23/01/2025

Mỹ kêu gọi lập đường dây nóng Trung – Nhật – Hàn

Mỹ hối thúc Trung Quốc lập đường dây nóng với Nhật Bản và Hàn Quốc để giải quyết căng thẳng về tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Bắc Kinh.

Mỹ kêu gọi lập đường dây nóng Trung – Nhật – Hàn

Mỹ hối thúc Trung Quốc lập đường dây nóng với Nhật Bản và Hàn Quốc để giải quyết căng thẳng về tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Bắc Kinh.

Sau khi rời Trung Quốc, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những phát biểu mạnh mẽ về ADIZ của Trung Quốc. Trong ảnh: ông Joe Biden bắt tay binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ khi đi thăm vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm ở biên giới Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên vào ngày 7-12 - Ảnh: Reuters 

AFP ngày 7-12 dẫn lời người phát ngôn ngoại giao Mỹ Marie Harf: “Chúng ta cần làm một số thứ để hạ nhiệt căng thẳng. Trung Quốc cần hợp tác với các nước khác, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, để thiết lập các biện pháp xây dựng niềm tin gồm các kênh liên lạc khẩn cấp để giải quyết các mối nguy từ tuyên bố của họ (về ADIZ)”.

Mối quan ngại rất thật

Trước đó, Mỹ đã mạnh mẽ tuyên bố không công nhận ADIZ của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh không triển khai vùng này. Là một cường quốc trong khu vực, Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm để “giảm nguy cơ xảy ra xung đột và hành động sai lầm chứ không phải làm leo thang căng thẳng trong khu vực” – bà Harf nhấn mạnh.

Theo Washington, việc Trung Quốc vẽ ADIZ chồng lấn lên không phận do các nước khác quản lý “tạo ra tình huống khó xử khi hai chính quyền khác nhau cùng giành quyền quản lý các máy bay dân sự”. “Nó có thể buộc các láng giềng của Bắc Kinh có hành động đáp trả” – bà Harf phát biểu. Trong phát biểu trước sinh viên Đại học Yonsei ở Seoul ngày 6-12, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đang công du tại đây, cũng cảnh báo “nguy cơ phạm sai lầm (trên ADIZ) là có thật và có thể để lại hậu quả cho thế hệ trẻ”.

Mỹ cho biết các máy bay quân sự của nước này tại khu vực Bắc Á sẽ phớt lờ yêu cầu trình kế hoạch bay cho chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, Washington khuyến cáo các hãng hàng không dân sự tuân thủ quy định của Cơ quan Quản lý hàng không Mỹ để bảo đảm an toàn. Hiện chưa có hiệp định nào quy định việc thiết lập ADIZ ở các nước, nhưng các nước trên thế giới đã thiết lập các quy tắc để bảo vệ an toàn các máy bay dân sự và nhà nước, theo bà Harf.

Giới quan sát cũng ủng hộ đề xuất thành lập đường dây nóng giữa Trung Quốc và hai nước láng giềng. Giáo sư Yoshihide Soeya thuộc Đại học Keio ở Tokyo cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản đã có đường dây nóng dùng khi quan hệ song phương gặp sóng gió. Nếu đường dây nóng giữa ba nước được thành lập “sẽ là cách hay để giải quyết khủng hoảng một cách êm đẹp”.

Tuy nhiên căng thẳng khó lắng dịu khi Chính phủ Hàn Quốc dự kiến tuyên bố mở rộng ADIZ của nước này. Hãng tin Yonhap ngày 7-12 dẫn nguồn từ chính phủ cho hay Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ công bố ADIZ mở rộng vào sáng nay (8-12). Trước đó, trang Defense News cũng đưa tin lãnh đạo Cục An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Jang Soo ngay sau cuộc gặp giữa ông Biden và Tổng thống Park Geun Hye đã có cuộc gặp với các bộ trưởng để thảo luận về việc mở rộng ADIZ. Theo đó, các bộ trưởng thống nhất sẽ mở rộng ADIZ tại các đảo Marado, Hongdo cũng như Trung tâm nghiên cứu đại dương Ieodo đặt trong vùng chồng lấn khu vực đặc quyền kinh tế giữa Seoul và Bắc Kinh. ADIZ xung quanh Ieodo sẽ có bán kính 100km. Người phát ngôn Hồng Lỗi của Trung Quốc sau đó tuyên bố lấy làm tiếc và sẽ tư vấn với Seoul về kế hoạch này.

Trung Quốc rút khỏi phân xử với Philippines

Trong khi đó, tờ Guardian ngày 6-12 đưa tin Trung Quốc đã có một động thái hết sức bất thường khi quyết định rút khỏi tiến trình phân xử của Liên Hiệp Quốc về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Philippines. Thông tin được đưa ra một tuần sau khi Bắc Kinh đưa hàng không mẫu hạm duy nhất Liêu Ninh đến vùng biển ngoài khơi Philippines. Trung Quốc cho biết sự xuất hiện lần đầu tiên của Liêu Ninh tại khu vực này, cùng với hai tàu khu trục và hai tàu chiến là để tham gia diễn tập.

Philippines dự kiến nộp hồ sơ chính thức lên các thẩm phán của Liên Hiệp Quốc vào tháng 3-2014. Tuy nhiên chuyên gia Paul Reichler, luật sư được Philippines thuê để xử lý vụ việc, mới đây cho hay phía Bắc Kinh đã bác bỏ việc tham gia phiên xử. Đây là lần đầu tiên một quốc gia từ chối tham gia phiên phân xử theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.

Theo ông Reichler, các thẩm phán quốc tế vẫn có thể ra quyết định dù Bắc Kinh không hợp tác nhưng sẽ chẳng có cách nào thực thi quyết định này. “Tuy nhiên nước nào tự đặt mình nằm ngoài luật pháp quốc tế sẽ phải trả giá – một quốc gia không tuân thủ luật pháp” – ông nói thêm.

TRẦN PHƯƠNG

 

 

Trung Quốc kêu gọi Úc ủng hộ ADIZ

Tân Hoa xã ngày 7-12 cho biết Bắc Kinh đã không hài lòng với Bộ Ngoại giao Úc về việc nước này không thừa nhận ADIZ mà Trung Quốc vừa lập ra trên biển Hoa Đông.

Trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop một ngày trước đó ở Bắc Kinh, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng những tuyên bố gần đây của Úc xoay quanh vấn đề ADIZ đã làm xói mòn lòng tin lẫn nhau và phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương của hai nước. Ông Vương kêu gọi Úc ủng hộ Trung Quốc và giải quyết các vấn đề nhạy cảm trong khu vực bằng quan điểm chiến lược của mình.

MỸ LOAN