liệu từ Cục An toàn thực phẩm cũng cho thấy bánh Mochi Sweets chỉ có một doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu và toàn bộ đều có xuất xứ Trung Quốc.

Lấn ra vùng ven…

Tại chợ Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM), ngay khi bước vào cửa một tiệm tạp hóa khá lớn bán đủ các loại từ đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng đến các loại đồ dùng học tập đã thấy hàng Trung Quốc bày la liệt. Hỏi mua bình sữa cho con, chị chủ tiệm tên Minh Thu đem ra một chùm các loại bình lớn nhỏ đủ màu khác nhau. Tất cả đều ghi dòng chữ lớn “Made in China”. Bình loại 120ml có giá 14.000 đồng, loại lớn hơn thì 16.000-19.000 đồng/bình. Thắc mắc sao không có bình sữa nhựa của VN, chủ tiệm đáp liền: “Mắc quá sao bán? Ở đây người ta toàn xài loại này thôi”. Theo chị Thu, trước đây cũng có bán các loại bình VN nhưng giá thường từ vài chục tới cả trăm ngàn đồng, khó bán. Khoảng 1-2 năm trở lại đây, các loại bình Trung Quốc có giá rẻ hơn nên nhập về bán dễ dàng hơn.

Ghé vào một tiệm tạp hóa khác trên đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) thấy bày la liệt các loại trang sức, phụ kiện làm đẹp như kẹp tóc, bông tai, sơn móng tay. Mỗi chiếc kẹp tóc chỉ nhỏ bằng hai ngón tay với đủ màu sắc gắn trên một miếng bìa cũng ghi toàn chữ Trung Quốc. Chị Đỗ Thị Hiền, chủ tiệm, cho biết kẹp nhỏ chỉ 3.000 đồng/chiếc. Mua nguyên gói năm chiếc giảm còn 12.000 đồng. Chỉ mỗi kẹp tóc cũng có tới hàng chục mẫu để chọn, giá nào cũng có, nhỏ thì 2.000-3.000 đồng/chiếc, to đẹp thì 30.000-40.000 đồng/chiếc. Theo chị Hiền, trước đây những mặt hàng này khá ít, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều và rất đa dạng về chủng loại.

Theo chị Thu Diệu (Q.Phú Nhuận), một đầu mối kinh doanh hàng phụ kiện làm đẹp, hiện nay hàng Trung Quốc về VN bằng nhiều cách, rất đa dạng. Phổ biến vẫn là nhập hàng về các chợ đầu mối lớn rồi phân phối ra tất cả chợ lẻ. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng cũng đặt mua các loại hàng hóa Trung Quốc như trang sức, giày dép, quà tặng qua các trang mạng, sau đó mất 15-20 ngày để đưa hàng về VN. Các mặt hàng này thường có giá rất rẻ, đẹp nên dễ kinh doanh, kiếm lời. Chị Diệu cho hay một chiếc đồng hồ trang trí bán tại siêu thị có giá 125.000 đồng nhưng hàng Trung Quốc với kiểu dáng, mẫu mã y chang chỉ 30.000 đồng nên khách chọn mua rất nhiều.

Không chỉ đổ bộ vào các tiệm tạp hóa vùng ngoại thành, tại các chợ ở khu vực nội thành TP.HCM cũng tràn ngập hàng Trung Quốc. Bước chân vào lầu 1 chợ An Đông (Q.5), người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng khi những quầy sạp đã đóng chật ních hàng để chuẩn bị kinh doanh mùa tết và đa số là hàng Trung Quốc. Tìm đến sạp Thủy Phong chuyên kinh doanh hàng trang sức, chủ sạp giới thiệu hàng tại sạp tất cả đều là hàng nhập khẩu. Nhưng quan sát lại thấy phần lớn hàng hóa từ kẹp tóc nhỏ đến các loại trang sức đều có chữ Trung Quốc. Chủ sạp cho biết khách mua sỉ tại đây, ra bán lẻ có lời gấp đôi.

Tại nhiều quầy giày dép, túi xách, hàng chục bịch nilông lớn đóng gói sẵn để xuất đi các tỉnh. Chị Bé Hai, tiểu thương, cho biết: “Mấy năm nay người ta chuộng hàng giá rẻ, nên đi miền Tây, miền Trung hàng Trung Quốc vẫn là số một, bán được lắm”. Theo chị Bé Hai, không thể tính toán được vì hàng về chợ mỗi năm một khác nhưng bao giờ năm sau cũng nhiều hơn năm trước và rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.

