23/01/2025

Người lớn hãy là tấm gương sáng

“Một đứa trẻ vừa vấp té thì phụ huynh ngay lập tức chạy lại bế thốc con đứng dậy và giả vờ đánh cái ghế, đánh cái bàn vì đã làm con té (!?). Hành động đó tiêm vào đầu đứa trẻ cơ chế đổ lỗi và không chịu trách nhiệm với chính mình”

 

Sống trách nhiệm: Người lớn hãy là tấm gương sáng

Không thể phủ nhận việc giới trẻ ngày nay sống chưa có trách nhiệm. Nhưng vì đâu nên nỗi?

 

Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An – Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, sở dĩ có thực trạng này vì chính cách giáo dục của gia đình khi trẻ còn nhỏ đã khiến trẻ có thói quen ỷ lại và đổ trách nhiệm cho người khác. “Một đứa trẻ vừa vấp té thì phụ huynh ngay lập tức chạy lại bế thốc con đứng dậy và giả vờ đánh cái ghế, đánh cái bàn vì đã làm con té (!?). Hành động đó tiêm vào đầu đứa trẻ cơ chế đổ lỗi và không chịu trách nhiệm với chính mình”, ông An phân tích.

Đừng vội trách người trẻ

Còn ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet, cho rằng đừng vội trách người trẻ, bởi để sống có trách nhiệm 100% trong thời đại hiện nay rất khó khi bị chi phối nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. “Xã hội hiện nay không phải ai cũng sống có trách nhiệm, điều đó tác động đến giới trẻ. Họ tự cảm thấy sống có trách nhiệm là không cần thiết, người khác không có trách nhiệm thì việc gì bản thân họ phải có trách nhiệm”, ông Minh lý giải.

 

 
 

Cần phải đặt lại vấn đề, muốn giới trẻ sống trách nhiệm thì xã hội đã có trách nhiệm với thanh niên hay chưa? Có thật sự đã quan tâm đến đời sống, học tập, tâm tư tình cảm, tương lai của giới trẻ hay chỉ là kêu gọi, hô hào… rồi để mặc họ tự xoay xở

 

Ông Quách Đức Anh Phụ trách dự án Phát triển sinh viên tài năng Hanoi VIP Elite

 

 

Trong khi đó, ông Quách Đức Anh, phụ trách dự án Phát triển sinh viên tài năng Hanoi VIP Elite, thẳng thắn nhận định phần lớn giới trẻ là những người mong muốn sống trách nhiệm. Tuy nhiên họ không có điều kiện hoặc không được tạo điều kiện để sống có trách nhiệm.

Ông dẫn giải việc hằng năm tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp khá cao. Không có việc làm, không có thu nhập, chưa thể ổn định được cuộc sống của chính bản thân thì không thể nghĩ tới những việc khác như: làm tình nguyện, đóng góp cho xã hội, giúp đỡ cộng đồng. Có muốn “sống trách nhiệm như những gì người khác kỳ vọng” cũng khó mà làm được.

Cũng theo ông Anh, hiện nay mọi người đang đặt quá nhiều gánh nặng và trọng trách lên giới trẻ. Chỉ thường được nghe “thanh niên cần có trách nhiệm với xã hội” chứ ít nghe “xã hội cần có trách nhiệm gì với thanh niên”. Vì lẽ đó, ông Anh đề xuất: “Cần phải đặt lại vấn đề, muốn giới trẻ sống trách nhiệm thì xã hội đã có trách nhiệm với họ hay chưa? Có thật sự đã quan tâm đến đời sống, học tập, tâm tư tình cảm, tương lai của giới trẻ hay chỉ là kêu gọi, hô hào với những lời động viên là “cần phải tự lập, chủ động”… rồi để mặc họ tự xoay xở”.

Tháo gỡ những nút thắt

Bên cạnh đó, để có thể tháo gỡ những nút thắt khiến giới trẻ chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống có trách nhiệm, ở khía cạnh tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng Ý Tưởng Việt, cho rằng gia đình hãy hướng dẫn trẻ ngay từ những ngày đầu chập chững đến trường thói quen có trách nhiệm, bởi không phải một sớm một chiều thói quen được hình thành mà cần có thời gian rèn luyện. Ngoài ra, những người lớn, thế hệ đi trước hãy là những tấm gương sáng về tính sống trách nhiệm để giới trẻ noi theo và có thêm động lực để hành động đúng.

Ông An cũng hiến kế, nên cài những chế độ lập trình trong suy nghĩ của họ về việc sống có trách nhiệm như: khuyến khích, động viên, khoan hồng, bao dung với những lầm lỗi; khen thưởng khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời nhà trường và xã hội cần tạo ra nhiều phong trào xã hội, sân chơi thiết thực để có thể tác động tốt vào nhận thức cũng như tình cảm, từ đó hình thành những hành vi đúng đắn và có trách nhiệm từ người trẻ.

Ý kiến 

Lên tiếng bài trừ cái xấu

 

Chúng ta không bàng quan trước những cái xấu khi ta chứng kiến mà hãy mạnh dạn lên tiếng để loại bỏ, bài trừ những thứ ấy ra khỏi đời sống xã hội, giúp cộng đồng có cuộc sống tốt đẹp, bình an hơn.

Nguyễn Trọng Hoàng 
(Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM)

Ý thức tự giác học tập

 

 

 

Luôn có ý thức tự giác học tập, trau dồi kiến thức; tranh thủ thời gian rèn luyện thêm kỹ năng để chuẩn bị hành trang vững vàng trước khi ra trường.

Sau đó, cố gắng tìm kiếm một công việc phù hợp để tự nuôi sống bản thân và xa hơn nữa là giúp đỡ lại gia đình. Biết cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ, làm cho bố mẹ vui, đó cũng là sống trách nhiệm.

Phạm Quang Công 
(Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Đừng vô tâm với người khác

 

 

 

Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi buộc chúng ta phải chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc.

Tuy nhiên, đừng vì thế mà bỏ mặc, vô tâm hay quên đi những người xung quanh đang còn gặp nhiều khó khăn. Hãy dừng lại trong chốc lát để quan tâm, động viên, chia sẻ với họ.

Lê Thị Nhật Thiện 
(Bà Rịa-Vũng Tàu)

Làm chủ chính mình

 

 

 

Sống trách nhiệm là luôn làm chủ được bản thân, không để người khác lôi kéo vào những việc làm không hay.

Chúng ta có thể hòa nhập vào bất cứ môi trường văn hóa, xã hội nào nhưng đừng bao giờ hòa tan và đánh mất bản thân mình. Hãy tôn trọng bản thân để làm chủ chính mình trong mọi hoàn cảnh.

Trần Thị Ngọc Thúy 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Lê Thanh 
(ghi)

Nguyễn Thanh Nam