Tự nhiên thấy… ngại
Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ hiện nay là dù rất yêu thương nhưng lại không dám bày tỏ tình cảm với bố mẹ mình.
Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ hiện nay là dù rất yêu thương nhưng lại không dám bày tỏ tình cảm với bố mẹ mình.
Thôi, sến lắm
|
Dịp 20.11 vừa qua, Công Trọng chia sẻ: “Con chúc ba mẹ sức khỏe và công tác tốt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam”. Mọi người bình luận hỏi sao không gọi điện hay nhắn tin mà ghi lời chúc trên Facebook. Trọng đáp gọn lọn: “Thôi, sến lắm”.
Câu chuyện này không phải ngoại lệ. Khá nhiều bạn trẻ khi được hỏi có thường thể hiện tình cảm với phụ huynh, chỉ cười bảo: “Không quen sến như vậy”, “Cũng muốn nhưng chẳng dám vì thấy ngại ngại”…
Hoài Thu, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM, cho biết: “Những ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ, hay dịp 8.3, 20.10 mình đều nhớ. Cũng muốn nói lời chúc mừng hay tặng món quà nào đó lắm, nhưng cứ do dự. Thấy ngại vô cùng”.
Chính vì thế nhiều bạn trẻ không ngần ngại thú thật, đã rất lâu rồi chưa một lần nói những lời yêu thương, hay mua một bó hoa, một món quà… dành tặng đấng sinh thành. Và mỗi ngày lớn dần lên, họ nhận ra dường như điều ấy là không thể.
Trên Facebook có Hội những người yêu mẹ cha mà không nói nên lời với hơn 6.700 thành viên, cả nam và nữ, cả những bạn trẻ đang sống bên cạnh gia đình lẫn tự lập. Họ cho biết dù thương cha mẹ vô cùng nhưng không thể nói ra bằng lời, cảm thấy khó khăn và vụng về mỗi khi bày tỏ tình cảm trực tiếp, nên phải nhờ đến những dòng tâm sự, thổ lộ để chuyển tải những thông điệp yêu thương.
Nhiều cách bày tỏ yêu thương
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận tâm lý sợ sến khi thể hiện tình cảm với gia đình là hiện tượng có thật, đặc biệt phổ biến ở giới nam.
Lý giải nguyên nhân của thực tế này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng Ý Tưởng Việt, cho rằng khi còn nhỏ, do không được người lớn khuyến khích những hành động, lời nói thể hiện tình cảm, nên khiến họ nghĩ rằng điều đó không cần thiết. Dần dần nó sẽ hạn chế việc biểu lộ tình cảm với bố mẹ mặc dù trong lòng hết mực yêu thương và kính trọng.
Thành Trường, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, kể nhiều lần bắt gặp hình ảnh những học sinh tiểu học ôm hôn bố mẹ mà cảm thấy xấu hổ. “Muốn tạo lại hình ảnh ấy nhưng chẳng biết phải làm thế nào”, Trường chia sẻ.
Để tháo gỡ tình huống này không khó. Bà Nhung “mách nước” cách thể hiện tình cảm tốt nhất là hiểu được sự mong mỏi của bố mẹ để có những hành động phù hợp. Đơn giản nếu như bố mẹ mong con khỏe mạnh, thì hãy thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ lành mạnh, không thức khuya, bỏ bữa…
Tình yêu thương có vô vàn cách để thể hiện. Thế nên nếu cảm thấy ngượng ngùng trong việc bày tỏ tình cảm thông qua lời nói thì có thể bày tỏ bằng những hành động tinh tế nhưng chất chứa đầy tình yêu thương.
Theo đó, thay vì nói “con thương mẹ” thì hãy phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu những bữa ăn ngon hợp khẩu vị cho cả gia đình. Lời nói “con thương ba” đôi khi không đem lại hiệu quả bằng cách bóp vai cho ba sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hoặc những giờ thủ thỉ tâm tình những chuyện “trên trời dưới đất” cùng bố mẹ giá trị hơn những món quà xa xỉ…
Ông Vũ Trần Thanh, phụ huynh ở Q.Bình Thạnh TP.HCM, tâm sự: “Là cha mẹ, còn gì vui sướng bằng việc được con cái bày tỏ tình cảm. Những lúc như thế mọi mệt mỏi, lo toan đều vơi đi”.
Vậy nên đừng bao giờ ngại ngùng mà hãy mạnh dạn nói những lời yêu thương để sau này không phải nuối tiếc thốt lên: “Giá như ngày xưa, con bày tỏ nhiều hơn với bố mẹ”.
Nguyễn Thanh Nam – Trâm Anh