Tại các chợ bán lẻ, thậm chí ở siêu thị, những mặt hàng đồ nhựa gia dụng, hàng làm bằng sắt, inox phục vụ nhà bếp… xuất xứ Trung Quốc rất phổ biến. Đồ bằng inox gồm các loại chậu rửa, ly làm đá, các loại khuôn, rổ inox, nồi nấu ăn… Hàng gia dụng đồ nhựa lại phổ biến ở các loại chén, đĩa, ly, khay làm đá, chậu, ca múc nước… Theo Tổng cục Hải quan, bên cạnh các sản phẩm nhập về phục vụ trong sản xuất, nhiều mặt hàng tiêu dùng mà trong nước sản xuất được cũng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm kim ngạch khá lớn và tăng rất nhanh những năm gần đây.

BẠCH HOÀN – DŨNG TUẤN

 

 

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 100 lần

Bà Nguyễn Việt Chi – Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương – cho biết từ năm 2001 VN bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc với mức 210 triệu USD. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương tháng 11-2013, đáng giật mình là chỉ trong vòng hơn 10 năm, nhập siêu từ Trung Quốc của VN đã tăng khoảng 100 lần.

Thực tế trên thị trường hàng Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều, lấn át hàng xuất xứ các nước khác và hàng sản xuất trong nước. Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), theo ông Đào Văn Phú – chủ quầy giày dép ở tầng 1, không chỉ lĩnh vực giày dép mà gần như tất cả mặt hàng khác ở chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc này ít nhất có đến hơn 50% đến từ Trung Quốc. Theo ông Phú, hộ kinh doanh nào cũng phải đa dạng hóa nguồn hàng, giá cả. So với hàng VN, hàng Trung Quốc thường có mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn dù chất lượng kém hơn. Thậm chí có một số mẫu hàng của VN đẹp, của thương hiệu uy tín, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau hàng Trung Quốc cũng có mẫu tương tự, giá rẻ hơn.

Mặc dù ngành dệt may ở VN số doanh nghiệp đông đảo, sản phẩm không kém phần đa dạng nhưng theo ông Phú, cả dãy phố Hàng Đào ở Hà Nội chuyên bán, cung ứng hàng dệt may cho cả miền Bắc chủ yếu cũng là hàng Trung Quốc. Theo chỉ dẫn của ông Phú, chúng tôi đến khảo sát tại một cửa hàng quần áo lớn ở phố Hàng Đào, chị chủ cửa hàng tên Minh lạnh lùng xua tay nói “không bán” với khách lẻ. Tuy nhiên, với lời đề nghị cung ứng hàng cho một cửa hiệu thời trang mới mở ở Thái Bình, chị này khẳng định có thể đảm bảo cung ứng cả trăm mẫu mã, chỉ cần đặt hàng, 2-3 ngày sau sẽ có. Thậm chí nếu những mẫu mã bình thường có thể mua… cả tạ đem về ngay lập tức.

C.V.KÌNH

 

 

 

 

Vì sao hàng Trung Quốc rẻ?

Theo Michelle Nash-Hoff – chủ tịch Tập đoàn ElectroFab Sales của Mỹ, có vài nguyên nhân giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn nhiều nước.

Thứ nhất do sản xuất ở quy mô lớn của các tập đoàn Trung Quốc, giá thành nguyên liệu và sản phẩm ở đây có thể có mức thấp hơn các nơi khác. Theo International Business Times, nếu dựa vào số liệu kinh tế năm 2011, Trung Quốc sản xuất 320,4 triệu máy tính cá nhân (tương đương 90,6% sản lượng toàn thế giới), 109 triệu máy điều hòa (80% sản lượng toàn cầu), 320,4 triệu đèn tiêu thụ năng lượng thấp (80%), 1,1 tỉ điện thoại di động (70%), 12,6 tỉ đôi giày (63%), 1,8 tỉ tấn ximăng (60%), 1,8 tỉ tấn than (48%)…

Thứ hai, với lực lượng lao động đông và số hàng chục triệu dân nông thôn ra thành thị, Trung Quốc có giá lao động tương đối rẻ so với thị trường, đặc biệt khi nước này vẫn còn khoảng 1 tỉ người sống dưới mức nghèo khổ. Ước tính bất cứ thời điểm nào Trung Quốc cũng có khoảng 100 triệu người đang thất nghiệp hoặc chỉ đang làm bán thời vụ.

Trung Quốc dù có hệ thống thuế giá trị gia tăng (13-17%), chính phủ hoàn thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc luôn duy trì chính sách tỉ giá đồng nhân dân tệ thấp (ước tính thấp hơn 30-40% so với giá trị thực), điều này khiến hàng hóa Trung Quốc luôn có lợi thế so với đối thủ. Cuối cùng, Trung Quốc có chiến lược “bán phá giá” (bán thấp hơn giá sản xuất) khi xuất khẩu đi các nước. Mục tiêu của chính sách này là để lấy thị trường hoặc triệt tiêu cạnh tranh khi vào một thị trường nhất định.

THANH TUẤN